Hội An – Thanh Chiêm, cái nôi ra đời chữ Quốc ngữ
Trước đây, thời Pháp thuộc, nhằm mục đích đề cao công lao khai hóa của họ về mặt văn hóa đối với Việt Nam, nhiều học giả Pháp viết rằng việc phát minh chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latinh là công lao của người Pháp.

Trong một cuộc hội thảo khoa học ở Paris năm 1912, linh mục người Pháp là Léopold Cadière - một nhà nghiên cứu có uy tín về văn hóa Việt Nam - đã phát biểu: “Công lao phát minh ra chữ quốc ngữ chính là của người Pháp, Giám mục Alexandre de Rhodes”. Cách giải thích này không phải chỉ có L. Cadière, mà còn có nhiều học giả khác, và trở thành ý kiến “chính thống” trong sách giáo khoa thời Pháp thuộc.

Hơn một thế kỷ qua, do thiếu nhiều nguồn thông tin và không có đầy đủ các cứ liệu về ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng dễ đồng tình và có phần yên trí với kết luận trên khi trích dẫn nhận định này.
 
Thực ra quá trình hình thành chữ quốc ngữ, từ khi khởi thảo đến khi hoàn chỉnh là một quãng thời gian gần hai thế kỷ. Sự chế tác ra chữ Quốc ngữ là một công việc tập thể của nhiều linh mục Dòng Tên người Âu châu, trong đó ngoài A. De Rhodes, nổi bật lên vai trò của các giáo sĩ Bồ Đào Nha như: Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral và Antoniô Barbosa. Trong công việc này còn có sự cộng tác tích cực và hữu hiệu của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục người Âu) mà hầu hết cho đến nay chúng ta chưa biết gì về tên tuổi của họ.
 
Các giáo sĩ Dòng Tên đến truyền giáo đầu tiên ở Đàng Trong từ 1615 chủ yếu tại Đà Nẵng và Hội An. Tại Đà Nẵng, giáo sĩ Francisco Buzomi, người Italy và Diego Carvalho, người Bồ Đào Nha lập giáo xứ đầu tiên (18-1-1615). Đầu năm 1617, Tòa thánh La Mã cử thêm một giáo sĩ người Bồ Đào Nha là Francisco de Pina. Lúc này, tại Hội An đã có một số giáo hữu người Nhật đến tị nạn, và trong số đó có 3 linh mục Dòng Tên người Nhật Bản. Francisco de Pina vì biết tiếng Nhật, nên đã đến Hội An sống và giảng đạo cho số giáo hữu người Nhật sống tại đây. Vốn giỏi tiếng Nhật, Francisco de Pina đã miệt mài học tiếng Việt và trở thành giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch.
 
Cũng tại Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm, Francisco de Pina đã dạy tiếng Việt cho hai giáo sĩ mới được cử đến vào cuối năm 1624 là Alexandre de Rhodes, người Pháp và Antonio de Fonte, người Bồ Đào Nha. Trong thời gian hoạt động truyền giáo tại Hội An và Thanh Chiêm từ 1621 đến 1625, Francisco de Pina đã biên soạn tài liệu đầu tiên về Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt.
 
Cũng tại dinh trấn Thanh Chiêm, Francisco de Pina đã lập một trường dạy ngôn ngữ phương Tây đầu tiên ở nước ta, đào tạo những thông dịch tiếng Bồ Đào Nha để giúp cho các giáo sĩ trong việc giảng đạo và truyền đạo.
 

Trong một chuyến đi của ông từ Hội An trên một chiếc thuyền nhỏ ra thăm một tàu buôn Bồ Đào Nha bị mắc cạn ở ngoài cửa Đại, khi trở về thì bị một cơn sóng bất ngờ đánh úp. Do bị vướng trong chiếc áo choàng mùa đông nên ông bị chết đuối ngày 16-12-1625.

Góp phần Latinh hóa tiếng Việt còn phải kể đến cuốn Từ điển Annam – Bồ Đào Nha của giáo sĩ Gaspar do Amaral biên soạn vào khoảng năm 1631-1645 tại Ma Cao và cuốn Từ điển Bồ Đào Nha – Annam do giáo sĩ Bồ Đào Nha Antonio Barbosa soạn thảo vào khoảng những năm 1636-1645.
 
Linh mục Thanh Lãng, một trong ba người đã dịch quyển Từ điển Việt – Bồ – La (Annam – Lusitanium – Latinum), đã có nhận xét: “Việc phiên âm chữ Quốc ngữ được tiến hành trước khi Đắc Lộ (A. de Rhodes) đến Việt Nam. Sở dĩ Đắc Lộ về sau này được lịch sử nhắc nhở đến nhiều, có lẽ không phải vì ông đã có công kiện toàn chữ Quốc ngữ cho bằng đã để lại hai quyển sách được coi như tài liệu duy nhất về chữ Quốc ngữ”.
 
Chính nhà ngôn ngữ học Pháp Rolland Jacques, khi đề cập đến vấn đề này đã viết: “Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ không phải là một công trình của phòng thí nghiệm, mà có rất nhiều người dấn thân vào với một nhiệt tình nào đó trong hành động… mà nếu không có họ, thì mọi công trình ngôn ngữ học nghiêm túc sẽ không có được”.
 
Những sự việc cùng những luận cứ trích dẫn trên đây cho thấy sự sáng tạo và hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ là công của nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau và thuộc nhiều thế hệ nối tiếp nhau tạo nên, và địa điểm khai sinh ra chữ Quốc ngữ là từ đất Quảng Nam. Trong lời kết của ông Lý Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam ở bài viết “Mấy suy nghĩ bước đầu về vai trò của tiếng Quảng Nam trong việc hình thành chữ Quốc ngữ” một lần nữa đã xác nhận thực tế đó. “Nếu nhìn suốt cả quá trình chế tác và hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ gần hai thế kỷ, thì giai đoạn đầu tiên (sơ khởi, phôi thai) đã diễn ra ở Đàng Trong và chủ yếu là trên mảnh đất Quảng Nam với hai địa danh quan trọng là Hội An và Thanh Chiêm. Trong quá trình tiếp tục hình thành và phát triển và hoàn tất sau này của chữ Quốc ngữ, dấu ấn của tiếng Quảng Nam (về mặt phát âm và từ ngữ) cũng còn khá rõ trong Từ điển Việt – Bồ – La (1651) của A. de Rhodes, và ở đây đang rất cần có những nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn về diện mạo tiếng Việt nói chung và tiếng Quảng Nam nói riêng ở thế kỷ XVII, để từ đó có được một cái nhìn đầy đủ hơn, khoa học hơn về vai trò, vị trí của mảnh đất Quảng Nam đối với lịch sử chữ Quốc ngữ”.
 

Có một thực tế là dạng chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự Latinh có những ưu điểm hơn hẳn các dạng chữ viết đang có ở Việt Nam thời bấy giờ là chữ Nôm và chữ Nho, vừa dễ học, dễ sử dụng. Tuy nhiên, những người sáng tạo ra nó chủ yếu là nhằm mục đích truyền giáo, hơn là phổ cập rộng rãi trong sinh hoạt đời sống của đông đảo dân chúng, cho nên trong gần hai thế kỷ, chữ viết này chủ yếu lưu hành ở phạm vi bên trong bức tường các nhà chung.

Sau khi quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) chữ Quốc ngữ ban đầu được đưa vào dạy ở Trường Thông ngôn (Collège des Interprètes) tại Sài Gòn (1864), và năm sau được đưa vào dạy ở trường tiểu học cùng môn toán. Cũng trong năm này, tờ Gia Định báo được xuất bản (15-4-1865). Đây là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở nước ta.
 
Việc đưa chữ Quốc ngữ vào các trường học ở thời kỳ đầu gặp không ít khó khăn, do sự phản ứng của dân chúng xuất phát từ tinh thần căm ghét quân xâm lược. Người dân lúc bấy giờ, kể cả tầng lớp nho học, có quan niệm chữ Quốc ngữ là chữ của Tây, của Cố đạo, nên không muốn cho con cái mình đi học “cái chữ do trường Pháp đặt ra”, mặc dù trẻ con đi học được thưởng tiền và quà.
 
Việc buộc trẻ con đi học ở Nam Kỳ thời ấy được G. Taboulet ghi lại như sau: “Do đó, những lời kêu gọi đối với những chủ gia đình cho con em đi học được coi như là một cách bắt lính. Chủ làng đi bắt trẻ con đến lớp như người ta bắt thuế”(1).
Do lợi ích và sự tiện dụng trong đời sống, kể cả việc dễ học do chữ Quốc ngữ mang lại so với chữ Nôm, chữ Nho, những định kiến hẹp hòi, cố chấp nói trên được dần dần xóa bỏ từ những thập niên cuối thế kỷ XIX.
 
Ở Quảng Nam, những lãnh tụ phong trào Duy tân như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đã đề cao chữ Quốc ngữ, coi đây là phương tiện hiện đại và hữu hiệu nhất để “khai dân trí, chấn dân khí”.

(1) G. Taboulet, La geste française en Indochine, Paris, Audrien, 1955, tr. 600.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác