Sao cho mỗi người nước ngoài đến Việt Nam phải biết và tuân thủ luật pháp Việt Nam
Đăng ngày 22-05-2018 07:45, Lượt xem: 595

Sáng ngày 22-5, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành đã chủ trì buổi làm việc của Đoàn thanh tra Bộ Công an với UBND thành phố và các sở ngành liên quan về dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại thành phố Đà Nẵng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh tham dự cuộc họp.

Từ ngày 22-3  đến ngày 17-4, đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Hữu Tiếp, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an làm trưởng đoàn đã  thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại thành phố Đà Nẵng. Đoàn đã làm việc với 6 đơn vị  có liên quan đến việc quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, lao động của người nước ngoài (Sở Ngoại vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, BQL Khu công nghiệp và chế xuất, BQL Khu Công nghệ cao , quận Sơn Trà, quận Cẩm Lệ).  

Quang cảnh buổi làm việc về kết quả thanh tra công tác quản lý xuất nhập cảnh

Là một thành phố đóng vai trò trung tâm khu vực miền Trung, một thành phố đang trên đà phát triển mạnh về kinh tế, hoạt động đầu tư , du lịch, dịch vụ diễn ra sôi động, công tác quản lý đối với người  nước ngoài gặp không ít những khó khăn bất cập. Trong 3 năm qua, UBND thành phố đã  ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và phân cấp cho các địa phương, sở ngành liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý xuất nhập cảnh, cư trú , lao động của người nước ngoài. Đà Nẵng cũng là địa phương được đánh giá tốt về công tác quản lý khai báo tạm trú của người nước ngoài trên địa bàn đồng thời có nhiều giải pháp nhằm giải quyết một số tình hình phức tạp về lao động nước ngoài hoat động không đúng quy định, tăng cường công tác quản lý đối với khách du lịch. Thành phố đã ban hành 5 quy chế phối hợp liên ngành quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực có yêu tố nước ngoài  như quản lý cơ sở lưu trú du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch đường biển, lao động nước ngoài, sử dụng viện trợ phi chính phủ, hoạt động đối ngoại, hoạt động thông tin báo chí, hội nghị hội thảo quốc tế …Đa số các cơ quan, đơn vị địa phương đã thực hiện và duy trì đúng chế độ thống kê báo cáo theo quy định.

Theo báo cáo của Công an thành phố Đà Nẵng, trong 3 năm qua (từ 2015- 2018) số lượng người nước ngoài đến Đà Nẵng ngày càng đông, xuất hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật của người nước ngoài như tổ chức đánh bạc qua mạng, trộm cắp, cướp giật, vi phạm về xuất nhập cảnh… Công an thành phố đã xử lý 378 vụ/ 541 đối tượng người nước ngoài vi phạm,  trong đó chủ yếu vi phạm về nhập cảnh trái mục đích.

Kết luận của đoàn thanh tra Bộ Công an cũng chỉ ra một số hạn chế, nguyên nhân và yêu cầu khắc phục trong công tác quản lý đối với người nước ngoài. Thanh tra Bộ công an kiến nghị thành phố cần chỉ đạo để tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn triển khai thực hiện khai báo tạm trú qua mạng Internet theo quy định. Thủ tục đăng ký khai báo hiện nay đã được thực hiện đơn giản, dễ dàng đảm bảo lưu thông dữ liệu đến các cơ quan, các cấp có chức năng quản lý. Vì vậy cần có sự tuyên truyền đầy đủ để người dân, các cơ sở lưu trú và khách du lịch biết và thực hiện đúng.    

Đối với việc  quản lý đối với lao động nước ngoài, tại Đà Nẵng có tình trạng giấy phép lao động của người nước ngoài được cấp sau khi đã nhập cảnh. Điều này không đúng với quy định về quản lý lao động nước ngoài. Tuy vậy qua nhiều ý kiến đại diện Cục 72 Bộ Công an, Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Sở LĐTBXH thành phố thì đây là một vấn đề bất cập chung của Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác do sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công an và Bộ LĐTBXH. Cụ thể có rất nhiều trường hợp người lao động nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam  đến thử việc tại doanh nghiệp; sau thời gian thử việc, doanh nghiệp mới đồng ý tiếp nhận và ký hợp đồng lao động và được Sở LĐTBXH cấp giấy phép lao động. Nhưng quy định của pháp luật lại bắt buộc phải có giấy phép lao động trước khi nhập cảnh. Hoặc trường hợp lao động nước ngoài đến thực hiện một công việc kỹ thuật chuyên môn theo yêu cầu của doanh nghiệp trong thời gian rất ngắn nhưng cũng bị buộc lập  các thủ tục để cấp phép lao động như trường hợp làm việc lâu dài là chưa hợp lý.

Tại cuộc họp, các cơ quan của thành phố Đà Nẵng cũng nêu lên một số vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú của người nước ngoài. Cụ thể  như Luật Đầu tư quy định, người nước ngoài nếu góp vốn từ 50 triệu đồng thì được ưu đãi tạm trú, cư trú dài hạn. Mức góp vốn quy định như trên là quá thấp, dễ bị người nước ngoài lợi dụng lách luật đến tạm trú với  mục đích trái phép. Chế tài xử lý đối với các cơ sở lưu trú không khai báo hiện nay cũng quá thấp, chưa đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo  

Đà Nẵng là một thành phố có sức hấp dẫn lớn đối với nhà  đầu tư và du lịch. Công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn sẽ ngày càng phức tạp, khó khăn hơn. Thành phố cần quan tâm chủ động thực hiện tốt công tác quản lý thông qua việc ban hành các quy định cụ thể phòng ngừa và đấu tranh với những hiện tượng vi phạm pháp luật. Việc phân cấp, ủy quyền phải được quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người nước ngoài phải được tăng cường nhiều hơn sao cho mỗi người nước ngoài khi đặt chân đến Việt Nam phải biết và tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành tại buổi làm việc. Thứ trưởng cũng đồng thời yêu cầu các cơ quan bộ, ngành nắm bắt những vấn đề còn vướng mắc bất cập, nhất là các quy định chồng chéo trong pháp luật để có kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung. Đây cũng là những việc làm thiết thực hỗ trợ cho hoạt động thu hút đầu tư, động viên được sự đóng góp của các chuyên gia, người lao động có tay nghề cao, khách du lịch đến với Việt Nam, tham gia trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước ta.              

LÊ HOA 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác