Nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Đăng ngày 20-06-2018 01:39, Lượt xem: 475

Ngày 19-6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã có buổi làm việc với đoàn kiểm tra Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam do Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà làm trưởng đoàn về chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. 

Thời gian qua, công tác triển khai thi hành Luật phòng chống bạo lực gia đình được triển khai đồng bộ tại 100%  quận huyện, xã phường. Nhiều mô hình thí điểm can thiệp phòng chống bao lực gia đình, địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, cơ sở tư vấn đã góp phần hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị bạo hành gia đình. Qua đó, nâng cao vai trò trách nhiệm của  toàn xã hội  trong phòng chống bao lực gia đình, xây dựng gia đình hòa thuận hạnh phúc. 

Với hơn 2000 tổ hòa giải và 9.354 hòa giải viên, thành phố đã thụ lý được hơn 4000 vụ việc về mâu thuẫn trong gia đình, hòa giải thành công 3.428 vụ việc; nhiều mâu thuẫn tranh chấp ở các gia đình được hòa giải kịp thời, phòng tránh nhiều trường hợp có nguy cơ bạo lực, bạo hành gia đình. Hiện Đà Nẵng cũng đã thành lập 237 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và 277 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, tổ phản ứng nhanh trên 56 phường xã nhằm kịp thời phát hiện và phối hợp công an khu vực giúp đỡ nạn nhân bạo lực và giáo dục đối tượng có hành vi bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, tại một số gia đình hiện vẫn còn sự bất bình đẳng trong việc phân công việc nhà, người phụ nữ vừa phải hoàn thành công việc xã hội, vừa đảm đương hầu hết công việc trong gia đình. Phần lớn các vụ bạo lực gia đình xảy ra là do hạn chế trong nhận thức của người dân. Đa số họ coi bạo lực gia đình là trách nhiệm chỉ bảo, dạy vợ, dạy con... hay sự cam chịu của những người vợ vì tình trạng lệ thuộc về tài chính dẫn đến không dám tố cáo. Sự suy thoái trong đạo đức, lối sống dẫn đến ngoại tình là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực trong gia đình. Thống kê từ năm 2009 – 2017, trên địa bàn thành phố có hơn 1.700 người gây bạo lực bị xử lý, 433 người gây bạo lực được góp ý, phê bình tại khu dân cư, 14 người được giáo dục tại xã phường, 822 người bị xử lý hành chính và 44 người bị xử lý hình sự. Cùng với đó, trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ hòa giải viên cơ sở chưa đồng đều và còn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Một số vụ bạo lực gia đình về tinh thần, kinh tế... khó ngăn chặn hoàn toàn mặc dù đã được tư vấn, hòa giải nhiều lần; một số gia đình có bạo lực nhưng không ai biết, đến lúc ly hôn mới xác định được.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở ngành, đơn vị liên quan đã đề xuất các giải pháp nhằm kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống bạo lực gia đình, cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở... Đồng thời, mạnh mẽ phê phán, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm Luật phòng chống bạo lực gia đình; xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, kiên quyết đấu tranh chống những lối sống thực dụng, vị kỷ... tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống gia đình, quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống như: kỹ năng làm cha, làm mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng; tiến hành lồng ghép với các phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", giúp đỡ gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình không còn bạo lực gia đình.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác gia đình và Phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là về kỹ năng tư vấn hòa giải, cung cấp thêm tài liệu về giáo dục đời sống gia đình. Đồng thời, đề nghị chính phủ chỉ đạo các ngành bảo vệ pháp luật thực hiện nghiêm chỉnh và công minh những hình thức chế tài trong Luật phòng chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao tính giáo dục. Ngoài ra, các tranh chấp về dân sự liên quan đến bạo lực gia đình đa số là các vụ việc xin ly hôn, tranh chấp nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng. Các hành vi bạo lực gia đình thường là nguyên nhân dẫn đến yêu cầu xin ly hôn của các đương sự. Tuy nhiên, việc xác định hành vi bạo lực trong gia đình thường khó chứng minh. Bởi lẽ, các hành vi bạo lực gia đình thì người bị xâm hại thường nhẫn nhịn. Do vậy, Luật Phòng chống bạo lực gia đình cần quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục tiếp nhận và xử lý thông tin hành vi bạo lực gia đình. Từ đó, cơ quan điều tra mới có cơ sở để điều tra truy tố tội phạm, Tòa án mới có đủ cơ sở trong quan hệ hôn nhân có hành vi bạo lực gia đình để xác định cho ly hôn.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao việc triển khai thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, đặc biệt là việc triển khai đồng bộ, lồng ghép vào các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, các mô hình, câu lạc bộ. Bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường các biện pháp truyền thông cho nhóm có nguy cơ cao; thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình, nhân rộng mô hình hoạt động tốt. 

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác