Phòng chống thiên tai, thoát nước mặt
Đăng ngày 18-11-2021 02:04, Lượt xem: 18

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 đã được thủ tướng phê duyệt tại QĐ số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 Về việc phê duyệt quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 thì cao độ nền khống chế toàn thành phố tối thiểu bằng cao trình ứng với mực nước P=5%.

*Cao độ nền và phòng chống thiên tai

Cao độ nền

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 đã được thủ tướng phê duyệt tại QĐ số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 Về việc phê duyệt quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 thì cao độ nền khống chế toàn thành phố tối thiểu bằng cao trình ứng với mực nước P=5%.

Theo QCXDVN 01-2019 thì quy định cao độ khống chế san nền tối thiểu cho đô thị loại 1 như sau: Cao độ khống chế tôn nền tối thiểu phải cao hơn mức nước tính toán tối thiểu 0,3m đối với đất dân dụng và 0,5m đối với đất công nghiệp, cộng thêm 0,25m xét đến biến đổi khí hậu. Mực nước tính toán đối với khu ở, khu công nghiệp-kho tàng và khu trung tâm P=1%. Mực nước tính toán đối với Khu cây xanh, thể dục thể thao P=10%

Qua kết quả tính toán mô hình thủy lực toàn thành phố ứng với tần suất P=1%, các khu vực sau đây có cao độ thấp hơn mực nước khống chế theo quy định, bao gồm:

- Quận Hải Châu: Khu vực ven sông Hàn

- Quận Thanh Khê: Không bị ngập

- Quận Sơn Trà: Khu vực ven sông Hàn

- Quận Ngũ Hành Sơn: Khu vực ven sông Hàn, sông Cổ Cò, sông Vĩnh Điện

- Quận Liên Chiểu: Khu vực ven sông Cu Đê

- Quận Cẩm Lệ: Khu vực ven sông Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Túy Loan

- Huyện Hòa Vang: Ngập toàn bộ các khu vực ở phía Nam, bao gồm các xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước và 1 phần xã Hòa Nhơn, Hòa Khương. Các khu vực ven sông Cu Đê thuộc xã Hòa Bắc

Trên cơ sở tính toán mô hình thủy lực toàn thành phố, định hướng các giải pháp về cao độ nền. Cụ thể, đối với những khu vực đô thị cũ như Hải Châu, Thanh Khê và những khu vực đô thị mới đã được xây dựng (thuộc các quận Liên Chiểu, Nam Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn): Giữ lại cao trình hiện trạng, tuy nhiên cần có giải pháp nâng cao độ các kè hiện trạng dọc sông Hàn, sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Cu Đê, Vĩnh Điện lên đến cao độ mực nước khống chế kết hợp với giải pháp bố trí trạm bơm + hồ điều tiết. 

Đối các khu vực dân cư giữ lại chỉnh trang và khu vực quy hoạch đô thị mới thuộc huyện Hòa Vang định hướng giải pháp bố trí đê bao dọc các sông Túy Loan, sông Yên, sông Cu Đê, sông Vĩnh Điện. Cao trình đỉnh đê cao hơn mực nước ứng với tần suất P=1% tối thiểu 0,3 m, cộng thêm 0,25m xét đến biến đổi khí hậu. Khu vực trong đê, cốt nền xây dựng tối thiểu P=5% kết hợp giải pháp bố trí hồ điều tiết kết hợp trạm bơm chống ngập. Riêng đối với các khu vực đồi núi cao thì cao độ cơ bản bám theo địa hình hiện trạng, tránh đào sâu, phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Độ dốc nền quy hoạch từ 0,1% đến 0,2%.

Phòng chống thiên tai

a. Tăng cường củng cố hệ thống kè biển, kè sông:

Xây dựng nâng cấp, cứng hoá khép kín các tuyến kè biển, kè sông bao quanh đô thị để đảm bảo độ an toàn khi có sự cố bão, lụt và hiện tượng nước biển dâng. Kè sông: Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kè sông, đảm bảo phòng chống lụt bão đến năm 2030 chịu được mức bão trên cấp 12, tần suất P=1%

Kè biển: Hệ thống kè biển gồm kè dọc vịnh Đà Nẵng, kè biển của khu đô thị Đa Phước, kè Nam Ô. Tiến hành nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kè biển, đảm bảo phòng chống lụt bão đến năm 2030 chịu được mức bão trên cấp 12, tần suất P=1%, đồng thời có tính đến hiện tượng nước biển dâng do biển đổi khí hậu toàn cầu.

- Giải pháp kỹ thuật: Củng cố, nâng cấp các tuyến kè biển, kè cửa sông tạo thành các tuyến kè khép kín kết hợp với làm đường giao thông vành đai ven biển nhằm bảo vệ dân sinh, tạo cơ sở phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Chiều rộng mặt cắt kè tối thiểu từ 5,0 m đến 10,0 m, kè phải được kiên cố, gia cố đủ cao trình chống với mức gió bão thiết kế (cấp 9, cấp 10, khu vực dân cư cấp 12 với mực triều tần suất 1%), giảm thiểu được nguy cơ vỡ kè khi bão vượt mức thiết kế. Trồng cây dọc theo tuyến kè đường Nguyễn Tất Thành nhằm chắn sóng trước kè biển, đồng thời cải tạo hệ sinh thái vùng ven biển.

Đối với các khu vực biển bị xâm thực, cần nghiên cứu giải pháp công trình cắt sóng, tạo bãi bồi như xây dựng kè mỏ hàn, phun cát nuôi bãi... từng bước trồng cây chắn sóng để đảm bảo ổn định lâu dài.

Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ củng cố, bảo vệ các tuyến kè, kè biển và vùng cửa sông, xử lý xói lở, bảo vệ kè, bãi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thủy hải văn.

b. Giải pháp chống lũ:

Hiện nay lũ lụt diễn biến khá phức tạp, do ảnh hưởng của bão kết hợp với hoạt động không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn trên diện rộng, thêm vào đó với địa hình dốc có khả năng tập trung nhanh, xuống nhanh, cường độ lũ lớn. Lũ ở hệ thống các sông Quảng Nam - Đà nẵng có lũ đơn, lũ kép, lũ kép đến 3 đỉnh đặc biệt một số trận lũ có 4 đến 5 đỉnh lũ như lũ tháng 11 năm 1999 có tới 5 đỉnh trong đó có 4 đỉnh trên báo động cấp III.

Tiêu chuẩn chống lũ cho vùng hạ lưu theo các giai đoạn như sau:  Tiêu chuẩn chống lũ cho hạ du các sông Hàn, Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Túy Loan, sông Yên phải chống với lũ 100 năm. Mức nước lũ thiết kế kè: Tiếp tục tăng cường tu bổ hệ thống kè chống lũ cả chiều cao và mặt cắt cũng như chất lượng nền, thân kè.

Tăng cường các giải pháp nạo vét chỉnh trị sông: các sông trên địa bàn thành phố cần được chỉnh trị thông qua việc khai thác cát sạn đúng với quy hoạch. Hoạt động này cần phải được tiến hành định kỳ và thường xuyên khảo sát, quan trắc mức độ bồi lắng và xói lở sông. Quy hoạch chỉnh trị sông là quy hoạch động, cần được điều chỉnh phù hợp với biến động của sông nhất là sau các đợt lũ lớn. Xây dựng hành lang thoát lũ đoạn từ sông Yên đến sông Cẩm Lệ để đảm bảo khả năng thoát lũ của thành phố.

Xây dựng các giải pháp công trình cho các khu vực dân cư hiện trạng nằm trong vùng ngập lũ như nhà tránh lũ, trạm bơm chống ngập, đê kè chống lũ.

Đối với các khu vực triền núi, chân núi, ven suối: Triển khai các giải pháp ổn định nền tránh sạt lở, lũ quét như: sửa chữa các công trình kè sông, suối, giao thông, thủy lợi; xây dựng hệ thống quan trắc dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất…

c. Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu:

Nhiệt độ: Theo kịch bản RCP4.5 nhiệt độ tăng 1.7-1.9 độ ở khu vực phía nam, theo kịch bản RCP8.5 nhiệt độ tăng 3-3.5 độ ở khu vực phía nam

Lượng mưa: Theo kịch bản RCP4.5, lượng mưa năm phổ biến tăng từ 5-15%. Theo kịch bản RCP8.5 thì mức tăng nhiều nhất có thể trên 20% ở khu vực Trung Trung Bộ. Giá trị trung bình của lượng mưa 1 ngày lớn nhất có xu thế tăng trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam (10-70%) so với trung bình thời kỳ cơ sở

Gió mùa và một số hiện tượng cực đoan: Số lượng bão mạnh đến rất mạnh có xu thế tăng. Thời điểm bắt đầu của gió mùa mùa hè có xu hướng bắt đầu sớm hơn, kết thúc muộn hơn. Mưa gió mùa có xu hướng tăng.

Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu: Bảo vệ rừng đầu nguồn ở thượng lưu, tu bổ các đê kè biển, cửa sông. Chọn cốt nền đô thị có xét tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng. Quy hoạch hành lang thoát lũ cho các tuyến sông chính, nâng cao khả năng thoát nước của các tuyến cống chính. Tăng cường bố trí các hồ điều tiết mới, cải tạo các hồ hiện có để nâng cao khả năng điều tiết lũ.

Thoát nước mặt

Chỉ tiêu tính toán và quy hoạch hệ thống thoát nước mưa:

a. Quan điểm quy hoạch hệ thống thoát nước mưa

Quy hoạch thoát nước mưa đô thị thành phố Đà Nẵng bao gồm các nội dung về quy hoạch thoát nước mưa đô thị phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và đồng bộ với các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng khác. Các quan điểm quy hoạch thoát nước mưa theo nhiệm vụ quy hoạch bao gồm: Giải quyết cơ bản tình hình ngập úng trong phạm vi quy hoạch chung đô thị vào mùa mưa và cải thiện môi trường. Thoát nước mưa đô thị trong mối quan hệ tổng thể quản lý tiêu thoát lũ sông, vùng có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Khai thác tối đa khả năng, các điều kiện thuận lợi trong công tác thoát nước như hệ thống thoát nước hiện có, các kênh mương tiêu thoát nước và các sông hồ, đầm tham gia vào hệ thống thoát nước.

Sử dụng công nghệ thoát nước mới một cách hợp lý và phù hợp với điều kiện của địa phương để nâng cao khả năng thoát nước, góp phần phát triển đô thị, phát triển kinh tế và nâng cao điều kiện sống của người dân. Xã hội hoá, huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế cho đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước. Hướng tới mục tiêu thoát nước bền vững bằng các giải pháp quy hoạch xây dựng (từ quy hoạch phân khu tới quy hoạch chi tiết) tại các vùng đô thị mở rộng theo điều chỉnh quy hoạch chung cũng như điều chỉnh các quy hoạch đã thực hiện và có giải pháp phù hợp khi quy hoạch chỉnh trang các khu dân cư cũ.

b. Kiểu hệ thống thoát nước mưa :

- Thành phố Đà Nẵng có hệ thống thoát nước kiểu hỗn hợp.

- Đối với các khu đô thị cũ tiếp tục sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng, từng bước chuyển thành hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn.

- Đối với các khu vực ven biển, khu vực đang phát triển và xây dựng mới thì sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn.

- Nguồn tiếp nhận: Nguồn tiếp nhận thoát nước mưa đô thị thành phố Đà Nẵng là các hồ điều hòa, các sông trong khu vực đô thị như sông Hàn, Sông Cu Đê, Sông Phú Lộc, Sông Túy Loan, Sông Cẩm Lệ và các sông nhánh trong thành phố, Vịnh Đà Nẵng. Theo một số nghiên cứu gần đây, chất lượng nước trong các khu vực tiếp nhận là hồ điều hòa, các con sông trong khu vực đô thị và một số bãi tắm đã có dấu hiệu ô nhiễm do nước thải chưa được thu gom triệt để hoặc chưa được đầu tư xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải.

c Lưu vực thoát nước: Hệ thống thoát nước mưa toàn Thành phố Đà Nẵng được chia thành 5 khu vực theo đặc điểm địa hình và nguồn tiếp nhận như sau: Khu vực đô thị cũ, khu vực Tây Bắc, khu vực phía Đông, khu vực phía Nam và khu vực Hòa Vang. Trong một khu vực chính này sẽ phân thành lưu vực nhỏ theo các trục chính thoát nước mưa.

d. Hướng thoát nước trong hệ thống thoát nước: Trên cơ sở độ dốc san nền của đô thị, nước mưa trong từng khu vực được thu gom về các tuyến cống nhánh, sau đó tập trung vào các tuyến cống chính, các tuyến kênh chính của lưu vực và xả ra các nguồn tiếp nhận trong khu vực như sông, hồ và Vịnh Đà Nẵng.

e. Giải pháp công trình:

- Tận dụng các sông ngòi và kênh hiện có để làm kênh dẫn nước chính và thực hiện mở rộng chiều rộng nếu cần thiết.

- Xây mới kênh chính tại các lưu vực trên cơ sở bố trí sử dụng đất và điều kiện địa hình v.v…

- Hệ thống thoát nước mưa trong khu vực phát triển của khu xây dựng nhà ở và khu xây dựng công nghiệp v.v… chủ yếu là các cống ngầm.

- Cống thoát nước về nguyên tắc sẽ được kết nối với kênh dẫn nước chính. Tuy nhiên, trường hợp không cần phải kết nối với kênh dẫn nước chính mà trực tiếp thoát ra lưu vực cuối cùng sẽ hiệu quả và có tính kinh tế cao hơn thì sẽ được thoát trực tiếp.

- Trường hợp có khu vực bị ngập nước do kênh thoát nước cao hơn so với nền thì dùng bơm cưỡng bức hoặc bố trí kênh thoát nước phụ để dẫn nước ra kênh thoát nước chính.

- Các kênh thoát nước được xây dựng kè xây đá, xếp đá hoặc kè bê tông.

f.  Chỉ tiêu tính toán (tại Phụ lục 6.3)

Giải pháp định hướng hệ thống thoát nước mưa

Hệ thống thoát nước Thành phố có thể chia thành 5 khu vực: Khu vực đô thị cũ, khu vực Tây Bắc, khu vực phía Đông, khu vực phía Nam và khu vực Hòa Vang. Bản đồ phân chia lưu vực thoát nước Thành phố Đà Nẵng được thể hiện trong hình sau:

Sơ đồ phân chia lưu vực

a.  Khu vực đô thị cũ

Thuộc địa giới hành chính các quận Hải Châu, Thanh Khê giới hạn bởi các tuyến đường Cách mạng Tháng Tám, Trường Chinh, sông Phú Lộc, sông Hàn và Vịnh Đà Nẵng. Khu vực này gồm có 8 tiểu lưu vực thoát nước với thông số như sau:

- Lưu vực đô thị cũ 1: Diện tích lưu vực 209 ha, hướng thoát nước ra Vịnh Đà Nẵng qua 07 cửa xả với khẩu độ B=1,0m-2,0m.

- Lưu vực đô thị cũ 2: Diện tích lưu vực 379 ha, hướng thoát nước ra sông Hàn qua 18 cửa xả của các tuyến cống chính:

+ Tuyến Đầm Rong-Sông Hàn: Tuyến cống hộp khẩu độ 3x(2,5mx1,45m).

+ Tuyến Trần Quý Cáp-Sông Hàn: Tuyến cống hộp khẩu độ 1,50mx1,50m.

+ Tuyến Lý Tự Trọng-Sông Hàn: Bao gồm 02 tuyến cống hộp khẩu độ 2,20mx1,20m.

+ Tuyến Hùng Vương-Sông Hàn: Tuyến cống hộp khẩu độ 2,50mx1,50m.

+ Tuyến Trần Bình Trọng - Sông Hàn: Tuyến cống hộp khẩu độ BxH= 0,80mx0,90m đến 1,40x1,20m.

+ Và các số tuyến cống khác đổ ra sông Hàn: với khẩu độ cửa của các tuyến cống B= 0,8m-3,0m.

- Lưu vực đô thị cũ 3: Diện tích lưu vực 273 ha, hướng thoát nước ra Vịnh Đà Nẵng qua 3 cửa xả của các tuyến cống chính:  

+ Tuyến Lê Độ: Tuyến cống bắt đầu từ cống qua đường Điện Biên Phủ tới ngã tư Điện Biên Phủ- Lê Độ rồi dọc theo đường Lê Độ đổ ra vịnh Đà Nẵng, kích thước 2×(2,0m × 1,5m)

+ Tuyến Hàm Nghi - Hải Phòng - Ông Ích Khiêm: Tuyến cống bắt đầu từ Hồ Thạc Gián, chạy dọc đường Hàm Nghi, Hải Phòng và Ông Ích Khiêm ra Vịnh Đà Nẵng, đoạn cống từ hồ Thạc Gián ra đường Hải Phòng được xây dựng trong dự án Hạ tầng ưu tiên, kích thước 2,2m×1,5m. Đoạn từ đường Hải Phòng ra vịnh Đà Nẵng có chiều rộng từ 3,5m – 2,0m×2,4m chiều sâu 1,5m.

+ Tuyến cống Liên Phường: Tuyến cống này nối từ cống xả phía Bắc hồ Thạc Gián, chạy qua chợ Tân Chính trước khi đổ ra Vịnh Đà Nẵng, kích thước cống từ 2,4m - 3,2m và sâu 1,4m.

+ Có 06 cửa xả ra vào hồ Thạc Gián với khẩu độ B=1,0m-3,0m

- Lưu vực đô thị cũ 4: Diện tích lưu vực 309 ha, hướng thoát nước ra sông Hàn qua 02 cửa xả của các tuyến cống chính:

+ Tuyến cống Mê Linh: Tuyến cống bắt đầu từ cuối phía Nam của hồ Thạc Gián theo hướng Nam chảy dọc đường Duy Tân đổ vào trạm bơm rồi xả ra ra Sông Hàn, cống có kích thước 2,0m×1,5m đến 2×(2,7m×1,65m).

+ Tuyến cống qua khu đảo xanh: Có khẩu độ D1500 đến BxH= 2x(2,0mx1,5m) .

- Lưu vực đô thị cũ 5: Diện tích lưu vực 58 ha, hướng thoát nước ra Vịnh Đà Nẵng qua 09 cửa xả trên đường Nguyễn Tất Thành với khẩu độ cửa xả B=0,8m-2,0m:

- Lưu vực đô thị cũ 6: Diện tích lưu vực 737 ha, hướng thoát nước ra sông Cẩm Lệ qua 09 cửa xả của các tuyến cống chính:

+ Tuyến Phan Đăng Lưu –Huỳnh Tấn Phát- kênh Đò Xu- sông Cẩm Lệ: Cống có khẩu độ BxH= 7,2m×2,1m đến 9,0m×3,0m. Đây là tuyến công chính, đảm nhiệm vai trò thoát nước cho khu vực đường Nguyễn Hữu Thọ và khu vực Đông Nam sân bay ra hồ Khuê Trung.

+ Tuyến Lê Thanh Nghị: Tuyến cống có khẩu độ B=2,0m-3,0mbắt đầu từ khu vực Quân khu V theo trục Bắc- Nam chảy dọc theo đường Lê Thanh Nghị về hồ công viên Khuê Trung rồi đổ ra sông Cẩm lệ thoát nước chính cho khu vực phía Nam quận Hải Châu.

+ Và một số tuyến cống chính đổ trực tiếp ra sông Cẩm Lệ: Tuyến cống dọc đường Nguyễn Bính, Đặng Nguyên Phong, Nguyễn Xuân Nhĩ, Trần Huân, Nguyễn Hữu Thọ, Lương Đình Của, Nguyễn Văn Huyên, với khẩu độ các cửa xả B= 0,8m đến B=2,5m.

- Lưu vực đô thị cũ 7: Diện tích lưu vực 1575 ha, hướng thoát nước ra sông Cẩm Lệ qua 08 cửa xả của các tuyến cống chính:

+ Tuyến Lê Kim Lăng- kênh Phong Bắc- Sông Cẩm Lệ: Tuyến cống có kích thước 3x(3,0mx2,5m) bắt đầu từ đường Lê Đại Hành giáp sân bay Đà Nẵng đổ vào hồ Bàu Gia Thượng - kênh Phong Bắc rồi đổ sông Cẩm Lệ, đảm nhiện vài trò thoát nước cho khu vực và một phần lưu vực nam sân bay.

+ Tuyến cống dọc đường Nguyễn Thế Lịch: Tuyến cống có khẩu độ BxH= 3,6mx2,4m bắt đầu từ hồ Phong Bắc thoát nước ra sông Cẩm Lệ.

+  Và một số tuyến cống chính: 04 tuyến cống dọc đường Thăng Long, Đinh Châu, Trần Văn Lan, tuyến cống khu công nghiệp Hòa Cầm, với khẩu độ các cửa xả B= 1,0m-2,5m

- Lưu vực đô thị cũ 8: Diện tích lưu vực 904 ha, hướng thoát nước ra Vịnh Đà Nẵng qua 03 cửa xả của các tuyến cống chính:

+ Tuyến Xuân Hà: Tuyến cống bắt đầu từ hồ công viên 29/3 ra sông Phú Lộc, đoạn cống từ hồ đến đường Điện Biên Phủ có chiều rộng 5,4m, sâu 2,0m; từ Đường Điện Biên Phủ đến đường Hà Huy Tập rộng 3,2m - 3,5m, sâu 1,7m; đoạn từ đường Hà Huy Tập đến đường Trần Cao Vân rộng 4,2m, sâu 1,7m.

+ Tuyến cống hồ Xuân Hà A - Sông Phú Lộc: Có 2 đoạn cống đã được xây dựng bằng cống hộp đạy đan BTCT là đoạn từ hồ Xuân Hà A tới đường Điện Biên Phủ

Đây là khu vực thuộc khu vực đô thị cũ nằm ở trung tâm thành phố thành phố với mạng lưới thoát nước tương đối hoàn chỉnh. Đối với khu vực này, định hướng chung là thay thế các tuyến cống đã xuống cấp, đầu tư đoạn tuyến cống mới thay thế cho các đoạn cống không đảm bảo khẩu độ, bổ sung cửa thu nước ngăn mùi…

b. Khu vực Tây Bắc

Thuộc địa giới hành chính các quận Liên Chiểu, một phần quận Cẩm Lệ, Thanh Khê và Hòa Vang giới hạn bởi đường Trường Chinh, sông Phú Lộc ở phía Đông, vịnh Đà Nẵng ở phía Bắc và dãy núi Phước Tường, Hải Vân ở phía Tây, Nam. Hướng thoát nước chính của khu vực này theo hướng Tây Nam – Đông Bắc ra Vịnh Đà Nẵng.

Khu vực này được chia thành 7 tiểu vực thoát nước như sau:

- Lưu vực Tây Bắc 1: Diện tích lưu vực 123 ha, hướng thoát nước ra kênh Hồ Trung Nghĩa theo trục chính tuyến cống hộp Khe Cạn. Tuyến cống bắt đầu từ đường Lê Trọng Tấn kết thúc tại cửa xả trên kênh Trung Nghĩa, kích thước từ 3,5mx1,5m đoạn thượng lưu đến 4mx2,5m đoạn hạ lưu.

- Lưu vực Tây Bắc 2: Diện tích lưu vực 507 ha, hướng thoát nước ra kênh Hồ Trung Nghĩa qua 02 cửa xả của các tuyến cống chính:

+ Tuyến cống Đinh Liệt: Thoát nước cho phần phía Nam đường Hoàng Văn Thái, qua đường Nguyễn Lương Bằng đoạn Bến xe Trung tâm ra hồ Trung Nghĩa. Hiện nay, phần hạ lưu tuyến cống từ đường Đinh Liệt đã được xây dựng với khẩu độ 2×(3.0m×2.0m).

+ Tuyến Bắc Sơn- Yên Thế: Đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc thoát nước cho khu vực từ chân núi Phước Tường, theo kênh hở dọc đường Bắc Sơn – Yên Thế ra hồ Trung Nghĩa với chiều rộng mặt kênh khoảng 11m. Đoạn đầu kênh được cống hóa trong dự án Phát triển bền vững, khẩu độ 2× (3,5m×3,0m).

- Lưu vực Tây Bắc 3: Diện tích lưu vực 655 ha, hướng thoát nước ra Vịnh Đà Nẵng qua các tuyến cống chính:

+ Tuyến Hòa Minh: Tuyến kênh hở bắt đầu từ cửa xả hồ tự nhiên Bàu Sấu và kết thúc tại điểm giao nhau với sông Phú Lộc, đoạn Bàu Sấu-Trần Anh Tông có khẩu độ 12m×2,0m, đoạn Trần Anh Tông - Sông Phú Lộc khẩu độ 24m×3,0m.

+ Tuyến Hòa Khánh – hồ Hòa Phú: Tuyến cống hộp BTCT bắt đầu từ khu dân cư chợ Hòa Khánh, cắt ngang và chạy dọc theo quốc lộ 1A, cắt ngang và chạy dọc theo đường Nguyễn Sinh Sắc về hồ điều hòa Hòa Phú. Đoạn khu dân cư chợ Hòa Khánh đến quốc lộ 1A có khẩu độ 2,5mx2,0m và đoạn quốc lộ 1A đến hồ Hòa Phú có khẩu độ 2x(2,5mx2,0m).

+ Tuyến kênh hở từ hồ Hòa Phú ra kênh Hòa Minh có khẩu đổ Bđ=3.65m- 3.90m, đảm nhiệm thoát nước cho toàn bộ khu vực Hoàng Văn Thái, núi Phước Tường.

+ Tuyến kênh hở từ hồ Hòa Phú ra sông Phú Lộc có khẩu độ Bđ=4,0m đảm nhiệm vai trò thoát nước cho tiểu lưu TB1 và TB2.

- Lưu vực Tây Bắc 4: Diện tích lưu vực 1261 ha, hướng thoát nước ra Hồ Hòa Phú qua 02 tuyến cống chính:

+ Tuyến kênh tự nhiên Cầu Bà Xí ra Kênh Đa Kô: Tuyến kênh hở tự nhiên bắt đầu từ chân núi Phước Tường đổ vào kênh Đa Cô. Khẩu độ trung bình b=15m đến b=20m.

+ Tuyến cống hộp Phước Tường – hồ Phước Lý : Tuyến cống hộp bắt đầu từ chân núi Phước Tường (cạnh trung tâm SHB) đổ ra hồ Phước lý, khẩu độ 2x(2,5mx1,5m).

+ Tuyến kênh từ hồ Phước Lý - Đa Cô: Là tuyến kênh hở thoát nước từ khu vực chân núi Phước Tường đổ về hồ Hòa Phú, kích thước mặt từ b=18m đến 20m, chiều sâu kênh khoảng 4m.

- Lưu vực Tây Bắc 5: Diện tích lưu vực 1478 ha, hướng thoát nước ra Sông Cu Đê qua 02 tuyến cống chính:

+ Tuyến khu công nghiệp Hòa Khánh: Là tuyến cống hở BTCT có khẩu độ thay đổi từ 2m-8m. Đoạn kênh hở tiếp nối đoạn hạ lưu ra sông Cu Đê kích thước Bđáy=18m, Bđỉnh=30m.

+ Tuyến kênh hồ Bầu Tràm ra sông Cu Đê: Đây là tuyến kênh hở tự nhiên kích thước b=15m nối từ hồ Bầu Tràm ra sông Cu Đê.

- Lưu vực Tây Bắc 6: Diện tích lưu vực 1344 ha, hướng thoát nước ra Sông Cu Đê qua các tuyến cống thuộc dự án khu đô thị Golden Hills, khẩu độ từ b=0,8m đến b=2,0m.

- Lưu vực Tây Bắc 7: Diện tích lưu vực 335 ha, hướng thoát nước ra Vịnh Đà Nẵng qua 21 cửa xả trên đường Nguyễn Tất Thành với khẩu độ các cửa xả B= 1,0m-2,0m.

Đối với khu vực này, định hướng chung là đầu tư hệ thống cống mới cho các khu vực chưa có hệ thống thoát nước đặc biệt là khu vực chân núi Phước Tường, khu vực Chơn Tâm 2 (Hòa Khánh 2). Nâng cấp các đoạn cống không đảm bảo khẩu độ, các khu vực thường xuyên bị ngập úng.

c.   Khu vực phía Đông

Thuộc địa giới hành chính của 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn nằm kẹp giữa sông Hàn - sông Cổ Cò ở phía Tây và dải bờ biển phía Đông. Hướng thoát nước chính của khu vực này là các tuyến chạy theo hướng Đông-Tây thoát nước ra sông Hàn (hoặc sông Cổ Cò ở phía Nam quận Ngũ Hành Sơn) và ra biển Đông.

Khu vực này được chia thành 5 tiểu lưu vực thoát nước như sau:

- Lưu vực Sơn Trà 1: Diện tích lưu vực 610 ha, hướng thoát nước ra sông Hàn và vịnh Đà Nẵng qua 10 cửa xả chính trên đường Trần Hưng Đạo, các cửa xả có khẩu độ từ B=1,5m-3,0m.

- Lưu vực Sơn Trà 2: Diện tích lưu vực 498 ha, hướng thoát nước ra Biển Đông qua 07 cửa xả của các tuyến cống chính:

+Tuyến cống hộp Sơn Trà – Thọ Quang: Bắt đầu từ đường Nguyễn Phan Vinh đổ ra Biển Đông, khẩu độ đầu tuyến cống BxH=2,5mx1,5m đến 3x(2,5mx1,6m).

+ Tuyến cống hộp Hồ Nghinh – Biển Đông: Tuyến cống hộp bắt đầu từ đường Lê Văn Thứ, chạy qua khu dân cư An Cư 5 và đổ ra biển Đông, khẩu độ đầu tuyến cống 1,8mx1,5m.

+ Tuyến cống Dương Thừa Vũ - Hồ Nghinh: Tuyến cống bắt đầu từ đường Hồ Nghinh, chạy dọc theo đường Dương Thứa Vũ, Võ Nguyên Giáp và đổ ra biển Đông, cống BTCT khẩu độ B=1,0m đến B2,0m.

+ Tuyến cống hộp Đông Kinh Nghĩa Thục: Bắt đầu từ đường Hồ Nghinh, chạy dọc đường Đông Kinh Nghĩa Thục và đổ ra biển Đông qua cầu bản B=9m trên đường Võ Nguyên Giáp, cống hộp BTCT có khẩu độ 3,0mx2,0m.

+ Và các tuyến cống trên đường Thành Vinh, dọc đường Trường Sa với khẩu độ cửa xả B= 2,0m-8,0m.

- Lưu vực Sơn Trà 3: Diện tích lưu vực 387 ha, hướng thoát nước ra Biển Đông qua 02 cửa xả của các tuyến cống chính:

+ Tuyến cống Nguyễn Công Trứ - Lê Hữu Trác: Tuyến cống hộp bắt đầu từ đường Phạm Văn Đồng chạy dọc đường quy hoạch T20, Lê Hữu Trác và đổ ra biển Đông, Khẩu độ đoạn Nguyễn Công Trứ - Lê Hữu Trác 2x(2,5mx1,5m), đoạn Lê Hữu Trác 3x(3,0mx1,5m).

+ Tuyến cống hộp Ngô Thì Sĩ – CX4 Biển Đông: Tuyến cống hộp bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Thoại, chạy dọc đường An Thượng đổ ra Biển Đông qua cửa xả CX4 trên Đường Ngô Thì Sĩ, khẩu độ tuyến cống từ 2x(2,0mx1,5m) đến 3x(3,0mx1,5m).

- Lưu vực Sơn Trà 4: Diện tích lưu vực 210 ha, hướng thoát nước ra Sông Hàn qua 14 cửa xả của các tuyến cống chính:

+ Hai Tuyến cống dọc đường Phạm Hữu Kính đổ ra sông Hàn với khẩu độ D800 đến D1500.

+ Tuyến cống trên đường Lê Văn Hưu đổ ra sông Hàn với khẩu độ D800 đến D1500.

+ Và các tuyến cống trên đường An Tư Công Chúa, Mỹ An 17, Mỹ An 10, Mỹ An 9, Hàm Tử; một số tuyến cống dọc đường Chương Dương. Các cửa xả có khẩu độ B=1,0m-4,2m.

- Lưu vực Ngũ Hành Sơn: Diện tích lưu vực 1530 ha, hướng thoát nước ra Biển Đông và sông Cổ Cò qua 13 cửa xả của các tuyến cống chính:

+ Tuyến cống bắt đầu từ đường Lê Văn Hiến chay dọc đường Trần Quốc Hoàn-Võ Nguyên Giáp sau đó đổ ra biển với kích thước B= 2,5m-5,0m.

+ Tuyến cống dọc đường Đặng Thái Thân - Nguyễn Văn Nguyên - Võ Nguyên Giáp ra biển Đông với kích thước B2000 đến B4000.

+ Tuyến cống Tân Lựu: Bắt đầu từ đường Trường Sa chạy dọc đường Trà Lộ đổ ra sông Cổ Cò, kích thước B2200.

+ Và các tuyến cống trên đường Trần Hữu Độ, Bùi Tá Hàn, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thức Đường, Trần Hữu Dực, Việt Bắc và một số tuyến cống khác. Các cửa xả có khẩu độ B=1,2m-3,0m.

Đối với khu vực này, hệ thống cống thoát nước mưa tương đối hoàn chỉnh, định hướng chung cho khu vực này là rà soát thay thế các đoạn cống hiện trạng không đảm bảo khả năng thoát nước.

d.   Khu vực phía Nam thành phố

Là vùng kẹp giữa các con sông: Cẩm Lệ, Vĩnh Điện và Cổ Cò thuộc địa giới hành chính của 2 quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và một phần huyện Hòa Vang. Khu vực đang có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều khu đô thị được xây dựng mới. Hướng thoát nước phân tán ra nhiều phía vào các con sông trên.

Khu vực này được chia thành 3 tiểu vực thoát nước như sau:

- Lưu vực Phía Nam 1: Diện tích lưu vực 310 ha, hướng thoát nước ra sông Cổ Cò, sông Vĩnh Điện và sông Hàn

- Lưu vực Phía Nam 2: Diện tích lưu vực 1730 ha, hướng thoát nước ra sông Cổ Cò và sông Vĩnh Điện

- Lưu vực Phía Nam 3: Diện tích lưu vực 1230 ha, hướng thoát nước ra sông Cẩm Lệ và sông Vĩnh Điện

Đối với khu vực này định hướng chung là đầu tư nâng cấp các đoạn cống không đảm bảo khẩu độ thoát nước, nâng cao trình đáy một số đoạn cống không phù hợp.

e.  Khu vực Hòa Vang

Khu vực nghiên cứu thuộc địa giới hành chính huyện Hòa Vang giới hạn bởi đường vành đai phía Tây, đường ranh giới với các khu vực Tây Bắc, Trung tâm, phía Nam của đô thị Đà Nẵng. Hiện trạng khu vực này chủ yếu là đồi núi, các khu ruộng trũng. Nước mưa thoát tự nhiên theo hệ thống kênh mương hiện trạng rồi đổ vào các sông chính của khu vực như sông Túy Loan, sông Cẩm Lệ, sông Vĩnh Điện.

Trong khu vực có các cống qua đường đã được xây dựng dọc quốc lộ 14B, 14G, quốc lộ 1A, đường tránh hầm Hải Vân, đường liên xã DH4, DH8... nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát nước khi các con đường trên được xây dựng chặn ngang hướng thoát nước tự nhiên. Khu vực này được chia thành 7 tiểu lưu vực như sau:

- Lưu vực Hòa Vang 1:

+ Diện tích lưu vực 860 ha, hướng thoát nước ra sông Túy Loan.

+ Trong phạm vi lưu vực có hai tuyến đường cắt qua là tuyến quốc lộ 14B và đường tránh Nam Hải Vân Túy Loan. Trên hai tuyến đường này đã được xây dựng các cống qua đường với khẩu độ từ D1000 đến cống hộp BxH=6(4,5mx4,0m) và cầu qua đường Hải Vân Túy Loan với kích thước B=30m.

- Lưu vực Hòa Vang 2:

+ Diện tích lưu vực 4210 ha, hướng thoát nước ra sông Túy Loan.

+ Trong phạm vi lưu vực có hai tuyến đường cắt qua là đương tránh Nam Hải Vân Túy Loan và đường Hoàng Văn Thái. Trên hai tuyến đường này được bố trí các đoạn cống qua đường với khẩu độ đa dạng từ D1250 đến cống hộp có kích thước BxH=5(4,0x6,0)m và cầu qua đường Hải Vân Túy Loan có kích thước B=24m.

+ Trong lưu vực có hồ điều tiết Trước Đông, khi thi công tuyến đường Hoàng Văn Thái đã ngăn hướng thoát nước tự nhiên từ phía núi cao hướng Tây Bắc chảy vào hồ Trước Đông. Trên tuyến đường Hoàng Văn Thái đã phải xây dựng các tuyến cống hộp qua đường nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát nước với kích thước BxH=2x(4,0mx3,0m), BxH=2x(4,0mx4,0m) và BxH=3,0mx4,0m.

- Lưu vực Hòa Vang 3:

+ Diện tích lưu vực 4210 ha, hướng thoát nước ra sông Cu Đê.

+ Trong lưu vực có hai khu công nghiệp là khu Công Nghệ Cao và khu Công Nghệ Thông Tin đã được thiết kế hệ thống thoát nước riêng hoàn chỉnh.

+ Tuyến đường tránh Nam Hải Vân Túy Loan được xây dựng đã cắt ngang hướng thoát nước tự nhiên của lưu vực. Để giải quyết vấn đề này trên tuyến đường đã được bố trí các đoạn cống qua đường với kích thước khác nhau từ D1500 đến cống hộp có kích thước BxH=4,2mx3,6m và cầu qua đường B=30m.

- Lưu vực Hòa Vang 4:

+ Diện tích lưu vực 17500 ha, hướng thoát nước ra sông Túy Loan.

+ Trong lưu vực có hai tuyến đường Hoàng Văn Thái và đường DT602 đi qua. Trên hai tuyến đường này đã được bố trí các tuyến cống ngang đường nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát nước cho khu vực đi qua với kích thước từ BxH=1,0mx1,0m đến BxH=3,7mx3,5m. Ngoài ra còn có cầu qua đường Hoàng Văn Thái với kích thước B=60m và cầu An Sơn trên đường DT602 với kích thước B=35m.

- Lưu vực Hòa Vang 5:

+Diện tích lưu vực 4740 ha, hướng thoát nước ra sông Túy Loan.

+Trong lưu vực có tuyến đường nối vào khu du lịch hồ Đồng Nghệ, trên tuyến đường đã được xây dựng các cống hộp qua đường với kích thước từ BxH=2x(2,0mx2,0m) đến BxH=3x(2,5mx2,0m) và cầu bản có kích thước 3x(3,0mx3,0m).

- Lưu vực Hòa Vang 6:

+ Diện tích lưu vực 2780 ha, hướng thoát nước ra sông Yên.

+ Trong lưu vực này có các tuyến đường quốc lộ 14B, đường Hòa Phước – Hòa Khương, đường DH8, DH4 và đường ADB5 đi qua. Trên các tuyến đường này được bố trí các cống qua đường với kích thước khác nhau từ D1000 đến cống hộp có kích thước BxH=4x(5,0mx3,5m) và các cầu cống bản qua đường như: cầu Cống Một B=24m, cầu Lồng B=18m qua quốc lộ 14B, cầu bản B=24m và cầu bản B=14m qua đường DH8.

- Lưu vực Hòa Vang 7:

+ Diện tích lưu vực 2960 ha, hướng thoát nước ra sông Quá Giáng.

+ Trong lưu vực này có các tuyến đường DT605, đường Hòa Phước – Hòa Khương, đường DH4, đường ADB5 đi qua. Trên các tuyến đường này đã được xây dựng các đoạn cống qua đường với kích thước khác nhau từ D850 đến cống hộp BxH=6(6,0mx5,0m). Ngoài ra còn có các cầu bản qua đường như: cầu bản B=8m, cầu bản B=20m, cầu bản B=21m qua đường DH4, cầu bản B=24m qua đường ADB5 và một số cầu bản qua đường DT605.

Đối với khu vực này, thoát nước mưa chủ yếu theo các kênh suối hiện trạng rồi ra sông chính. Trong tương lai khi phát triển đô thị ở khu vực này, cần đầu tư các trục thoát lũ chính, tính toán các hành lang thoát lũ dọc theo sông Yên, sông Quá Giáng và sông Túy Loan.

Định hướng quy hoạch cải tạo, bảo tồn hồ trong đô thị

a. Quan điểm cải tạo, bảo tồn hồ

Số lượng các hồ điều tiết như sau:

Stt

Tên hồ

Chiều sâu hồ (m)

Diện tích (ha)

Địa điểm

Quận Liên Chiểu

1

Bàu Tràm

3

48,6

KCN Hòa Khánh

2

Bàu Sấu

4,7

4,9

TT văn hóa quận

3

Hòa Phú

5,5

3,2

Trung tâm TDTT Hòa Minh 

4

Hoàng Văn Thái

3

10

Phường Hòa Khánh Nam

5

Phước Lý

4,4

3,72

Khu đô thị Phước Lý

6

Hồ Trung Nghĩa

5,6

3,65

Phường Hòa Minh

7

Hồ Tây

6,5

1,8

Phường Hòa Minh

Quận Thanh Khê

1

Bàu Trảng

2,98

1,9

Phường An Khê

2

Phần Lăng 1

4,4

1,8

Phường An Khê

3

Phần Lăng

3

6,9

Phường An Khê

4

Xuân Hà A

3,5

4,86

Phường An Khê

5

Chuỗi hồ phía Bắc sân bay

3

10

Phường Hòa Thuận Tây

6

Công viên 29/3

3

13

Phường Hòa Thuận Tây

7

Thạc Gián

4

3,1

Phường Vĩnh Trung

Quận Cẩm Lệ

1

Bàu Gia Thượng

3

8,2

Phường Hòa Thọ Tây

2

Bàu Gia Hạ

5,5

6,8

Phường Hòa Thọ Đông

3

Lê Kim Lăng

5,7

1,95

Phường Hòa Thọ Đông

4

Chuỗi hồ Nam Sân Bay

2

12,76

Phường Hòa Thuận Tây

5

Khuê Trung

4,05

7,85

Phường Khuê Trung

6

Cẩm Nam

4,2

1,4

Phường Hòa Xuân

7

Hòa Xuân 1

4,5

4,6

Phường Hòa Xuân

8

Hòa Xuân 2

3

3,2

Phường Hòa Xuân

9

Hòa Xuân 3

4

2,3

Phường Hòa Xuân

10

Hòa Xuân 4

4,5

4,87

Phường Hòa Xuân

11

Cồn Mong

3

1,25

Phường Hòa Xuân

Quận Ngũ Hành Sơn

1

Hòa Quý

5

5,28

Phường Hòa Quý

2

Bá Giáng

5,85

6,48

Phường Hòa Quý

Huyện Hòa Vang

1

Hòa Châu

2,25

2,87

Xã Hòa Châu

2

Hồ khu CNTT

6,1

4,61

Khu CNTT tập trung

Số lượng các hồ điều tiết của thành phố

Để giảm quy mô và lưu lượng mạng lưới thoát nước mưa việc cần thiết là xây dựng các hồ điều hoà (bao gồm cả cải tạo hồ hiện trạng và xây dựng mới) trong từng lưu vực và đảm bảo tuân thủ theo vị trí các hồ quy hoạch trong đồ án điều chỉnh quy hoạch.

Tận dụng tối đa các vùng trũng theo địa hình tại các khu đô thị, khu lõi xanh của thành phố để xây dựng các hồ đa mục đích.

Phát huy tác dụng của hồ điều hoà với chức năng tổng hợp: vừa có chức năng điều hoà vừa có chức năng cảnh quan đô thị (du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi...).

Xây dựng công viên đầm hồ mang hình thái tự nhiên, hồ khô tại khu vực bãi hoang ven sông.

Các hồ điều hoà thoát nước mưa cho đô thị cần có cao độ đáy hồ đảm bảo thoát nước bằng tự chảy từ các công trình chứa (theo kỹ thuật SUDS) trở lại các hồ khi hết mưa.

b. Các giải pháp cải tạo bảo tồn hồ

b.1. Giải pháp cải tạo:

- Nạo vét bùn đáy hồ đảm bảo cao độ thiết kế thoát nước

- Mực nước tối thiểu duy trì: 1m

- Kè bờ, xây dựng cống bao, cửa điều tiết

- Xây dựng đường dạo và không gian xanh quanh khu vực hồ

b.2. Giải pháp bảo tồn hồ:

- Nước thải khu dân cư xung quanh hồ không cho trực tiếp chảy tràn vào hồ mà phải qua giếng thu có cấu tạo đặc biệt để tách nước thải đến nơi xử lý.

- Ngăn ngừa tình trạng xả rác vào hồ.

- Biện pháp giảm thiểu chất ô nhiễm trong hồ:

- Thường xuyên vớt rong tảo thừa trong hồ

- Nuôi cá ở mức độ vừa phải, hạn chế nuôi cá sản lượng cao.

- Trồng cây thủy sinh phù hợp

- Nghiên cứu giải pháp bổ sung nước cho các hồ.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

Toàn văn thuyết minh Đồ án và phụ lục 

+ Thuyết minh

+ Phụ lục kèm theo