Quảng Nam Đà Nẵng qua các địa danh (phần 16)
Tam Kỳ: Phủ được đổi tên từ phủ Hà Đông, năm Thành Thái thứ 18 (1906). Ly sở phủ Hà Đông đóng tại Chiên Đàn cũng được rời về sát sông Ba Kỳ. Phủ Tam Kỳ tồn tại cho đến ngày 25/3/1948 theo Sắc lệnh số 148 – Sl của Chính phủ về đổi phủ, châu, quận thành huyện.


Tam Kỳ
Huyện
thành lập tháng 2/1976, thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngày 3/12/1983 được chia thành 2 đơn vị hành chính: thị xã Tam Kỳ (phần phía bắc huyện) và huyện Núi Thành (phần phía nam huyện), lấy sông Ba Kỳ làm giới hạn.

Tam Kỳ
Thị xã
thành lập theo Quyết định số 144/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 3/12/1983, trên cơ sở tách ra từ huyện Tam Kỳ. Từ ngày 29/9/2006, thị xã Tam Kỳ được nâng lên cấp thành phố loại 3. Tam Kỳ có nghĩa là ba nhánh, tức ngã ba.

Tân An
Thị trấn
thuộc huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, thành lập theo Quyết định số 05/HĐBT ngày 11/1/1986 của Hội đồng Bộ trưởng.

Tân Tỉnh
Căn cứ
kháng chiến chống Pháp của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, nằm ở thung lũng Trung Lộc (nay thuộc huyện Nông Sơn, Quảng Nam) do phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lập sau khi được cử thay thế hội chủ Trần Văn Dự bị Pháp sát hại. Tại đây, Nguyễn Duy Hiệu đã thiết lập bộ máy điều hành gồm có nha, thự, ty, niết, bãi luyện quân, ngục thất, kho tàng, văn miếu,.. như một cơ quan nhà nước quản lý một vùng lãnh thổ.
Tân Tỉnh chỉ tồn tại trong 3 năm (1885-1887) thì bị quân của triều đình Đồng Khánh phối hợp với quân Pháp tiến công phá vỡ, nhưng nó để lại một dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Cần vương chống Pháp.

Tây Giang
Huyện
tách ra từ huyện Hiên theo Nghị định số 72/2003/NĐ-Cp ngày 20/6/2003, gồm các xã nằm ở phía Tây Trường Sơn giáp biên giới Lào, có diện tích tự nhiên 90.120 ha, gồm 10 đơn vị hành chính trực thuộc.

Thái Phiên
Thành phố
Đà Nẵng với tên gọi sau Cách mạng tháng Tám 1945. Thái Phiên là liệt sỹ hy sinh sau cuộc mưu khởi thất bại của Việt nam Quang phục hội (1916). Tên gọi này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn đến cuối năm 1945 thì có chỉ thị của Chính phủ lâm thời lấy lại tên Đà Nẵng cũ để tiện việc thông tin, giao dịch.

Thanh Chiêm
Dinh trấn
của trấn Quảng Nam được chúa Nguyễn Hoàng thiết lập vào năm 1602 tại làng Thanh Chiêm, nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Thanh Khê
Quận
thuộc thành phố Đà Nẵng, gồm 8 phường: An Khê, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Tam Thuận, Vĩnh Trung, Tân Chính, Thạc Gián, Chính Gián. Năm 2005, phường An Khê chia thành hai phường An Khê và Hòa Khê; phường Lộc Thanh Đán chia thành 2 phường Lộc Thanh Đán Đông và Lộc Thanh Đán Tây. Quận Thanh Khê hiện có 10 phường.

Thạnh Mỹ
Thị trấn 
thuộc huyện Giằng (nay là huyện Nam Giang), tỉnh Quảng Nam, thành lập theo Quyết định số 79/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 23/9/1981 trên cơ sở giải thể xã Zơ Nông. Thị trấn Thạnh Mỹ nằm bên quốc lộ 14B.

Thăng Bình
Huyện
đổi tên từ phủ Thăng Bình ngày 25/3/1948 theo Sắc lệnh 148/SL của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa về đổi chủ, châu, quận thành huyện. Huyện Thăng Bình ban đầu có 57 xã.

Thăng Hoa
Phủ
thuộc đạo thừa tuyên Quảng Nam, được thành lập sau chiến thắng Trà Bàn tháng 6/1472 của Lê Thánh Tông. Phủ Thăng Long quản lãnh 3 huyện: Lê Giang, Hà Đông, Hy Giang, tức khu vực từ bờ nam sông Thu Bồn đến địa giới phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi ngày nay).

Thăng Hoa
Phủ
thời Gia Long, theo Địa bạ Gia Long, quản 3 huyện: Duy Xuyên, Hà Đông, Lễ Dương.

Thổ Sơn
Núi
nằm ở giữa cụm Ngũ Hành Sơn, phía bắc Kim Sơn. Nơi đây có nhiều viên gạch cổ nằm rải rác, dấu vết của một phế tích Chăm pa.

