Đô thị nén, đô thị thông minh, đô thị sinh thái là 3 loại hình đô thị được đề cập trong điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mỗi loại hình sẽ có những đặc trưng, nguyên tắc riêng khi áp dụng sao cho phù hợp với tình dân cư, hệ sinh thái của thành phố Đà Nẵng.
Đô thị nén
Trong điều kiện không gian hạn hẹp, dư địa hạn chế đặc biệt là các khu vực đô thị cũ (Hải Châu, Thanh Khê) do đó sẽ chọn tăng trưởng gắn với tăng mật độ dân cư trên diện tích đất hiện có; tập trung phát triển hướng tới sự cô đặc, tập trung các hoạt động đô thị vào một khu vực nhỏ thể hiện với 5 đặc điểm.
Đầu tiên là mật độ cao và đa dạng công năng tạo nên đô thị sầm uất, sống động, nhiều lựa chọn dịch vụ. Cùng với đó là hệ số sử dụng hạ tầng cao hơn, hiệu quả hơn, tạo nên khả năng cung cấp hạ tầng hiện đại như giao thông công cộng, quản lý nước, năng lượng, cụ thể: giải phóng các khu dân cư thấp tầng, kiệt hẻm, thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu, không đảm bảo an toàn; thay thế bằng các cụm chung cư cao tầng cùng với việc bổ sung các tiện ích đô thị (CTCC, khuôn viên cây xanh, Bãi đỗ xe…). Bán kính di chuyển ngắn làm tăng khả năng sử dụng xe đạp, di bộ, giảm phương tiện cơ giới cá nhân, giảm tiêu thụ năng lượng, nhất là năng lượng hóa thạch, giảm ô nhiễm, cụ thể: Phân bố hợp lý các khu vực trung tâm (TTTM, vui chơi giải trí…) cùng với việc bổ sung các không gian tiện ích (BĐX, công viên cây xanh…), các khu dịch vụ, các CT phúc lợi xã hội (trường học, khám chữa bệnh, siêu thị…). Kiến trúc linh hoạt, không gian đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với các loại hình sử dụng, cụ thể: Kích thích khả năng sáng tạo, sáng tác kiến trúc với các loại hình kiến trúc đa dạng theo trào lưu kiến trúc hiện đại; khuyến khích xây dựng công trình kiến trúc theo phong cách kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững thông qua các quy định QLQHKT đặc thù. Giảm giá thành các loại hình dịch vụ theo nguyên tắc kinh tế số lượng, tạo ra những hiệu ứng cộng hưởng về sản xuất, tiêu dùng…dẫn tới tăng trưởng kinh tế, cụ thể: Tạo nên không gian có độ tập trung cao độ các loại hình dịch vụ, tạo điều kiện thu hút các thương hiệu thương mại tầm cỡ quốc tế với các khu TTTM quy mô lớn.
Đô thị thông minh
Đô thị thông minh là mô hình quản lý đô thị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các công nghệ khác trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị dựa trên dữ liệu và công nghệ số để hỗ trợ ra quyết định, nâng cao hiệu quả các hoạt động và dịch vụ của đô thị, tăng năng lực cạnh tranh và chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội.
Đô thị thông minh được thể hiện qua 04 hợp phần: Hạ tầng số (hạ tầng mạng truyền dẫn; hạ tầng lưu trữ, tính toán); Tài nguyên dữ liệu số; Nền tảng công nghệ số; Nhân lực số.
Đô thị thông minh không phải là mô hình riêng lẻ, độc lập mà gắn kết chặt chẽ với hệ thống hạ tầng và các dịch vụ đô thị. Do đó, Đồ án đã bổ sung thêm nội dung về ứng dụng ICT trong hạng mục quy hoạch đô thị và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân.
Đồ án đưa ra Chiến lược phát triển đô thị thông minh của Đà Nẵng (Kiến trúc thành phố thông minh của Đà Nẵng với 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên). Cụ thể như sau:
STT |
Trụ cột |
Lĩnh vực |
1 |
Quản trị thông minh (Smart Governance) |
Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (Intelligent Operation Center) |
2 |
Dịch vụ công thông minh (Smart Public Services) |
|
3 |
Dữ liệu mở (Open Data) |
|
4 |
Kinh tế thông minh (Smart Economy) |
Du lịch thông minh (Smart Tourism) |
5 |
Thương mại thông minh (Smart Commerce) |
|
6 |
Nông nghiệp thông minh (Smart Agriculture) |
|
7 |
Môi trường thông minh (Smart Environment) |
Chiếu sáng thông minh (Smart Lighting) |
8 |
Quản lý nước (cấp, thoát) thông minh (Smart Water Management) |
|
9 |
Quản lý chất thải thông minh (Smart Waste Management) |
|
10 |
Đời sống thông minh (Smart Living) |
Giáo dục thông minh (Smart Education) |
11 |
Y tế thông minh (Smart Healthcare) |
|
12 |
Vệ sinh An toàn thực phẩm thông minh (Smart Hygiene and food safety) |
|
13 |
An ninh công cộng và Ứng cứu khẩn cấp thông minh (Smart Safety & Emergency services) |
|
14 |
Phòng chống thiên tai và tìm kiểm cứu nạn (Disaster Prevention - Search and rescue) |
|
15 |
Công dân thông minh (Smart Citizen) |
Công dân thông minh |
16 |
Giao thông thông minh (Smart Transportation) |
Giao thông thông minh |
Đô thị sinh thái
Nghị quyết 43 Bộ Chính trị xác định rõ mục tiêu hướng đến của Đô thị Đà Nẵng trong tương lai là trở thành Đô thị sinh thái. Do đó, tổ chức kiến trúc cảnh quan thành phố đề cập đến những nguyên tắc mang tính định hướng, tổ chức không gian hướng đến đô thị sinh thái.
Nguyên tắc đầu tiên của Đô thị sinh thái là phải gìn giữ sự đa dạng sinh học. Theo đó, Các hệ sinh thái đạt được sự ổn định và khả năng hồi phục thông qua các mạng lưới sinh thái đa dạng và phức tạp. Sự đa dạng sinh học càng cao thì các hệ sinh thái càng ổn định. Sự đa dạng sinh học của đô thị phải được đảm bảo với các hành lang cư trú tự nhiên, nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học và đem lại sự tiếp cận dễ dàng với thiên nhiên để nghỉ ngơi giải trí. Ngoài ra, đa dạng sinh học đô thị góp phần tạo ra sức sống cho cảnh quan đô thị, gìn giữ và phát huy đa dạng văn hóa.
Nguyên tắc 2 là Thiết kế hài hòa với các nguyên tắc của tự nhiên. Đô thị sinh thái có thiết kế hài hòa với các nguyên tắc của tự nhiên nghĩa là luôn coi trọng tự nhiên, bảo tồn các nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm thông qua các nội dung cụ thể: Phải cân đối giữa đầu vào (tài nguyên, năng lượng, thực phẩm) và đầu ra (chất thải, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ). Cần phải tiếp cận các chu trình sinh thái đô thị để tìm ra biện pháp tạo ra “cơ chế tự điều chỉnh” hoặc “điều chỉnh có điều kiện” một cách hợp lý nhất. Thay đổi cách sống đô thị và cách sản xuất để làm sao cho các dòng vật chất, nguyên liệu, năng lượng diễn ra trong chu trình khép kín; Sử dụng nguyên vật liệu cho phù hợp với mục đích sử dụng của con người, tái tạo nguồn tài nguyên cũng như kết hợp kiến thức, kỹ thuật mới vào các quá trình thiết kế.
Bên cạnh đó, đô thị sinh thái phải đảm bảo tính gắn kết giữa các nhân tố cảnh quan. Tính gắn kết là nói đến sự gắn kết giữa các yếu tố tự nhiên, yếu tố nhân tạo, các hoạt động đô thị và quy luật gắn kết để tạo thành không gian cảnh quan đô thị. Sự gắn kết này luôn biển đổi theo thời gian trong trạng thái cân bằng động, có xu hướng hình thành cấu trúc mới. Tổ chức không gian đô thị với mục đích không ngừng nâng cao chất lượng sống đô thị nhưng không phá vỡ cấu trúc cảnh quan tự nhiên. Các yếu tố tự nhiên là nhân tố đóng vai trò tạo lập không gian cảnh quan đô thị. Do đó, không gian cảnh quan đô thị luôn lấy yếu tố tự nhiên làm chủ đạo, các yếu tố nhân tạo được tạo ra nhất thiết phải được gắn kết một cách hài hòa, không lấn át hay đánh mất giá trị đặc trưng cảnh quan tự nhiên trên cơ sở các nguyên tắc thẩm mỹ, chú trọng tính nguyên vẹn của hệ thống vốn là một cấu trúc hoàn chỉnh.
Đặc biệt, việc phát triển đô thị phù hợp với “ngưỡng” môi trường. Mỗi môi trường sinh thái chỉ thích ứng với một giới hạn tác động nhất định, đặc biệt là sự can thiệp của con người. Sự tăng hay giảm cường độ tác động của yếu tố ra ngoài giới hạn thích hợp của hệ sinh thái sẽ tác động đến chất lượng môi trường và khả năng tồn tại sinh vật. Khi cường độ tác động tới ngưỡng cao nhất hoặc thấp nhất so với khả năng chịu đựng của môi trường sẽ dẫn đến nguy cơ bị hủy hoại. Trước hết, quy mô dân số và phát triển kinh tế – xã hội của đô thị được giữ ở mức phù hợp “ngưỡng” của môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, giải pháp quy hoạch, mô hình hình thái không gian cảnh quan đô thị được lựa chọn trên cơ sở phân tích sự phù hợp với các nhân tố môi trường lý sinh.
Cuối cùng, đô thị sinh thái phải tăng cường kết nối không gian bằng các giải pháp giao thông “xanh”; Duy trì hành lang xanh, mảng xanh và hồ điều hòa. Theo đó, bố trí quy hoạch và xác định quy mô các khu chức năng cảnh quan đô thị (nhà ở, khu làm việc, khu dịch vụ, nơi vui chơi giải trí…) hợp lý để con người giảm bớt đi lại bằng phương tiện cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi để đi bộ và xe đạp. Giao thông và vận tải cần hạn chế bằng cách cung cấp lương thực và hàng hóa chủ yếu nằm trong phạm vi đô thị hoặc các vùng lân cận, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường. Chú trọng tỷ lệ diện tích cây xanh cao, hình thành các mảng xanh, bãi cỏ bờ sông, khu cây xanh cách ly giữa khu dân cư và công nghiệp, hệ thống hành lang xanh kết nối các khu vực cảnh quan. Tăng cường cây xanh trên các trục lộ giao thông để tạo bóng mát, ngăn chặn tiếng ồn, bụi và tăng cường trao đổi oxy. Diện tích mặt nước (ao, hồ, sông, rạch) cân đối với diện tích dân số đô thị để tạo cảnh quan môi trường và khí hậu mát mẻ. Chú trọng tổ chức các hồ điều hòa những nơi có nguy cơ ngập lụt để hạn chế ngập úng trong các điều kiện thiên nhiên bất lợi.