Quy hoạch du lịch
Đăng ngày 08-11-2021 10:29, Lượt xem: 31

Để phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, cần phải khai thác tối ưu hóa các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa và di sản độc đáo của thành phố, cải thiện chất lượng du lịch và phát triển các nút du lịch mới. Quy hoạch chung định hướng phát triển các dịch vụ Nhà Hàng – Khách Sạn cùng với các điểm tham quan đa dạng sẽ được định hướng trên khắp Đà Nẵng. Đến năm 2030, đất du lịch có 2.388 ha phục vụ cho các hạng mục sau:

Để đảm bảo du lịch Đà Nẵng giữ được sự bền vững, du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái có thể được khuyến khích như một phần trong nỗ lực bảo tồn môi trường và các hệ sinh thái độc đáo của Đà Nẵng. Khai thác du lịch tự nhiên sẽ tập trung vào việc tối thiểu hóa tác động lên môi trường tự nhiên, cùng với đó tạo nên những điểm đến hấp dẫn dựa trên cảnh sắc thiên nhiên phong phú của thành phố.

Song song đó, Đà Nẵng có sự đa dạng về hệ thống sông biển, là bản sắc của Thành phố và có thể biến thành các điểm đến du lịch tự nhiên hấp dẫn. Sự phát triển của du lịch sông nước cần ưu tiên các sản phẩm du lịch sông nước chất lượng cao và bền vững. Các nút du lịch sông nước định hướng gồm:

Sông Hàn nằm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, là hình ảnh mang tính biểu tượng của Đà Nẵng. Một mạng lưới tích hợp các điểm tham quan dọc theo sông Hàn, kết nối với tất cả các nhánh sông ở Đà Nẵng, di chuyển bằng tàu thuyền, taxi du lịch đường sông, tạo điều kiện cho khách du lịch thưởng ngoạn vẻ đẹp sông nước và hoạt động sống đặc sắc hai bên bờ.

Thêm vào đó, để tận dụng hơn nữa các đặc tính sông nước dọc theo vịnh Đà Nẵng, bờ biển phía Đông và hệ thống sông Hàn, hai hành lang phát triển du lịch sông nước được định hướng để kết nối các điểm đến du lịch quan trọng, bao gồm khu ven vịnh Đà Nẵng, các bãi biển bờ Đông, các cơ sở nghỉ dưỡng, bến tàu du lịch Tiên Sa, tuyến đường mua sắm chính, bán đảo Sơn Trà và hòn Sơn Trà con và các di sản văn hóa khác của thành phố.

Để đảm bảo du lịch Đà Nẵng giữ được sự bền vững, du lịch sinh thái sông nước được khuyến khích như một phần trong nỗ lực bảo tồn môi trường và các hệ sinh thái nhạy cảm của Đà Nẵng. Các cơ sở du lịch sẽ tập trung vào việc tối thiểu hóa tác động lên môi trường tự nhiên, trong khi cung cấp điểm đến hấp dẫn dựa trên tài nguyên thiên nhiên.

Với địa hình độc đáo và đa dạng sinh học phong phú ở vùng đồi núi phía Tây Đà Nẵng, phân khu sườn đồi và phân khu sinh thái phía Tây có thể được khai thác nhằm tối đa hóa tiềm năng của cảnh quan thiên nhiên và đặc điểm danh lam thắng cảnh. Du lịch sườn đồi có thể phát triển chủ yếu tại:

Bà Nà Hills, nhằm khai thác đặc trưng khí hậu và cảnh quan thiên nhiên của Bà Nà Hills để phát triển thành tổ hợp khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp theo chủ đề, thư giãn và nghỉ ngơi.

Khu vực rừng núi phía Tây với các hoạt động du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với thiên nhiên, đời sống hoang dã và dã ngoại (Hoà Phú, Hòa Bắc và Hòa Hiệp Bắc) có thể được khuyến khích ở khu vực núi phía Tây Đà Nẵng. Ngoài ra, dọc tuyến đường QL14G và đường Bà Nà, Suối Mơ, các địa điểm nằm dọc theo các nhánh sông, như dọc sông Cu Đê, sông Luông Đông, hồ Đồng Nghệ, cũng có thể tạo cơ hội cho các hoạt động du lịch liên quan đến sông nước được thiết lập trong khu vực rừng núi phía Tây.

Khu tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp làng Vân với cả hai đặc điểm bờ biển và sườn đồi, Khu tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Làng Vân là nơi duy nhất cung cấp các hoạt động nghỉ dưỡng, bãi biển và các hoạt động dựa trên thiên nhiên và văn hóa tại phía nam đèo Hải Vân.

Dãy núi Phước Tường – An Ngãi nằm trung tâm của Đà Nẵng tạo ra cơ hội độc đáo để đưa các không gian thiên nhiên đến gần với thành phố. Khu vực này có thể tổ chức các điểm ngắm cảnh của thành phố, hoạt động dã ngoại và nghỉ dưỡng ngay trong thành phố.