Thu Bồn
Ngõ
nguồn một trong 6 ngõ nguồn của tỉnh Quảng Nam ở thế kỷ 19. (Hữu Bang, Chiên Đàn, Thu Bồn, Ô Gia, Lỗ Đông, Cu Đê)

Thu Bồn
Làng
thuộc tổng Mậu Hòa, phủ Duy Xuyên, nay thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nằm bên hữu ngạn sông Thu Bồn, có tỉnh lộ 610 chạy qua, cách Khu di tích Chăm pa Mỹ Sơn khoảng 6km. Nơi đây có đền thờ nữ thần Chăm pa Thiên Y A Na, thường gọi là bà Bô Bô, nay chỉ còn lưu dấu một bia đá khắc chữ Phạn cả hai mặt đã mòn hết, chỉ còn thấy lờ mờ một số dòng chữ bên phía cạnh.
Thu Bồn cũng là nơi lưu dấu chiến công của quân và dân ta tiêu diệt một đồn binh kiên cố của quân xâm lược Pháp ngày 18/8/1949.

Thu Bồn
Sông
đúng ra là hệ thống sông (Thu Bồn – Vu Gia gọi chung là sông Thu Bồn), dài nhất của Quảng Nam và các tỉnh Nam Trung Bộ, khoảng 200 km, có hai lưu vực 2140km2, bắt nguồn chính từ dãy núi cao Ngọc Linh (ranh giới giữa Quảng Nam – Kon Tum). Sông chảy từ nguồn qua các huyện Tiên Phước, Phước Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, đổ ra biển ở Cửa Đại.

 
Thuận Phước
Cảng cá
nằm ở phường Thuận Phước, Hải Châu, phía tả ngạn sông Hàn. Thuận Phước là một trong 9 cảng cá lớn của cả nước được thành lập theo Quyết định số 428/TTg, ngày 7/8/1995 của Thủ tướng Chính phủ, trang bị phương tiện hiện đại với vốn đầu tư trên 2,5 triệu USD. Hiện đã dời về Thọ Quang, Sơn Trà.

Thúy Loan
Sông
bắt nguồn từ triền núi Bà Nà (1478m), thuộc nguồn Lỗ Đông, dài 28km, lưu vực rộng 160km2, chảy qua làng Thúy Loan, nhập vào sông Yên tại Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.
 
Thúy Loan
Làng
thuộc xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng. Thúy Loan là làng cổ được khai phá cách đây 500 năm, nằm trong danh mục 66 làng của huyện Điện Bàn. Nhiều người quen gọi là làng Túy Loan. Làng nằm bên con sông cùng tên từ nguồn Lỗ Đông chảy ra sông Yên.

Thúy Loan
Chợ
đầu mối nằm trên quốc lộ 14B, bên bờ sông cùng tên, phát nguyên từ nguồn Lỗ Đông, cách thành phố 12 km về phía tây. Chợ tập trung nhiều nguồn hàng nông lâm thổ sản phong phú. Tại bến chợ, năm 1908, thực dân Pháp đã xử chém Ông Ích Đường ở tuổi 18, người lãnh đạo phong trào chống thuế cự sưu ở huyện Hòa Vang.

Thủy Bồ
Làng
thuộc tổng Định An, phủ Điện Bàn, nay là một thôn của xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Vào sáng 21/11/1967, tại đây xảy ra cuộc càn quét của đơn vị lính Nam Triều Tiên thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh, bắn giết 145 người, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em.

Thủy Sơn
Núi
nằm ở phía bắc cụm Ngũ Hành Sơn, bên phía Đông đường bộ từ Đà Nẵng vào Hội An. Thủy Sơn có 3 ngọn ở ba tầng được ví với ngôi sao (Tam Thai), ngọn cao nhất 106m, diện tích 15ha. Có nhiều hang động như Hóa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham, Lăng Hư, Vân Thông, Thiên Long,..

Thủy Tú
Làng
nằm bên tả ngạn cửa sông Cu Đê vào đầu thế kỷ 20, thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Trong kháng chiến, đây là bàn đạp của cán bộ cách mạng thâm nhập vào thành phố Đà Nẵng.

Thủy Tú
Cầu
dài 327m, bắc qua sông Cu Đê, nằm trên đường xuyên Việt, dưới chân đèo Hải Vân. Ở đầu cầu phía Bắc có tấm bia ghi lại những chiến công của bộ đội ta trong 2 cuộc kháng chiến.

Thượng Đức
Quận
được thành lập theo Nghị định số 74/NV của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 2/3/1959, đổi tên từ quận Hiên Giằng. Quận lỵ đặt tại Hà Tân, nằm ở ngã ba sông Vu Gia và sông Con.

Thượng Đức
Chi khu
quân sự gồm một cụm cứ điểm kiên cố nằm trên thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cạnh quốc lộ 14B, nơi ngã ba sông Con giáp với sông Vu Gia, cách Đà Nẵng 45km về phía Tây Nam, được quân Mỹ và Bộ tư lệnh quân đội Sài Gòn coi như là “cánh cửa thép” bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng.
Vào 8h sáng 7/8/1974, căn cứ Thượng Đức bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn.

Tiên
Sông
dài 40 km, chảy theo hướng Đông Tây, qua các xã Tiên Lộc, Tiên Kỳ, Tiên Châu, Tiên Hà của huyện Tiên Phước. Sông có độ dốc lớn, nước chảy xiết vào mùa mưa, việc đi lại trên sông hạn chế.

Tiên Kỳ
Thị trấn
thuộc huyện Tiên Phước, Quảng Nam, thành lập theo Quyết định của HĐBT số 79.

Tiên Phước
Huyện
thành lập năm 1920, trên cơ sở một số xã phía tây của phủ Tam Kỳ, được sát nhập với các xã vùng thấp của huyện Trà My. Huyện Tiên Phước có 4 tổng, 86 xã.

Tiên Sa
Cảng
nằm trong vịnh Đà Nẵng về phía đông, kín gió nhờ núi Sơn Trà và Hải Vân chắn ở hướng đông bắc. Cảng có độ nước sâu 11m, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 33000DWT và các loại tàu thuyền chuyên dùng.
Tiên Sa
Núi
, tên gọi khác của núi Sơn Trà, thuộc quận Sơn Trà. Bản đồ của Pháp đều ghi là núi Tiên Sa. Theo truyền thuyết, cảnh đẹp của núi thu hút các vị tiên từ thượng giới sà xuống đây để đánh cờ, tắm biển và chiêm ngưỡng cảnh trí thơ mộng của biển và núi nơi đây.

Tiểu áp
Cửa biển
, có tên là cửa Lở, cách cửa Đại Áp về phía nam 6km, thuộc huyện Núi Thành, Quảng Nam, nơi đổ nước ra biển của sông Tam Kỳ và sông Trường Giang.

Tourane
Thành phố
nhượng địa theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 14/5/1888 trên cơ sở 5 xã của huyện Hòa Vang, được cắt ra theo đạo dụ do vua Đồng Khánh ký ngày 3/10/1888.
Tổng cộng 19 xã, bao gồm phần đất cả bên hữu ngạn và tả ngạn sông Hàn, chiếm trọn bán đảo Sơn Trà.

Trà Kiệu
Làng
được thành lập từ thế kỷ 17, trên vùng đất chính vốn là kinh đô xưa của Vương quốc Chăm pa. Đến năm 1905, do dân số và diện tích phát triển, Trà Kiệu chi thành 5 xã: Trà Kiệu Thượng, Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Nam, Trà Kiệu Bắc, nay thuộc xã Duy Trung và Duy Sơn của huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.

Trà My
Suối
đổ ra sông Trường Giang, trong tiếng Xơ đăng nghĩa là Dh’my. Trên một khu đất rộng bên bờ suối này, người Kinh đến lập nghiệp, buôn bán với đồng bào dân tộc, dần trở thành cái chợ, gọi là chợ Trà My.

Trà My
Huyện
trực thuộc tỉnh Quảng Nam (1997) gồm thị trấn Trà My và 20 xã. Đến ngày 20/6/2003, theo Nghị định số 72/2003/NĐCP, Trà My được chia thành 2 huyện: Nam Trà My và Bắc Trà My.

Vĩnh Trinh
Đập
thủy lợi nằm trên địa bàn xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Nơi đây, đêm 22/1/1955, ngụy quyền huyện Duy Xuyên đã gây ra cuộc thảm sát 38 cán bộ cách mạng. Sau giải phóng, một tượng đài cao 10m và một tấm bia ghi tên những người bị sát hại được dựng tại đây.

Vũng Thùng
Vịnh
Đà Nẵng, nơi biển ăn sâu vào bên trong, ba bề là núi và đất liên bao bọc, chỉ có một cửa ngõ ra biển khơi giống như cái thùng chứa nước khổng lồ, dân gian quen gọi là Vũng Thùng.
Vũng Thùng là một vịnh biển rộng, nước sâu, kín gió, có thể chứa một lúc trăm chiếc tàu lớn neo đậu an toàn. Đổ nước vào vũng Thùng có sông Hàn( hợp lưu sông Vĩnh Điện và sông Cẩm Lệ) và sông Cu Đê ở phía Tây.
Ngày nay, vũng Thùng đã xây dựng một âu thuyền Thọ Quang tránh bão và một khu công nghiệp dịch vụ với các cơ sở phục vụ nghề cá, đóng sửa tàu thuyền, chế biến thủy hải sản xuất khẩu với một cảng nước sâu là cảng Tiên Sa.

Xuân Thiều
Bãi tắm
nằm trong vịnh Đà Nẵng, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Sau khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, nơi đây trở thành căn cứ liên hợp gồm doanh trại, sân bay trực thăng và bến cảng để phục vụ cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Lính Mỹ gọi Xuân Thiều là “Red Beach”, thực ra biển ở đây trong xanh, bãi cát trắng, sạch đẹp, còn đậm màu hoang sơ. 

Cổng TTĐT thành phố

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT
You do not have the roles required to access this portlet.