Đà Nẵng –Thừa Thiên Huế  nâng tầm quan hệ hợp tác, tạo dựng một không gian kinh tế chung
Đăng ngày 12-04-2018 16:13, Lượt xem: 778

Chiều ngày 12-4, tại thành phố Huế,  Ban Thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã có buổi làm việc nhằm thảo luận một số nội dung liên kết hợp tác giữa hai đia phương. Tại buổi làm việc lãnh đạo  hai bên cũng đã  ký kết biên bản hợp tác mở ra một chương mới cho sự phát triển trên nhiều lĩnh vực Kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, đặc biệt  với tư cách là 2 địa phương “mắt xích” quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Quang cảnh buổi làm việc của lãnh đạo Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế

Quan điểm phát triển mỗi thành quả đều là của “chúng ta”

Thời gian qua, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mối quan hệ gắn kết trên nhiều lĩnh vực. Điển hình như việc hợp tác du lịch thông qua Chương trình liên kết du lịch 03 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế  sau hơn 10 năm triển đã mang lại hiệu quả tốt với thuận lợi về khai thác vị trí địa lý của 03 địa phương và sự hỗ trợ của Dự án EU. Các lực lượng chức năng của Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, phối hợp quản lý chặt chẽ các hoạt động ở khu vực giáp ranh, không để xảy ra tình hình phức tạp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch của hai địa phương.  Trong lĩnh vực văn hóa giáo dục hai địa phương cũng phối hợp tạo điều kiện để giải quyết những vấn đề chung. Đặc biệt, hai bên đã phối hợp để cùng thống nhất đề xuất Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch công nhận Hải Vân quan là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia, để từ đó cùng nhau bảo vệ tôn tạo. Đây có thể coi là hình mẫu về quan hệ gắn bó giữa hai địa phương liền kề trong khu vực.

Tuy vậy, lãnh đạo hai địa phương cũng nhận thấy với tư cách là những mắt xích quan trọng trong Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung, hai địa phương chưa có những hoạt động phối hợp đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa,thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cả khu vực. Trong xu thế  mới với những điều kiện hạ tầng thuận lợi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng hay Quảng Nam không còn là những địa phương đơn lẻ nữa mà đã trở thành một không gian kinh tế chung; các hoạt động, sản phẩm du lịch, dịch vụ, sản xuất… sẽ là “của chúng ta” chứ không còn là của riêng ai; những thành quả cũng nên được xem xét như là thành quả chung của sự hợp tác phát triển liên vùng. Đây là quan điểm về hợp tác phát triển, hướng đến tương lai chung mà Bí  thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh tại buổi làm việc. Quan điểm này đã được lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc hai địa phương bày tỏ sự nhất trí cao.

Trên quan điểm hợp tác chung, ý kiến của các sở ngành 2 địa phương đã cùng nhau thảo luận, đề xuất những vấn đề nhằm phát huy thế mạnh của từng đơn vị  nhưng hướng đến sự phát triển chung của hai tỉnh thành động lực của khu vực. Phó Chủ tịch UBND thành phố  Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn nêu vấn đề về khai thác tuyến cao tốc Đà Nẵng –Quảng Ngãi, La Sơn-Túy Loan; vấn đề xây dựng cảng Liên Chiểu thay thế cảng Tiên Sa ; các tuyến đường hàng không nước ngoài đến và đi tại sân bay Đà Nẵng, Phú Bài … nhằm chia sẻ việc khai thác những lợi ích chung từ việc đầu tư hạ tầng giao thông liên vùng.  Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng nêu lên đề xuất việc đầu tư khu Logistic chung giữa Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) để sẵn sàng cho việc  mở cửa cả khu vực ASEAN; trao đổi hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực theo thế mạnh của 2 địa phương để từ đó bổ sung cho các khu vực sản xuất, dịch vụ chung… Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đề nghị lãnh đạo hai địa phương cùng thống nhất đề xuất Chính phủ xem xét có cơ chế đặc thù về phát triển du lịch chung cho cả 3 tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh TTH cho rằng nên đề nghị Chính phủ có quy định phân công rõ hơn về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển các tỉnh miền Trung ….

Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và bí thư Thành ủy Đà Nẵng ký kết biên bản hợp tác 

Cùng nhau tạo dựng một không gian phát triển mạnh và bền vững

Tại  buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng  và Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai địa phương. Biên bản đã khẳng định nhiều chủ trương quan trọng cùng những hoạt động cụ thể nâng tầm mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, tạo dựng một không gian phát triển mạnh và bền vững

Cụ thể về quy hoạch không gian đô thị và kết nối hạ tầng giao thông, hai địa phương sẽ phối hợp trong việc lập, tổ chức thực hiện và quản lý các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung, kết nối không gian đô thị; quy hoạch giao thông các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, sân bay, cảng và phối hợp thực hiện các nội dung điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của 2 địa phương đảm bảo thống nhất, phù hợp với định hướng phát triển chung của Vùng. Trước mắt quan tâm kết nối với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và với thành phố Huế về lâu dài. Phối hợp xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ để kết nối giao thông, phát triển kinh tế, du lịch, phát huy tối đa tiềm năng của 2 địa phương.

Về kinh tế, hai bên phối hợp khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đẩy mạnh, kết nối các chương trình xúc tiến thương mại của hai địa phương như: Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm, giao thương nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; hợp tác phát triển thương mại trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây; phối hợp tổ chức các chức hội chợ triển lãm nhằm thu hút nhiều đơn vị tại các địa phương tham gia như: Hội chợ khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hội chợ Quốc tế Thương mại - Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây v.v..

Ban Thường vụ hai tỉnh thành chụp ảnh lưu niệm

 Tiếp tục phối hợp thực hiện Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch gắn kết giữa hai địa phương (theo Chương trình liên kết du lịch 03 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế) và triển khai thông qua Kế hoạch định kỳ hàng năm; trong đó nâng tầm quy mô của liên kết để tạo sức mạnh trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, tăng cường hiệu quả tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và trong nước, tổ chức các sự kiện quốc tế lớn tại các địa phương, phối hợp thu hút đầu tư du lịch. Triển khai xây dựng Kế hoạch hoạt động liên kết 04 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế và Hà Nội.

Giới thiệu và chuyển giao các ứng dụng chính quyền điện tử đã triển khai thành công tại thành phố Đà Nẵng; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng về phát triển và quản lý về: hạ tầng Công nghệ thông tin - Truyền thông, Chính quyền điện tử, Công viên phần mềm Đà Nẵng; xây dựng thành phố thông minh; phát triển công nghiệp CNTT v.v..;

 Về sản xuất công nghiệp, thủy sản - nông – lâm :Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên trao đổi, giao lưu, hợp tác, khảo sát và nghiên cứu thị trường để tăng cường các hoạt động thương mại, hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn mỗi địa phương;

 Về hợp tác xúc tiến đầu tư và đầu tư , hai bên nhất trí  hợp tác trong kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghiệp thông tin tập trung và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nhất là các nhà đầu tư chiến lược lớn của nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Về văn hóa, hợp tác triển khai các nội dung tại Biên bản ghi nhớ về phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; Tăng cường phối hợp trong các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, thể thao và lễ hội; hợp tác nghiên cứu xuất bản một số ấn phẩm về các nhân vật lịch sử, tư liệu lịch sử của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế và các đề tài khoa học liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa 02 địa phương. Nhân dịp này, thành phố Đà Nẵng trao 30 tỷ đồng để nhằm góp phần hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế trùng tu khu di tích lịch sử cố đô Huế.

Các lĩnh vực Giáo dục - đào tạo và đào tạo nghề, y tế , An sinh xã hội an, An ninh, quốc phòng cũng được lãnh đạo hai địa phương thống nhất tiếp tục quán triệt và phối hợp triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp trước đây, làm nền tảng quan trọng cho sự phát triển KT-XH

Đáng chú ý  là  trong quá trình xem xét, tiếp nhận các dự án đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào khu vực giáp ranh cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thẩm định, trong đó đặc biệt chú ý các yếu tố có thể ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng; ô nhiễm môi trường; tranh chấp, khiếu kiện…; không tiếp nhận các dự án đầu tư vào những khu vực chưa thống nhất quản lý.

Hai địa phương cũng sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức các sự kiện ngoại giao văn hoá; Tăng cường quan hệ phối hợp trong quản lý, trao đổi thông tin hoạt động của các cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Đà Nẵng có khu vực lãnh sự hoạt động tại Thừa Thiên - Huế.

Căn cứ nội dung Chương trình hợp tác, mỗi địa phương cử một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo việc hợp tác; chỉ đạo các sở, ngành liên quan của hai địa phương xây dựng các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ dài hạn và cụ thể từng năm để triển khai thực hiện; định kỳ hằng năm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Đà Nẵng họp đánh giá tình hình thực hiện Kết luận này và thống nhất kế hoạch cụ thể cho thời gian tiếp theo.

Lê Hoa 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.