Khu vực dân cư nông thôn
Đăng ngày 12-11-2021 08:47, Lượt xem: 17

Định hướng phát triển chính khu vực huyện Hoàng Sa là khu vực an ninh quốc phòng trọng điểm, đồng thời nghiên cứu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển như: Dịch vụ du lịch, khai thác và đánh bắt hải sản, khai thác khoáng sản, giao thông biển và dịch vụ hàng hải,...Đồng thời chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học. Đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển Điểm du lịch Hoàng Sa, Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Quy mô dân số của khu đô thị trung tâm huyện Hòa Vang khoảng 36.000 người (chỉ tiêu đất đơn vị ở 50m2/người – đô thị loại V).

Đô thị huyện lỵ là trung tâm hành chính huyện, tiểu trung tâm kinh tế đa ngành, kết nối tỉnh Quảng Nam và Tây Nguyên với thành phố Đà Nẵng. Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics nông sản. Mở rộng không gian đô thị về phía Tây Bắc kết nối các khu công nghiệp, công nghệ cao với các khu ở mới.

Định hướng phát triển khu vực nông thôn huyện Hòa Vang

Khu vực nông thôn huyện Hòa Vang có mật độ cư trú cao, các làng xã nông thôn có mật độ cư trú hiện trạng 180 người/km2, định hướng đến năm 2030 có mật độ cư trú dao động từ 800 – 1.100 người/km2. Với mật độ dân số cao, cư dân trong các làng xã không thể sinh sống bằng nghề nông hoàn toàn mà hầu hết bằng kinh tế phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đô thị phân tán mật độ thấp. Theo luật quy hoạch đô thị, định nghĩa đô thị là nơi tập trung dân cư hoạt động phi nông nghiệp, quy định mật độ dân số/diện tích tự nhiên tối thiểu là 1.000 người/km2 (tương đương đô thị loại 5). Phần lớn các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang sẽ đạt quy mô đô thị loại 5 nên có dạng là đô thị phân tán mật độ thấp. Để đảm bảo phát triển bền vững cần được quản lý theo dạng đô thị đặc thù, khuyến khích cư dân “ly nông không ly hương”.

Xu hướng đô thị hóa ở huyện ngoại thành rất lớn và nhu cầu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Chuyển sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu của các vùng nông thôn trong Thành phố. Theo dự báo quy mô đô thị thành phố Đà Nẵng tăng trưởng dân số đến năm 2045 khoảng 2,56 triệu người. Đất xây dựng đô thị - hạ tầng - công nghiệp sẽ mở rộng ở huyện ngoại thành trên các thửa đất nông nghiệp sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp.

Mặt khác các dự án hạ tầng kết nối (đường sắt, đường cao tốc, đường vành đai, đường liên khu vực,…) và nhiều dự án công nghiệp – dịch vụ khác sẽ làm thay đổi hệ thống thủy lợi cũ và thay thế bằng hệ thống tưới tiêu bằng công nghệ thông minh hơn để phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Với diện tích nông nghiệp thu hẹp lại, làm cho người nông dân khó có thể sản xuất nông nghiệp hàng hóa truyền thống mà buộc phải chuyển sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày cho Thành phố cũng như làm nông nghiệp du lịch.

Mặt khác, trên địa bàn huyện Hòa Vang đang đầu tư hàng loạt các Khu công nghiệp mới (Hòa Nhơn, Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Ninh) và mở rộng Khu công nghệ cao, hình thành các khu du lịch sinh thái,… sẽ cần nguồn lao động lớn và tác động trực tiếp đến chuyển đổi cơ cấu lao động, làm cho số đông lao động trẻ từ bỏ hoạt động nông nghiệp, tham gia hoạt động dịch vụ đô thị để có thu nhập cao hơn. Số cư dân duy trì sản xuất nông nghiệp chủ yếu là lao động hết độ tuổi. Khi số lượng lao động trẻ tham gia nhiều vào hoạt động phi nông nghiệp, kéo theo các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ đô thị phát triển. Từ đó, Hòa Vang tăng trưởng đô thị hóa.

Theo định hướng phát triển huyện ngoại thành, định hướng chung sẽ hướng đến hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới địa bàn cấp huyện (huyện Hoàng Sa tiếp tục thực hiện). Tạo điều kiện để các điểm dân cư nông thôn tham gia vào quá trình đô thị hóa; người dân ứng dụng và chuyển giao khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, làm đẹp cảnh quan môi trường. Tái cấu trúc các khu định cư nông thôn, chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; gìn giữ vùng sinh thái nông nghiệp và bản sắc văn hóa nông thôn Đà Nẵng ở một số xã. Kiểm soát đất đai xây dựng nông thôn và tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn, đặc biệt tại các làng nghề. Đối với nhà ở nông thôn, khuyến khích bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống. Hướng dẫn thiết kế mẫu nhà ở nông thôn điển hình, xây dựng mẫu để nhân dân đóng góp ý kiến tham khảo, tiến tới áp dụng phổ biến công trình xây dựng mật độ thấp, đáp ứng tiện nghi và sinh hoạt hiện đại, thống nhất về ngôn ngữ kiến trúc, tiến tới mô hình nông thôn hiện đại có bản sắc.

Về hạ tầng nông thôn sẽ huy động sáng kiến làng xã xây dựng hạ tầng nông thôn kết nối thuận lợi với khu vực đô thị. Thiết lập trung tâm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trung tâm giao dịch trao đổi hàng hóa nông sản; trung tâm đào tạo chuyển đổi nghề; trung tâm chuyển giao công nghệ và tiếp thu sáng kiến địa phương,…

Đối với các điểm định cư nông thôn sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi: Chỉnh trang hệ thống thủy lợi phù hợp với quá trình mở rộng không gian đô thị.

Đối với các điểm định cư nông thôn gắn với vùng lâm nghiệp: Chuyển đổi mô hình lâm nghiệp đô thị, vừa đảm bảo phòng hộ biển, ven biển; vừa tham gia vào các hoạt động đô thị. Chỉnh trang hệ thống hạ tầng bảo vệ rừng kết hợp khai thác kinh tế đô thị.

Về liên kết giữa vùng đô thị và nông thôn, các điểm dân cư nằm ở trung tâm xã ở khu vực nông thôn huyện Hòa Vang được xây dựng, cải tạo đảm bảo yêu cầu tập trung dân cư cao, với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, tiếp cận tốt với các khu đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Định hướng phát triển khu vực huyện Hoàng Sa:

Huyện Hoàng Sa là đơn vị hành chính cấp huyện đặc biệt của thành phố Đà Nẵng. Quần đảo Hoàng Sa có 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác, nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000 km2, cách bờ biển thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315km), với diện tích toàn bộ phần nổi của quần đảo khoảng 10 km2  trong tổng số 305 km2 diện tích tự nhiên của huyện Hoàng Sa quản lý, chiếm khoảng 23,77% diện tích thành phố.

Cùng với Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa là một trong hai quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam được nhà nước Việt Nam chiếm hữu, khai thác, xác lập chủ quyền trên thực tế, một cách thực sự, liên tục và hòa bình từ trước thế kỷ 17 khi 02 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Quần đảo Hoàng Sa đã bị quân Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép vào năm 1956 và ngày 19 tháng 01 năm 1974. Đây là hành động xâm lược, phi nghĩa, bất chấp sự thật, chân lý và luật pháp quốc tế.

Định hướng phát triển chính khu vực huyện Hoàng Sa là khu vực an ninh quốc phòng trọng điểm, đồng thời nghiên cứu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển như: Dịch vụ du lịch, khai thác và đánh bắt hải sản, khai thác khoáng sản, giao thông biển và dịch vụ hàng hải,...Đồng thời chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học. Đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển Điểm du lịch Hoàng Sa, Nhà trưng bày Hoàng Sa.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Toàn văn thuyết minh Đồ án và phụ lục 

+ Thuyết minh

+ Phụ lục kèm theo