Đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Đăng ngày 21-07-2019 17:51, Lượt xem: 416

Sáng 20-7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì buổi làm việc nghe các chuyên gia của Liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty tư vấn Surbana Jurong (Singapore) báo cáo kết quả giai đoạn 2 về thiết kế chiến lược phát triển kinh tế để xem xét, sửa đổi quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Kết nối các cảng biển và phát triển các dịch vụ hậu cần logistics

Theo các chuyên gia đại diện liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory (tư vấn hợp phần thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030) và Công ty tư vấn Surbana Jurong (tư vấn hợp phần quy hoạch chung), để tăng cường kết nối Đà Nẵng với các tỉnh thành, thành phố cần chuyển quốc lộ ở khu vực nội thành thành phố sang khu vực ngoại ô để tránh ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời mở rộng mạng lưới đường cao tốc thành phố kết nối với cơ sở hạ tầng quan trọng của khu vực. Cả đường cao tốc và quốc lộ đều có thể kết nối cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) với các cảng Thuận An, cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) và cảng Kỳ Hà (Quảng Nam), cảng Dung Quất (Quảng Ngãi).

Việc hình thành trung tâm hậu cần logistics yêu cầu sự tích hợp của hệ thống cảng biển, sân bay, đường sắt và đường bộ trong khu vực đô thị và vùng lân cận, giúp thành phố Đà Nẵng định vị trở thành điểm trung chuyển liền mạch nhiều loại hàng hóa khác nhau: hàng khô, hàng container, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm đông lạnh…Điều đó yêu cầu sự tích hợp công nghệ thông minh vào các dịch vụ hậu cần tự động như nhà kho, giao nhận hàng hóa, bảo mật sản phẩm và quy trình... nhằm tạo thuận lợi thương mại dịch vụ tài chính và vận tải. Theo các chuyên gia, khu vực hậu cần logistics Đà Nẵng mở rộng sẽ góp phần hình thành mạng lưới các cảng phục vụ miền Trung cạnh tranh cùng các khu vực khác ở miền Bắc và miền Nam.

Tăng cường mạng lưới đường cao tốc kết nối với cơ sở hạ tầng quan trọng của khu vực

Thành phố Đà Nẵng có cơ hội mở rộng khối lượng tàu du lịch bằng cách tăng cường liên kết với các tỉnh thành Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, và Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) sẽ là cảng du lịch quan trọng trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), một phần không thể thiếu của hệ thống du lịch trên biển với hệ thống các tàu kết nối Đà Nẵng với các cảng du lịch quan trọng khác như Singapore, Phuket (Thái Lan), Boracay (Philippines).

Trở thành trung tâm dịch vụ du lịch trên biển khu vực Đông Nam Á

Với chiến lược trở thành "Trung tâm dịch vụ du lịch trên biển Đông Nam Á", các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng cần xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch dựa trên các phân khúc thị trường cụ thể như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và mở rộng việc nắm bắt sang các khu vực rộng lớn khác. Hiện thành phố đã và đang là điểm thu hút du lịch hội nghị và triển lãm (MICE), đây cũng sẽ là thị trường thu hút khách du lịch sức khỏe và khách nghỉ hưu... Do đó, cần xây dựng kế hoạch tiếp thị chọn lọc, hướng đến những thị trường rộng lớn hơn Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, đồng thời phát triển ngành du lịch sức khỏe với nhiều loại dịch vụ hơn, thành lập các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân...

Ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thành phố và dự kiến sẽ là lĩnh vực tuyển dụng lớn nhất, tạo việc làm và việc sử dụng công nghệ cao sẽ ngày càng nhiều hơn. Cùng với dịch vụ công nghệ thông tin và công nghệ số được mở rộng, các chuyên gia lưu ý công nghệ thông minh cần được thực hiện liền mạch; dịch vụ CNTT và kỹ thuật số tích hợp đi đôi với mở rộng khả năng băng thông rộng...sẽ góp phần hình thành trung tâm thành phố thông minh – nơi xử lý các dữ liệu văn bản, hình ảnh, âm thanh để cải thiện dịch vụ, cho phép quản lý giao thông tốt hơn cũng như kiểm soát chính sách, cứu trợ thảm họa, cảnh báo thời tiết… Cùng với đó, những lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sản xuất ngư nghiệp thời gian tới phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc ứng dụng công nghệ thông minh để triển khai các phương pháp canh tác mới trên đất liền, trên biển cũng như cung cấp thông tin về tác động thời tiết và biến đổi khí hậu.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh ghi nhận nỗ lực, đóng góp của đơn vị tư vấn hợp phần quy hoạch chung và hợp phần thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời yêu cầu các Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng và phát triển đô thị cần tiếp tục rà soát toàn bộ quy hoạch cũ và tăng cường phối hợp đơn vị tư vấn nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ triển khai điều chỉnh đồ án quy hoạch tổng thể cũng như chiến lược phát triển kinh tế xã hội phù hợp với đặc điểm thành phố Đà Nẵng, xu hướng phát triển của khu vực và thể giới, đảm bảo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW, hoàn thành phê duyệt vào cuối tháng 2-2020 và công bố vào “Tọa đàm Mùa xuân 2020”.

Đồng thời, các sở ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch chương trình “Tọa đàm Mùa xuân 2020” với các nội dung công bố các dự án đầu tư, kết nối với các thành phố trên thế giới có mối quan hệ với Đà Nẵng, công bố quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác