Thông tin liên lạc
Đăng ngày 18-11-2021 02:05, Lượt xem: 6

Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những hạ tầng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Phát triển hạ tầng CNTT cần được đồng bộ, hiện đại, sử dụng hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, vận hành chính quyền điện tử thành phố, xây dựng thành phố thông minh, chính quyền đô thị, tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0; nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tăng cường tiềm lực phòng thủ thành phố.

Mục tiêu phát triển bưu chính viễn thông

* Căn cứ dự báo:

Dự báo các dịch vụ bưu chính, viễn thông thành phố Đà Nẵng được xây dựng trên cơ sở các căn cứ: Xu hướng phát triển bưu chính, viễn thông trên thế giới; Xu hướng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2015 – 2030; Định hướng phát triển về kinh tế xã hội của thành phố đến năm 2030 và đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố; Định hướng phát triển hạ tầng của Thành phố; Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2018 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh tại Thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16 tháng 4 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành uỷ về phát triển hạ tầng CNTT và truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0; Quyết định số 6439/QĐ-UBND ngày…. /11/2018 của UBND thành phố về việc ban hành Đề án xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.

* Quan điểm: Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những hạ tầng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Phát triển hạ tầng CNTT cần được đồng bộ, hiện đại, sử dụng hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, vận hành chính quyền điện tử thành phố, xây dựng thành phố thông minh, chính quyền đô thị, tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0; nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tăng cường tiềm lực phòng thủ thành phố.

* Mục tiêu phát triển bưu chính:

Nâng cao chất lượng bưu chính, chuyển phát theo hướng áp dụng các thành tựu về CNTT như: kết hợp thương mại điện tử với chuyển phát, áp dụng CNTT để tự động hoá khâu chia chọn, giám sát hàng hoá, bưu phẩm.

Xây dựng hệ thống kho bãi phân phối nội địa theo hướng bảo đảm sức chứa, khả năng lưu thông và phân phối kịp thời hàng hoá, bưu phẩm kịp thời đến người dùng. Cụ thể: Về sức chứa, kho bãi: đến năm 2030 có hệ thống kho bãi tập kết hàng hoá tập trung tại các quận, huyện với quy mô 5000m2/quận (huyện); đến năm 2045 với quy mô 7500m2/ quận (huyện). Về khả năng lưu thông: đến năm 2030, đạt số lượng trung chuyển hàng hoá chuyển phát đến kho bãi tập trung tại các quận huyện khoảng 25 lượt/ngày, đến 2045 đạt công suất 50 lượt/ ngày.

* Mục tiêu phát triển viễn thông:

Mục tiêu chung: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT thành phố, hiện đại, đồng bộ, bảo đảm năng lực và an toàn, an ninh thông tin nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 vào cuộc sống và các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu cụ thể:

+ Giai đoạn 2021 – 2025: Sẵn sàng về hạ tầng, dịch vụ viễn thông, CNTT để triển khai mô hình thành phố thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; góp phần cải thiện chất lượng phục vụ và công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền; hỗ trợ quản lý có hiệu quả đô thị và các nguồn tài nguyên của thành phố; thúc đẩy ứng dụng các công nghệ ứng dụng của Công nghiệp 4.0.

+ Giai đoạn 2026 – 2030: Hạ tầng, dịch vụ viễn thông, CNTT được bảo đảm phát triển đồng bộ, hiện đại, đa dạng, rộng khắp, phù hợp với yêu cầu của đô thị thông minh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, sử dụng tối đa công nghệ số của Công nghiệp 4.0 để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới; phát triển nền kinh tế số hội nhập và hiện đại, mở rộng thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.      

Định hướng phát triển bưu chính viễn thông:

- Về dịch vụ viễn thông: Đảm bảo 100% nhu cầu về dịch vụ viễn thông của người dân đều được đáp ứng, kể cả vùng núi khó khăn về địa hình, bao gồm:

+ Dịch vụ gọi điện thoại cơ bản;

+ Dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng các ứng dụng giá trị gia tăng có yêu cầu cao về băng thông truyền dẫn. 

+ Các dịch vụ truyền hình số: truyền hình số mặt đất, truyền hình số cáp, truyền hình tương tác, truyền hình qua Internet. 

- Về hạ tầng mạng lưới viễn thông di động: Phát triển hạ tầng mạng lưới hạ tầng thông tin di động theo hướng:

+ Ưu tiên sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác (tích hợp trên các cột điện, chiếu sáng, bảng quảng cáo, đặt trên các công trình nhà, hạ tầng có sẵn khác). 

+ Sử dụng công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế phát triển của thế giới (mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) và các thế hệ tiếp theo).

+ Phát triển mở rộng hệ thống mạng không dây công cộng để bảo đảm khả năng sử dụng Internet băng rộng đến người dân, du khách tại các điểm công cộng.

- Về hạ tầng mạng lưới truyền dẫn hữu tuyến: phát triển theo các định hướng như sau:

+ Ngầm hóa mạng cáp viễn thông ngoại vi và phối hợp với chỉnh trang trong khu vực trung tâm thành phố và các khu vực khác đến năm 2030 có khoảng 100% cáp chính đi ngầm.

+ Đến năm 2030, loại bỏ các công nghệ truyền dẫn hữu tuyến tương tự trong cung cấp các dịch vụ viễn thông công cộng, giảm thiểu sử dụng các truyền dẫn công nghệ số lạc hậu như (TDM, ADSL, ISDN, v.v…).

+ Các khu vực đô thị mới phải có hạ tầng ngầm cho toàn bộ mạng cáp viễn thông ngoại vi (cả cáp trục và cáp phối đến thuê bao).

+ Đến năm 2030, ngầm hoá toàn bộ cáp viễn thông trên các tuyến giao thông chính của thành phố.

+ Bảo đảm tuyệt đối về an toàn, an ninh cho Trạm cập bờ cáp quang biển quốc tế (tại phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Ưu tiên bố trí vùng không gian (đất và mặt nước) bảo vệ an toàn cho hoạt động của Trạm và tuyến cáp quang biển ở vùng cập bờ.

+ Sử dụng các công nghệ chuyển mạch trục hiện đại, phù hợp với sự phát triển quốc tế (công nghệ NGN và các công nghệ tiếp theo), bảo đảm băng thông truyền dẫn cho các dịch vụ viễn thông băng rộng khác như lưu trữ, truyền tải video, hình ảnh, dữ liệu, điện toán đám mây, v.v…

+ Xây dựng mạng camera giám sát (CCTV) cho toàn thành phố có tích hợp các công nghệ hiện đại như nhận dạng, khai thác dữ liệu lớn.

+ Xây dựng mạng lưới thiết bị IoT phục vụ đa mục đích gồm: cảnh báo cháy rừng, nguồn nước, lũ lụt, giao thông, v.v…    

+ Nâng cấp và mở rộng phạm vi kết nối cho Mạng đô thị thành phố, bảo đảm kết nối đến các cơ sở, đơn vị của chính quyền thành phố. 

+ Xây dựng mạng lưới truyền thanh cơ sở trên nền tảng công nghệ IP, sẵn sàng tích hợp với các hệ thống như CCTV, bảo đảm khả năng cho thông tin chuyên đề của nhiều ngành, lĩnh vực. 

- Về hạ tầng Công nghệ thông tin:

+ Nâng cấp mở rộng Trung tâm dữ liệu hiện tại, triển khai thêm 02 Trung tâm dữ liệu mới để bảo đảm khả năng dự phòng, đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng phục vụ xây dựng mô hình thành phố thông minh. Đến năm 2030, bảo đảm cung cấp hạ tầng tính toán, lưu trữ chuyên sâu để triển khai các ứng dụng lõi liên quan đến Cách mạng 4.0.

+ Đến năm 2030, Xây dựng Trung tâm an toàn an ninh thông tin (Security of Center) để nâng cao hiệu quản công tác bảo đảm an toàn an ninh cho toàn bộ hệ thống CNTT chính quyèn thành phố Đà Nẵng.

+ Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Trung tâm điều hành thành Thành phố thông minh để quản lý tập trung, đa nhiệm trong việc điều hành quản lý về kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật của Thành phố.  

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Toàn văn thuyết minh Đồ án và phụ lục 

+ Thuyết minh

+ Phụ lục kèm theo