Đà Nẵng hướng đến thành phố lý tưởng dưới góc nhìn của Giáo sư Trần Văn Thọ
Đăng ngày 27-05-2022 16:30, Lượt xem: 391

Sáng 27-5, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Đảng đoàn Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật thành phố tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề dành cho cán bộ chủ chốt và cán bộ nghiên cứu thành phố với đề tài “Tương lai kinh tế Việt Nam trước biến động của thế giới” do GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản) báo cáo. Tham dự Hội nghị có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cao Thị Huyền Trân; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến.

Tại Hội nghị, GS Trần Văn Thọ chia sẻ về góc nhìn Việt Nam từ thế giới; Biến động, trào lưu mới của thế giới là gì, có tác dụng như thế nào?; Việt Nam hôm nay và nhìn về năm 2045; Chiến lược, chính sách để có một nền kinh tế vững chắc và phát triển; Đà Nẵng: Hướng đến thành phố lý tưởng.

Theo GS Trần Văn Thọ, thành phố Đà Nẵng được ưu đãi bằng vốn thiên nhiên, có sông, có núi và biển. Thời gian qua, Đà Nẵng luôn nỗ lực xây dựng thành phố lý tưởng, khác biệt với các thành phố khác.


GS Trần Văn Thọ báo cáo tại Hội nghị đề tài “Tương lai kinh tế Việt Nam trước biến động của thế giới”

Để hướng đến xây dựng Đà Nẵng theo hướng thành phố lý tưởng, GS Trần Văn Thọ gợi ý, trước hết Đà Nẵng cần xây dựng và phát triển thành thành phố mẫu của sự an toàn (an toàn lao động, môi trường sống an toàn), an tâm, hành chính thân thiện với dân, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Ngoài ra, Đà Nẵng có thể lập các bót cảnh sát (tiếng Nhật gọi là koban) để giữ an ninh trật tự; phục vụ, hỗ trợ người dân, du khách: nhặt được của rơi đến báo/nhận tại bot cảnh sát, chỉ dẫn đường,…; có nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các địa điểm công cộng, trường học.

Đồng thời, xây dựng trong người dân ý thức, hành động văn hóa thân thiện với con người, với môi trường; thực hiện cải cách hành chính, sử dụng phần mềm hiện đại, đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Nếu làm được những gợi mở nói trên, Đà Nẵng sẽ trở thành điểm thu hút người tài, từ đó kéo theo nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư tại Đà Nẵng và nhiều hiệu ứng tích cực khác.

GS Trần Văn Thọ cho biết, từ thập niên 1990, xuất hiện yếu tố mới trong sản xuất công nghiệp là chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước đi sau có thể phát triển nhanh nếu tham gia thành công trong 2 chuỗi này. Bên cạnh đó, cách mạng công nghệ đang làm thay đổi cung - cầu lao động. COVID-19 cũng làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, điều chỉnh quá trình toàn cầu hoá, giảm mạnh nhu cầu lao động.

GS Trần Văn Thọ nhận định, kinh tế Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch và các trào lưu mới của kinh tế chính trị thế giới. Mức độ hội nhập của Việt Nam rất cao, song tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững. Việt Nam cũng có lực lượng lao động khá đông nhưng phần lớn chưa đủ năng lực, chưa thích ứng với nhu cầu mới và đang là nước xuất khẩu lao động giản đơn.

Trước tình hình này, chiến lược trung hạn của Việt Nam là chú trọng hơn thị trường trong nước, làm thâm sâu công nghiệp hoá, tăng cường sản xuất và củng cố mạng lưới các mặt hàng thiết yếu, quan tâm đến an ninh kinh tế, ưu tiên các nguồn lực cho đào tạo lao động. Trong dài hạn, cần thay đổi tư duy phát triển; đổi mới sáng tạo để tăng trưởng nhanh và bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật thành phố Võ Công Trí cho rằng, những chia sẻ của GS Trần Văn Thọ rất sát sườn, gắn với các mục tiêu xây dựng thành phố 5 không, 4 an, thành phố giàu bản sắc và nhân văn mà Đà Nẵng đang hướng đến. Điều đó cho thấy GS Trần Văn Thọ vẫn luôn dõi theo sự phát triển của thành phố và quê hương.

Dịp này, GS Trần Văn Thọ giới thiệu và ký tặng sách “Kinh tế Nhật Bản – Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973”, Nhà xuất bản Đà Nẵng và Phanbook. Đây là tác phẩm sách mới nhất của GS Trần Văn Thọ.

GS Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam. Năm 1968, ông sang Tokyo du học với học bổng của chính phủ Nhật Bản. Ông là Tiến sĩ kinh tế học (Đại học Hitotsubashi, Tokyo), từng làm nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Giáo sư kinh tế tại Đại học Oberlin và Đại học Waseda (Tokyo). Từ năm 2020, ông là Giáo sư Danh dự Đại học Waseda. Năm 2018, ông nhận Huân chương Thụy bảo Tia Vàng của Chính phủ Nhật Bản.

GS Trần Văn Thọ từng là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Nguyễn Xuân Phúc. Ông đã viết nhiều sách về kinh tế xuất bản tại Nhật Bản và Việt Nam, một cuốn trong đó được Giải Châu Á Thái Bình Dương (Nhật) và hai cuốn được Giải Sách Hay (Việt Nam).

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác