Cấp điện và năng lượng
Đăng ngày 18-11-2021 02:05, Lượt xem: 20

Hiện trạng hệ thống cấp điện đã được đầu tư theo quy hoạch định hướng được duyệt. Quy hoạch được duyệt đã đánh giá chính xác về công suất và nhu cầu cấp điện. Vị trí trạm biến áp phù hợp với quy hoạch. Nguồn cấp điện hiện tại do hệ thống lưới điện quốc gia cung cấp, cơ bản đảm bảo nhu cầu. Từ năm 2020 tới năm 2030, với phương án tính toán, nhu cầu điện năng của thành phố Đà Nẵng tăng ở mức cao, công suất năm đến năm 2030 bằng 1,52 lần so với cuối năm 2019.

Dự báo nhu cầu dùng điện

a) Phương pháp luận và cơ sở dự báo nhu cầu điện

* Dự báo nhu cầu điện theo phương pháp trực tiếp

Dưới đây là cách thức dự báo nhu cầu điện cho các thành phần phụ tải theo phương pháp trực tiếp:

Thành phần phụ tải này được xác định căn cứ vào danh mục các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp hiện có, các cơ sở mới sẽ xuất hiện trên địa bàn trong giai đoạn quy hoạch. Điện năng tiêu thụ hoặc công suất sử dụng được tính dựa trên quy mô sản xuất và định mức tiêu hao điện trên một đơn vị sản phẩm của từng loại cơ sở.

Đối với khu, cụm công nghiệp tập trung: phụ tải điện được tính chung cho cả khu hoặc cụm. Nhu cầu điện cho các khu công nghiệp tập trung được xác định theo tính chất, ngành nghề sản xuất của từng khu, quy mô diện tích và chỉ tiêu sử dụng; điện trên một đơn vị diện tích (kW/ha).

b) Phân vùng phụ tải

Trong giai đoạn quy hoạch dự kiến toàn thành phố Đà Nẵng sẽ được phân thành 4 vùng phụ tải như sau:

* Vùng 1: Gồm phụ tải khu vực Quận Hải Châu và Quận Thanh Khê: Đây là khu vực đô thị cũ thành phố có mật độ dân cư cao, dịch vụ thương mại phát triển, tập trung các cơ quan hành chính của thành phố và là khu vực tập trung các tòa nhà cao tầng.

* Vùng 2: Gồm phụ tải khu vực quận Liên Chiểu, có cảng Liên Chiểu và hai khu công nghiệp lớn của thành phố là Hòa Khánh và Liên Chiểu.

* Vùng 3: Gồm phụ tải khu vực phía Đông sông Hàn bao gồm quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà là nơi tập trung các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa, các tổ hợp khách sạn ven biển và các trung tâm thương mại lớn của thành phố.

* Vùng 4: Gồm phụ tải khu vực huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ.

c) Tính toán nhu cầu điện

d)  Dự báo nhu cầu dùng điện đến năm 2030

Căn cứ vào bảng tính nhu cầu dùng điện: Nhu cầu điện toàn thành phố sẽ cần 1.790 MW cho năm 2030.

e) Nhận xét về kết quả tính toán nhu cầu điện

Từ năm 2018 tới cuối năm 2019, với phương án tính toán, nhu cầu điện năng của thành phố Đà Nẵng tăng ở mức cao. Thành phần phụ tải tăng nhanh nhất là nhu cầu điện sinh hoạt đặc biệt tập trung ở vùng 3 và vùng 4, khách sạn, nhà hàng vì đây đang và sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Ngành công nghiệp sẽ tập trung thu hút các ngành có công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Tiếp tục thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN hiện hữu đang hoạt động cũng như các khu, cụm công nghiệp quy hoạch mới.

Hiện trạng hệ thống cấp điện đã được đầu tư theo quy hoạch định hướng được duyệt. Quy hoạch được duyệt đã đánh giá chính xác về công suất và nhu cầu cấp điện. Vị trí trạm biến áp phù hợp với quy hoạch. Nguồn cấp điện hiện tại do hệ thống lưới điện quốc gia cung cấp, cơ bản đảm bảo nhu cầu.

Từ năm 2020 tới năm 2030, với phương án tính toán, nhu cầu điện năng của thành phố Đà Nẵng tăng ở mức cao, công suất năm đến năm 2030 bằng 1,52 lần so với cuối năm 2019.

Quy hoạch hệ thống cấp điện

a) Quy hoạch phát triển các nguồn điện cấp điện cho thành phố Đà Nẵng

Quy hoạch phát triển các nguồn phát điện tại chỗ trên địa bàn thành phố.

* Quy hoạch các nguồn điện lớn trên địa bàn thành phố: Theo Dự thảo đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét triển vọng đến 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch điện VII), trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho tới năm 2030 không quy hoạch nguồn cấp điện có quy mô lớn.

* Quy hoạch các nguồn phát điện vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố: Đà Nẵng là khu vực ít có ao hồ, sông ngòi nên tiềm năng về thủy điện rất hạn chế. Trên địa bàn thành phố chỉ có Sông Nam, Sông Bắc có khả năng xây dựng công trình thủy điện. Giai đoạn đầu năm 2030, dừng thực hiện dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc công suất 50MW trong giai đoạn 2020 - 2030. Giai đoạn đến năm 2045, có thể tiếp tục nghiên cứu xem xét thủy điện này được xây dựng theo công nghệ đập tràn tự nhiên, không có xả lũ. Vì vậy kể cả mùa hè có nước đầy, nó sẽ tự tràn, không ảnh hưởng gì tới hạ nguồn về nông nghiệp, chăn nuôi.

* Đánh giá tiềm năng và khả năng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo

- Năng lượng gió: Tuy Đà Nẵng thuộc vùng duyên hải nhưng theo đề án Quy hoạch phát triển điện gió toàn quốc giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030, Đà Nẵng không được đánh giá là địa phương có tiềm năng về phát triển điện gió, không có nhà máy điện gió nào được quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố.

- Nguồn năng lượng mặt trời:

+ Đà Nẵng nằm trong khu vực có số giờ nắng cao nhất nước, từ 1.900 đến 2.700 giờ/năm, trong đó số giờ nắng trung bình trong 20 năm của Đà Nẵng là 2.182 giờ/năm. Theo đánh giá, khu vực khả thi cho khai thác nguồn năng lượng mặt trời cần có số giờ nắng bình quân năm phải đạt từ 1.800 giờ/năm trở lên. Như vậy Đà Nẵng là địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời.

+ Theo báo cáo chi tiết của Chính phủ Tây Ban Nha về bản đồ bức xạ và bản đồ tiềm năng phát triển điện mặt trời do 3 viện nghiên cứu h đầu của Tây Ban Nha là CIEMAT, CENER, IDEA lập trên cơ sở hợp tác với Bộ Công Thương và Chính phủ Việt Nam, Đà Nẵng là một trong các tỉnh thành có cường độ bức xạ mặt trời cao (4,4-4,6kWh/m2 ngày).

+ Các bức xạ mặt trời nhận được (GHI) bao gồm cả bức xạ bình thường trực tiếp (DNI) và bức xạ ngang khuếch tán (DHI). Bức xạ trực tiếp có thể tạo ra điện hoặc nhiệt lớn hơn bức xạ khuếch tán. GHI là khoảng 4kWh ngày và bức xạ trực tiếp DNI ở Đà Nẵng là khoảng 2 kWh ngày. Mật độ bức xạ trực tiếp thường leo thang từ tháng 1 và đạt cực đại vào tháng 4 trước khi giảm dần xuống đáy vào tháng 12.

+ Tiềm năng của năng lượng mặt trời được ước tính là ở mức cao nhất 1000 MW và điều này có thể bù đắp một phần nhu cầu năng lượng cao nhất.

+ Khuyến khích nghiên cứu phát triển, đầu tư xây dựng, ứng dụng năng lượng tái tạo của các tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn điện tại chỗ cho thành phố Đà Nẵng.

- Nhiệt điện (Nguồn từ đốt rác thải sinh hoạt): Phương thức này được lựa chọn khi mà lượng rác thải của thành phố đã được quy hoạch phân loại và cũng là xu hướng cho tương lai khi các nguồn năng lượng hạn hẹp. Xây dựng nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn với quy mô công suất 2x18MW.

Các nguồn điện cấp cho thành phố từ hệ thống truyền tải điện quốc gia: Nguồn điện cấp cho thành phố từ hệ thống điện quốc gia bao gồm trạm 500kV Đà Nẵng, trạm 220kV Đà Nẵng nối cấp và trạm 220kV Hòa Khánh. Ngoài ra còn có các đường dây 220kV Thạnh Mỹ - Hòa Khánh và Huế - Hòa Khánh, Tam Kỳ - Đà Nẵng. Về phía lưới 110kV đường dây 110kV Đại Lộc - Đà Nẵng cũng là nguồn cấp cho thành phố do có thủy điện Sông Côn đấu vào.

b) Cân bằng cung cầu dùng điện

c) Phương án phát triển hệ thống điện

* Lưới điện 500kV: Theo Điều chỉnh Quy hoạch điện VII, đến giai đoạn này sẽ tiến hành nâng công suất trạm 500kV Đà Nẵng, thay 2 máy biến áp 450MVA bằng 2 máy 900MVA, đưa tổng công suất trạm lên 1.800MVA (diện tích đất 02 ha); Đang xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Dốc Sỏi (đoạn qua Đà Nẵng).

* Lưới điện 220kV:

Qua cân đối nguồn và phụ tải tại cấp điện áp 220kV cho thấy đến năm 2030 toàn thành phố sẽ thiếu hụt tổng cộng khoảng 375MVA công suất trạm 220kV. Các phương án xây mới hoặc mở rộ ng các trạm 220kV sẽ dựa trên nhu cầu điện của các vùng phụ tải vì tới năm 2030 trên địa bàn thành phố có 4 trạm 220kV, mỗi vùng phụ tải được cấp điện từ 1 trạm 220kV.

- Vùng phụ tải 1: Định hướng xây dựng TBA 220KV Hải Châu công suất 2x250MVA.

- Vùng phụ tải 2: Xây dựng mới trạm biến áp 220KV Liên Chiểu công suất 2x250MVA Trạm 220kV Liên Chiểu sẽ được đấu chuyển tiếp trên 2 mạch của đường dây 220kV Hòa Khánh - Chân Mây, dây dẫn AC-400, chiều dài 4x3km.

- Vùng phụ tải 3: Dự kiến nâng công suất trạm 220kV Ngũ Hành Sơn, lắp máy 2 công suất 250MVA, thời gian thực hiện năm 2025, đưa quy mô trạm lên 2x250MVA.

- Xây mới trạm 220kV Sơn Trà với quy mô công suất gồm 2 máy 250MVA, giai đoạn này lắp 1 máy 250MVA.

- Xây dựng mới đường dây 220kV cáp ngầm kết nối trạm biến áp 220kV Hải Châu với TBA 220kV Sơn Trà.

* Lưới điện 110kV:

Vùng phụ tải 1: Khu vực Quận Thanh Khê và Hải Châu;

+ Trạm 110kV Thuận Phước, quy mô công suất 2x63MVA, Trạm được đấu nối từ trạm 220kV Hải Châu bằng tuyến cáp ngầm mạch kép, dây dẫn XLPE-1200, chiều dài 2x0,1km. Dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2021-2022.

+ Trạm 110kV Chi Lăng, quy mô công suất 2x63MVA, công nghệ GIS, trước mắt láp 1 máy 63MVA, Sử dụng kiểu trạm trong nhà. Trạm được đấu nối vào trạm 110kV Xuân Hà qua tuyến cáp ngầm 2 mạch Xuân Hà - Chi Lăng, chiều dài 2x3,5km, dây dẫn XLPE-1200. Tuyến cáp ngầm đi dọc theo tuyến đường Trần Cao Vân, Ông Ích Khiêm. Dự kiến đưa vào vận hành quý III năm 2020. Công trình đang trong giai đoạn đầu tư.

+ Trạm 110kV Khuê Trung, lắp đặt trạm biến áp công suất 2x63MVA. Dự kiến thực hiện vào năm 2030. Trạm được đấu nối từ trạm 110kV nhánh rẽ Liên Trì.

+ Định hướng ngầm hóa tuyến cáp 110KV đoạn từ nhánh rẽ đường dây 110KV Đà Nẵng - Quận 3 dọc theo hành lang hiện có. Dùng cáp ngầm XLPE-120mm2, chiều dài 2x4,8km, dự kiến hoàn thành sau năm 2030.

Vùng phụ tải 2: Khu vực Liên Chiểu;

+ Nâng công suất trạm biến áp 110KV Liên Chiểu từ 2x40MVA lên 2x63MVA.

+ Xây dựng mới trạm 110kV Hòa Khánh Nam với quy mô công suất 2x63MVA đấu nối vào đường dây 110kV Hòa Khánh – Xuân Hà.

+ Trạm 110kV Cảng Liên Chiểu, quy mô công suất 2x63MVA. Trạm được đấu nối chuyển tiếp trên đường dây Liên Chiểu (220kV) - Lăng Cô, dây dẫn AC-400mm2, chiều dài 2x3km. Do hạn chế về quỹ đất cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị định hướng dùng kiểu trạm biến áp trong nhà.

Vùng phụ tải 3: Khu vực Ngũ Hành Sơn – Sơn Trà:

+ Xây dựng mới trạm 110kV Cảng Tiên Sa với quy mô công suất (40+63)MVA, 01 đường 110kV được đấu nối từ Trạm biến áp 110kV Thuận Phước và 01 đường 110kV đấu nối Trạm biến áp 110kV An Đồn.

+ Xây dựng tuyến cáp 110KV ngầm từ An Đồn – Đến trạm biến áp 110KV cảng Tiên Sa bằng đường dây mạch kép, dây dẫn  XLPE-1200mm2, chiều dài 2x5.3km. Hành lang tuyến dọc theo các tuyến đường giao thông.

+ Nâng công suất TBA 110KV Ngũ Hành Sơn (40+63)MVA lên thành quy mô công suất TBA 2x63MVA.

+ Xây dựng mới trạm 110kV Hòa Hải với quy mô công suất 2x63MVA đấu nối vào phía 110kV của trạm 110kV Ngũ Hành Sơn.

+ Xây dựng mới trạm 110kV Thọ Quang với quy mô công suất 2x63MVA đấu nối vào đường dây 110kV An Đồn – Tiên Sa.

+ Cải tạo đường dây Điện Nam - Điện Ngọc - Ngũ Hành Sơn (220kV) thay dây AC-240 bằng dây AC-400, chiều dài 14,6km.

+ Cải tạo ngầm hóa đường dây 110KV quận 3 – An Đồn.

Vùng phụ tải 4: Khu vực Cẩm Lệ – Hòa Vang:

+ Trạm 110kV Hòa Phong quy mô 2 máy 2x63MVA, được đấu nối chuyển tiếp trên cả 2 mạch của nhánh rẽ vào trạm 110kV Đà Nẵng – Đại Lộc, dây dẫn dây dẫn AC-400mm2, chiều dài 4x1.5Km.

+ Xây dựng mới trạm 110kV Hòa Nhơn quy mô 2 máy 2x63MVA, được đấu nối vào đường dây 110KV nổi  Đà Nẵng – Hòa Khánh.

+ Xây dựng mới trạm 110kV Hòa Liên 2 với quy mô công suất 2x63MVA đấu nối vào phía 110kV của trạm 110kV Hòa Liên.

+ Cải tạo đường dây 110kV Hòa Khánh - cầu Đỏ 2 mạch, thay dây dẫn từ AC 185 lên AC-400mm2, chiều dài 2x1 l,2km.

+Nâng công suất trạm 110kV Hòa Liên, nâng công suất 1 máy từ 40MVA lên 2x40MVA.

+ Cải tạo nâng cấp trạm biến áp 110KV Cầu Đỏ (63+40)MVA lên 2x63MVA.

+ Cải tạo nâng cấp trạm biến áp 110KV Hòa Xuân 40MVA lên (63+40)MVA.

* Lưới điện 22kV:

+ Ngầm hóa lưới điện trung thế trên các tuyến đường phố chính, tuyến phố cảnh quan trong khu vực.

+ Cải tạo và nâng cấp các trạm biến áp 22/0.4KV treo trên cột bê tông ly tâm, cột sắt hiện trạng thuộc lưới điện cải tạo ngầm hóa và xây dựng mới theo kiểu trạm biến Kios và kiểu trạm biến áp ngồi 1 trụ thép.

+ Dùng loại trạm biến áp khô 22/0,4KV lắp đặt trong các tầng hầm của các khách soạn, nhà cao tầng, trung tâm thương mại.

+ Ngầm hóa lưới điện hạ thế đồng bộ với ngầm hóa lưới điện trung thế đến tủ điện phân phối hộ dân. 

Quy hoạch hệ thống chiếu sáng đô thị

a) Quy hoạch hệ thống chiếu sáng giao thông:

- Phạm vi bao gồm tất cả các tuyến đường giao thông trong đô thị.

- Tuân thủ theo định hướng của QHCĐN 2030-2050.

- Đầu tư hệ thống chiếu sáng độc lập, tuyến đường dây đi ngầm, hoặc chung hạ tầng kỹ thuật với các hạng mục khác.

- Kết hợp với ngành điện để đầu tư hệ thống chiếu sáng theo hình thức kết hợp chung trụ với trụ điện lực cho một số khu dân cư có hệ thống cấp điện được quy hoạch nổi trên trụ bê tông ly tâm nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư cho hệ thống chiếu sáng.

- Đầu tư mới hệ thống điện chiếu sáng giao thông trên các trục đường quy hoạch mới theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về đội rọi, độ chói, độ đồng đều, màu sắc,....

+ Đối với các công trình giao thông đầu tư mới yêu cầu phải sử dụng đèn hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.

+ Sử dụng cho đèn Led có Driver: Driver được tích hợp sẵn chế độ dimming để hoạt động nhằm tiết kiệm điện năng.

+ Sử dụng hệ thống chiếu sáng từ nguồn năng lượng mặt trời cho các khu vực chưa có nguồn cấp điện.

+ Tất cả các loại đường trong đô thị có mặt cắt ngang lòng đường từ 5,5m trở lên đều được chiếu sáng nhân tạo.

- Các vỉa hè đường có mặt cắt ngang nhỏ hơn 5m tổ chức chiếu sáng chung với chiếu sáng đường, các vỉa hè có mặt cắt ngang lớn hơn 5m phải tổ chức chiếu sáng riêng.

- Đối với các tuyến đường có mặt cắt nhỏ hơn 10,5m được bố trí chiếu sáng 1 bên.

- Đối với các tuyến đường có mặt cắt lớn hơn hoặc bằng 10,5m được bố trí chiếu sáng 2 bên.

- Đối với các tuyến đường có dải phân cách hệ thống chiếu sáng được bố trí trên dải phân cách.

- Đối với các ngã ba, ngã tư, tại các nút giao thông đồng mức và khác mức cần phải bố trí các đèn pha tăng cường cường độ chiếu sáng cho các nút giao thông.

- Đối với hệ thống chiếu sáng đi nổi phần lớn lắp đặt đèn Led chung trụ với Điện lực và đi nổi độc lập trên trụ bê tông ly tâm. Hệ thống điện chiếu sáng đi nổi phải đảm bảo khoảng cách trụ đèn, độ cao lắp đặt đèn, công suất đèn, góc chiếu của đèn phù hợp với từng mặt cắt ngang lòng đường theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Sử dụng cáp vặn xoắn hạ áp LV-ABC/XLPE/PVC có tiết diện phù hợp.

- Đối với hệ thống chiếu sáng đi ngầm sử dụng trụ thép mạ kẽm nhúng nóng theo quy định. Hệ thống điện chiếu sáng đi ngầm phải đảm bảo khoảng cách trụ đèn, độ cao lắp đặt đèn, công suất đèn, góc chiếu của đèn phù hợp với từng mặt cắt ngang lòng đường theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Sử dụng cáp ngầm hạ áp loại DSTA/XLPE/PVC hoặc tương đương. Cáp ngầm chiếu sáng phải được luồn trong ống nhựa bảo vệ khi chôn trong đất.

- Mở rộng trung tâm điều khiển chiếu sáng thông minh trên toàn bộ hệ thống chiếu sáng thành phố.

- Yêu cầu nguồn điện cung cấp cho hệ thống điện chiếu sáng phải đảm bảo tin cậy, điện áp ổn định.

* Chiếu sáng đường đô thị phải đảm bảo yêu cầu:

(Bảng Yêu cầu chiếu sáng các loại đường giao thông tại phụ lục 6.9)

+ Nếu không có bảng tính toán chiếu sáng độ chói lóa G hoặc TI max theo một phần mềm chuyên dụng để đảm bảo chống chói lóa, trong trường hợp đó để tránh loá không tiện nghi do ánh sáng phản xạ từ mặt nước, chỉ sử dụng đèn loại được che hoàn toàn để chiếu sáng đường phố.

- Khoảng cách giữa hai cột đèn ảnh hưởng đến độ đồng đều, độ chói dọc của đường, phụ thuộc kiểu bố trí đèn, độ cao cột đèn, loại đèn và đặc điểm quang học của đèn.

Chú thích: Khoảng cách giữa hai cột đèn được tính theo CIE 140:2000.

- Vị trí cột đèn có khả năng định hướng đi cho người điều khiển xe. Tại đoạn đường uốn lượn, cột đèn phải bố trí ở đường cong ngoài của đoạn uốn.

- Không để cây xanh che ánh sáng đèn trong phạm vi mặt đường thiết kế chiếu sáng và khoảng cách tối thiểu của một đèn chiếu sáng đối với cây xanh tối thiểu 1m.

- Tại các nút giao thông, phải bố trí cột đèn tại các lối đi bộ qua đường. Cột đèn tại các nút phải được nhìn thấy từ khoảng cách tối thiểu 200m.

  b) Quy hoạch chiếu sáng nút giao thông:           

- Chiếu sáng các nút giao thông phải tạo điều kiện để người điều khiển phương tiện giao thông phát hiện được cả sơ đồ nút giao thông và hoạt động giao thông. Tổ chức chiếu sáng các nút giao thông, nhất là nút phức tạp phải đảm bảo cho người điều khiển phương tiện giao thông có thể nhìn thấy vị trí các mép vỉa hè và các mốc đường, các chiều của đường, sự có mặt của người đi bộ hoặc các chướng ngại, sự chuyển động của tất cả các loại xe gần nút giao thông và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 200m trước khi vào nút giao thông,.

- Tại các nút giao thông phải:

+ Các giá trị chiếu sáng phải đạt hoặc cao hơn yêu cầu chiếu sáng đường tối thiểu 10% và tối đa là 20% nêu trong Bảng 1.

+ Độ chói mặt đường yêu cầu trên toàn nút giao thông không được nhỏ hơn độ chói trên mặt các đường chính dẫn tới nút.

+ Nếu không có bảng tính toán chiếu sáng độ chói lóa G và TI max theo phần mềm chuyên dụng để đảm bảo chống chói lóa, cho phép dùng đèn chiếu sáng được che hoàn toàn để tránh gây lóa cho người điều khiển xe.

- Chiếu sáng tại các nút giao với đường sắt phải :

+ Đảm bảo cho điều khiển phương tiện giao thông khi dừng lại đủ tầm nhìn để phân biệt rõ xe cộ, lối đi, chướng ngại vật và người bộ hành.

+ Đảm bảo độ rọi đứng để phân biệt rõ các bảng thông tin tín hiệu. Màu của đèn chiếu sáng không được lẫn lộn với màu của đèn tín hiệu đường sắt.

+ Trong phạm vi 30m về hai phía của nút giao, mặt đường phải có độ chói và hệ số đồng đều độ chói cao hơn phần mặt đường kế cận 10%.

+ Đầu tư trạm biến áp 22/04kV riêng cho hệ thống chiếu sáng.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

Toàn văn thuyết minh Đồ án và phụ lục 

+ Thuyết minh

+ Phụ lục kèm theo