Tổ chức không gian cây xanh gồm phân cấp mảng xanh và hệ thống không gian xanh, cụ thể:
Phân cấp mảng xanh bao gồm hành lang xanh chính nằm dọc các con sông chính (sông Hàn, sông Cu Đê, sông Túy Loan, sông Cẩm Lệ và Cầu Đỏ, sông Cái, sông Cổ Cò,…) và dọc đường bờ biển theo Bờ Đông và Vịnh Đà Nẵng.
Hành lang xanh thứ cấp chủ yếu chạy dọc các hành lang giao thông để kết nối các nút xanh đô thị như công viên, các ngọn đồi và sông, hồ, biển; chạy dọc theo hướng Đông Tây nối khu vực bờ biển với các ngọn núi.
Hành lang xanh khu vực chủ yếu nằm dọc theo các hành lang an toàn của các tuyến đường và đường sắt đô thị. Các khu vực an toàn này có thể được tận dụng để trở thành một phần của mạng lưới xanh của thành phố.
Hệ thống không gian xanh gồm các loại không gian xanh khác nhau được định hướng trong quy hoạch sử dụng đất mở rộng như: Không gian xanh đô thị, Khu vực cây xanh cách ly, Khu vực cây xanh chuyên đề, Khu vực rừng.
Trong đó, không gian xanh đô thị bao gồm các công viên cây xanh, không gian mở và quảng trường dùng cho mục đích công cộng trong khu vực đô thị. Để đáp ứng mục tiêu Đà Nẵng trở thành một thành phố xanh, định hướng chỉ tiêu tối thiểu 6 m2 đất cây xanh cho mỗi cư dân đô thị (QCVN 01:2019). Không gian xanh sử dụng công cộng cấp đô thị được định hướng tại Đà Nẵng đến năm 2030 là 1.394 ha.
Một số không gian xanh đô thị được định hướng là:
Hành lang xanh được phát triển dọc theo khu vực bờ sông. Các không gian dạng tuyến tính như vậy sẽ góp phần tạo các điểm đến thư giãn cho du khách cũng như người dân trên khắp thành phố. Đồng thời, các hành lang tuyến này cũng sẽ tạo một lối đi bộ và đường đi xe đạp xuyên suốt, cũng như tạo một hành lang thoát lũ cho các con sông. Các tuyến hành lang xanh chính bao gồm các tuyến cảnh quan dọc sông, như Sông Cu Đê, Sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Cổ Cò, Sông Cái và sông Hàn. Một khoảng cách tối thiểu 50-100m được định hướng dọc theo các con sông chính, và 30m cho các nhánh phụ. Các hành lang này, tất nhiên sẽ còn phụ thuộc vào các phát triển đến năm 2030, nhưng sẽ được định hướng thu hồi dần để đảm bảo khoảng cách tối thiểu, được quy định sau năm 2045.
Ý tưởng Mạng lưới cây xanh
Công viên thành phố được xác định là lõi xanh trung tâm, là các không gian xanh tự nhiên của Thành phố, tạo thông thoáng cho toàn đô thị; được định hướng nằm tại những ngọn đồi trung tâm của Đà Nẵng, gắn với đồi núi Phước Tường – An Ngãi, khu vực lân cận phía Đông khu Du lịch Bà Nà.
Công viên phân khu được tổ chức trong các phân khu, các khu đô thị sẽ trở thành không gian cho các hoạt động sinh hoạt giải trí của người dân. Chúng được định hướng xung quanh các hồ chứa, tại giao điểm của các hành xanh cây xanh và mặt nước, hoặc gần trung tâm của phân khu.
Các công viên đơn vị ở sẽ được quy hoạch ở giai đoạn lập quy hoạch chi tiết. Không gian này cần định hướng trong mỗi khu phố để cung cấp không gian công cộng gần các khu dân cư.
Khu vực cây xanh cách ly là khu đệm cho các cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, đường dây điện cao thế, các khu công nghiệp, khu vực mặt nước, đường sắt và các tuyến giao thông đường bộ chính. Một số vệt cây xanh cách ly được tối ưu hóa như một phần của hành lang xanh nhằm kết nối các không gian xanh trong toàn thành phố. Tổng cộng có 1.476 ha đất đã được khoanh vùng thành khu vực cây xanh cách ly.
Khu vực cây xanh chuyên đề gồm các công viên chuyên đề là không gian xanh dành riêng cho vườn ươm thực vật, vườn bách thảo và các công viên chủ đề. Các không gian này tạo ra những điểm đến giải trí hấp dẫn dành cho du khách. Các công viên chuyên đề được để xuất bao gồm Công viên châu Á (công viên vui chơi giải trí, công viên văn hóa, khu ăn uống, văn hóa ẩm thực, khu hội nghị, dịch vụ lưu trú, khách sạn, các dịch vụ du lịch và các tiện ích công cộng), Công viên Bách thảo, công viên tại khu vực phía Nam bán đảo Sơn Trà. Tổng cộng có 429 ha diện tích đất cây xanh chuyên đề tại Đà Nẵng.
Các khu vực nhạy cảm với môi trường cũng được xác định và bảo tồn để bảo vệ các khu vực tự nhiên của Đà Nẵng.
Khu vực rừng bao gồm rừng sản xuất dành riêng cho phát triển lâm nghiệp, nhằm đảm bảo tính bền vững trong ngành lâm nghiệp; rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Quỹ đất dành cho rừng đặc dụng được xem là quan trọng đối với động vật hoang dã, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Quỹ đất này bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất sườn đồi sườn dốc, đất không thể phát triển. Các khu vực rừng đặc dụng chính bao gồm dãy núi Bạch Mã, khu vực núi Bà Nà, Nam đèo Hải Vân và bán đảo Sơn Trà. Đồng thời, các khu vực tự nhiên này cũng có tiềm năng để thành khu giải trí. Ví dụ, Khu Du lịch Bà Nà có thể phục vụ như một công viên thiên nhiên, mang đến không gian thư giãn nghỉ ngơi trong rừng núi, giữa sự hối hả của thành phố.
Ngoài ra, định hướng phủ xanh các đồi núi, khu vực khai thác khoáng sản nhằm khôi phục môi trường cảnh quan.
Tổng diện tích tất cả các loại rừng ở Đà Nẵng khoảng 56.334 ha.