Quy hoạch Du lịch định hướng (2030)

Hiện nay, Đà Nẵng có các địa điểm tôn giáo đặc biệt gắn với cảnh quan thiên nhiên của thành phố. Đây là cơ hội để liên kết các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, phong cảnh núi - biển với các điểm đến tâm linh. Du lịch sinh thái tâm linh tập trung tại:

Bán đảo Sơn Trà cùng với chùa Linh Ứng, các thắng cảnh thiên nhiên, hệ sinh thái biển phong phú, các hoạt động hoang dã và mạo hiểm, Công viên chuyên đề phía Nam bán đảo Sơn Trà mới và các cơ sở nghỉ dưỡng chất lượng cao, bán đảo Sơn Trà được định hướng phát triển để trở thành một khu du lịch quốc gia đẳng cấp quốc tế. 

Danh thắng Ngũ Hành Sơn có thể được phát triển trở thành điểm đến tâm linh và thiên nhiên mang tính biểu tượng tại Đà Nẵng. Danh thắng Ngũ Hành Sơn bao gồm các ngọn nút đá cẩm thạch, đá vôi và các hang động mang tính chất tâm linh trở thành địa điểm dành cho tham quan và khám phá. Thêm vào đó, khu vực xung quanh còn có làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có tiềm năng để phát triển thành Công viên văn hóa tâm linh.

Ngoài các dịch vụ du lịch tự nhiên, Đà Nẵng là một điểm đến sôi động với nhiều hoạt động trải nghiệm du lịch ngay trong lòng thành phố. Hoạt động du lịch đô thị bao gồm:

Khu văn hóa với các di sản và tài sản văn hóa của Đà Nẵng đa dạng, nằm rải rác ở khắp các khu vực đô thị của Đà Nẵng. Trong đó bao gồm bảo tàng Chăm, Thành Điện Hải, bảo tàng Đà Nẵng, bảo tàng Mỹ thuật, các chợ truyền thống, các địa điểm tôn giáo, nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, các sự kiện và lễ hội…Những cơ sở này cung cấp cho du khách cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa độc đáo của Đà Nẵng.

Khu vực xung quanh trung tâm hành chính thành phố hiện nay được định hướng trở thành Không gian văn hóa bao gồm Quảng trường trung tâm, Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng, Thư viện tổng hợp nhằm tận dụng di sản và kiến trúc độc đáo trong khu vực.

Du lịch tàu biển với bến tàu du lịch Tiên Sa, việc xây dựng cảng mới Liên Chiểu, Cảng Tiên Sa sẽ được chuyển đổi thành bến tàu du lịch biển. Điều này cho phép Đà phát triển loại hình du lịch tàu biển và cảng Tiên Sa trở thành cảng du lịch tàu biển hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á

Ngoài ra, các hoạt động du lịch MICE được phát triển khắp địa bàn thành phố, trong đó tập trung dọc bờ biển phía Đông và ven sông Hàn, đặc biệt sẽ phát triển một tuyến phố tài chính trên đường Võ Văn Kiệt gắn với dự án. Cùng với các trung tâm hội nghị hiện tại, những phát triển này cung cấp tiềm năng cho du lịch hội thảo, cũng như các sự kiện và lễ hội lớn khác.

Liên quan đến du lịch thể thao gồm các trung tâm văn hóa thể thao lớn bao gồm Làng văn hóa thể thao Tuyên Sơn, Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân, các trung tâm thể

thao thành tích cao..

Khu thể thao hiện tại và khu vực công viên chuyên đề Công viên châu Á có thể được phát triển hơn nữa trở thành một không gian sự kiện trong khu vực dành cho thể thao và các sự kiện văn hóa. Đặc biệt là địa điểm tổ chức bắn pháo hoa quốc tế hằng năm.

Các dự án golf đã được phê duyệt được đưa vào đồ án quy hoạch 2030. Những dự án này cho phép du khách tham gia vào các hoạt động chơi golf và nghỉ dưỡng (BRG, Bà Nà Suối Mơ, Hòa Phong - Hòa Phú,…)

Về du lịch y tế, Trung tâm Y Tế và Phục hồi Chức Năng là một phần của mục tiêu trở thành Trung Tâm Y Tế chuyên sâu  của Việt Nam, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao gồm các bệnh viện quốc tế, các bệnh viện có chuyên khoa đạt chuẩn quốc tế và  phòng khám đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng được các nhu cầu của du khách và người dân.

Du lịch nghỉ dưỡng biển,  Đà Nẵng có đường bờ biển dài và đẹp, hòn Sơn Trà con, bán đảo Sơn Trà có thể phát triển du lịch biển và nghỉ dưỡng. Đường bờ biển dài góp phần cung cấp các dịch vụ du lịch phong phú, từ bãi biển công cộng đến các khu nghỉ dưỡng sang trọng, nhằm phục vụ các nhu cầu đa dạng của du khách.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Toàn văn thuyết minh Đồ án và phụ lục 

+ Thuyết minh

+ Phụ lục kèm theo