Nguyễn Duy Hiệu (1847 - 1887)
Nguyễn Duy Hiệu hiệu là Hữu Thành, sinh năm Đinh Mùi (1847) ở làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thuở bé thông minh, học giỏi. Đỗ tú tài năm 16 tuổi, đỗ cử nhân năm 29 tuổi, 3 năm sau đỗ phó bảng, cùng khoa với Nguyễn Đôn Tiết (Thanh Hóa), Trần Đình Phong (Nghệ An).

Năm 1882, được sung chức phụ đạo giảng tập hoàng tử Ưng Đăng (sau này là vua Kiến Phước), được triều đình phong hàm Hồng lô tự khanh. Hưởng ứng hịch Cần vương, ông đã cùng với Chánh sơn phòng sứ Trần Văn Dư và Phan Bá Phiến đứng ra thành lập Nghĩa hội Quảng Nam. Sau khi Hội chủ Trần Văn Dư thọ nạn, Nguyễn Duy Hiệu đứng ra điều hành công việc kháng chiến. Ông đã chọn Trung Lộc để lập Tân Tỉnh, nơi đặt bản doanh của lực lượng Nghĩa hội.

Bọn thực dân và chính quyền tay sai đã tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, quyết tiêu diệt lực lượng Nghĩa hội. Chúng tập trung hơn 600 quân gồm lính khố đỏ của Pháp và lính của Nam triều, được trang bị vũ khí hiện đại, bao vây căn cứ Trung Lộc. Trong tình thế bức bách, nghĩa quân phải bỏ Tân Tỉnh, rút về vùng núi phía tây. Quân địch tiếp tục truy kích ráo riết, sau nhiều trận đánh, lực lượng nghĩa quân bị tiêu hao nặng và tan rã.

Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến cùng một số thuộc hạ thoát khỏi vòng vây, từ rừng núi Phước Sơn chạy về phía biển ở cửa An Hòa, định tìm thuyền vượt biển ra ẩn náu ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhưng sau đó lại thay đổi ý kiến.

Trong lúc thế cùng lực kiệt, ông bàn với Phan Bá Phiến giải tán lực lượng nghĩa quân, nhằm bảo toàn tổ chức và nhân sự còn lại, để lớp người sau sẽ tìm con đường cứu nước có hiệu quả hơn. Sau khi chứng kiến người đồng chí thân thiết Phan Bá Phiến uống thuốc độc tự tử, ông về lại nơi cố hương, rồi báo cho giặc đến bắt. Trước kẻ thù, ông tự nhận mọi trách nhiệm về mình, còn việc người này người khác hưởng ứng theo Nghĩa hội là do bị ông ép buộc. Chỉ cần giết một mình ông là đủ.

Ông bị xử chém tại pháp trường An Hòa, gần Huế rạng ngày 1-10-1887. Trước khi chết, ông đã để lại 2 bài thơ tuyệt mệnh đầy khí phách. Sau đây là hai câu cuối của bài thơ thứ nhất:

Ký ngữ phù trầm tư thế giả?
Hưu tương thành bại luận anh hùng!
Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Chìm nổi trên đời ai đó tá?
Chớ đem thành bại luận anh hùng!

Khâm sứ Trung Kỳ lúc đó là L.J. Baille đã viết về Nguyễn Duy Hiệu sau cái chết của ông: “Con người này có một nghị lực phi thường… một anh hùng kỳ dị…”.

Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Nguyễn Duy Hiệu dài 660m, rộng 6m, nối đường Ngô Quyền đến nhà thờ Gia Phước, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà.

Cổng TTĐT thành phố
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT