Trần Cao Vân, Thái Phiên và vụ mưu khởi nghĩa ở Huế (3-5-1916)
Cuộc họp toàn kỳ của Hội Việt Nam Quang phục tại Huế tháng 9-1915 đã ủy thác cho Trần Cao Vân và Thái Phiên liên lạc với vua Duy Tân (1900-1945) bàn về việc tổ chức khởi nghĩa. Trần Cao Vân đã viết thư gợi nỗi nhục mất nước và kích thích lòng yêu nước của nhà vua, sau đó ông và Thái Phiên bí mật hội kiến với vua Duy Tân, và được nhà vua đồng ý tham gia.

Với sự thúc giục của đội lính mộ ước hơn một ngàn người, trong đó có lực lượng cơ sở mạnh, lúc bấy giờ đang tập trung tại Huế vì gần đến ngày sang Pháp, vua Duy Tân đã quyết định chọn đêm mồng 1 tháng 4 năm Bính Thìn (3-5-1916) phát lệnh khởi nghĩa.

Kế hoạch khởi nghĩa đã được truyền đạt đi các nơi, chỉ còn chờ giờ hành động. Nhưng điều không may, sự việc bị bại lộ khởi đi từ tỉnh Quảng Ngãi.
 
Tên công sứ Quảng Ngãi mật điện cho Tòa khâm sứ Huế, và một kế hoạch phản khởi nghĩa được gấp rút chuẩn bị, trong khi những người chủ mưu không hề hay biết.
 
Đêm mồng 2 tháng 4, vào khoảng mười một giờ, vua Duy Tân cải trang cùng với hai người hộ vệ là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu ra khỏi hoàng thành, đến bến Thương Bạc, nơi có thuyền chờ sẵn của hai ông Trần Cao Vân, Thái Phiên đến rước.
 

Chưa kịp xuống thuyền, nhà vua gặp Phán Trứ (Trần Quang Trứ), nhân viên của tòa công sứ Thừa Thiên và cũng là cơ sở của hội hoạt động trong cơ lính bảo hộ. Phán Trứ toan làm phản, đã vội vàng xuống đò qua sông, thẳng đến Tòa khâm sứ phi báo sự việc vừa xảy ra.

Trong khi đó thì ở khắp các trại lính ở Huế đều bị lệnh cấm ra vào, vũ khí bị tước sạch đưa vào kho khóa lại. Vì vậy, đến giờ phát lệnh, không còn tiếng súng báo hiệu, và tất nhiên lửa báo hiệu cho Quảng Nam, Quảng Ngãi ở trên đỉnh đèo Hải Vân cũng không có nốt. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt từ trong trứng nước.
 

Tại kinh thành Huế, bọn thực dân ban lệnh săn lùng qui mô để tìm bắt vua Duy Tân. Cuối cùng, chúng đã lần theo vết tích, phát hiện được nhà vua cùng 2 người tùy tùng và cả hai nhà lãnh đạo Trần Cao Vân, Thái Phiên ở trong một ngôi chùa bên núi Ngũ Phong. Nhà vua bị điệu về giữ ở đồn Mang Cá, còn các ông Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu thì bị tống giam ngay ở lao Thừa Phủ.

Trước tòa án Nam triều, Trần Cao Vân và Thái Phiên đã khẳng khái tự nhận mọi công việc đều do hai ông thủ xướng: Trần Cao Vân với chức danh quân sư và Thái Phiên làm phó quân sư.
 
Ngày 17-5-1916, chính phủ bảo hộ và Bộ Hình của Nam triều đã đưa các ông Trần Cao Vân, Thái Phiên cùng 2 người tùy tùng của nhà vua là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu ra chém ở pháp trường An Hòa. Còn vua Duy Tân thì đến mùa hè năm Bính Thìn bị đưa vào Vũng Tàu, để sau đó đày sang châu Phi. Thực dân Pháp đưa Khải Định, con vua bù nhìn Đồng Khánh, lên thay.
 
Nhiều yếu nhân trong cuộc mưu khởi nghĩa này đã bị bắt, bị giết, gần hai trăm người khác bị kết án khổ sai đày đi Côn Đảo, Lao Bảo, Thái Nguyên và bị tịch biên gia sản.
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác