Hướng đến một thành phố xanh, hiện đại, thông minh
Đăng ngày 12-06-2018 08:14, Lượt xem: 439

Ngày 12-6, UBND thành phố tổ chức Hội thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mong muốn tranh thủ, phát huy nguồn lực trí tuệ từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân qua những ý kiến, ý tưởng sáng tạo, có giá trị thực tiễn, những giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo ra động lực mới, thúc đẩy thành phố Đà Nẵng phát triển. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ; TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung; Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Trần Văn Sơn đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Xây dựng thành phố xanh, hiện đại - thông minh

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, dự án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố tập trung vào các mục tiêu: rà soát, điều chỉnh để bổ sung các chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực, cũng như tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020 phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI; xây dựng một số định hướng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tạo động lực cho thành phố phát triển, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động vốn để đầu tư xây dựng, thúc đẩy thành phố phát triển bền vững theo định hướng quy hoạch đề ra.

Theo đó, báo cáo định hướng quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bước đầu đề xuất tầm nhìn cho thành phố là phấn đấu trở thành thành phố xanh, hiện đại - thông minh, mang tính toàn cầu và có bản sắc. Cụ thể, khái niệm thành phố xanh bao gồm cả môi trường xanh, sản xuất xanh và lối sống xanh; thành phố hiện đại - thông minh là thành phố có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ chế quản lý hiện đại, ứng dụng các công nghệ hiện đại trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0; thành phố toàn cầu là thành phố có khả năng và sức hút kết nối toàn cầu; thành phố có bản sắc riêng đáng sống và đáng nhớ. Báo cáo cũng đề ra quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng phải phù hợp với định hướng phát triển của đất nước, của toàn vùng; đảm bảo Đà Nẵng thực sự là trung tâm kinh tế lớn và là một cực tăng trưởng mạnh của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển xã hội, hình thành lối sống đẹp và đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Để hướng đến mục tiêu đó, báo cáo định hướng Chiến lược bảo tồn và phát triển không gian đô thị thành phố Đà Nẵng đã chỉ ra 8 định hướng chiến lược mà đô thị Đà Nẵng cần, bao gồm: phát triển vai trò lãnh đạo của Đà Nẵng – đô thị hạt nhân trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển – sông – núi cho Đà Nẵng; phát triển Đà Nẵng theo hướng bền vững, với quy hoạch xanh và kiến trúc xanh; phát triển Đà Nẵng thành đô thị văn minh, hiện đại, đại biểu cho phát triển đô thị Việt trong thế kỷ 21; phát triển Đà Nẵng thành đô thị đáng sống (livable city) hàng đầu tầm quốc gia và quốc tế; phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị thông minh (smart city); phát triển Đà Nẵng trở thành Đô thị toàn cầu (global city); phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo.

Theo TS. Trần Du Lịch, với mục tiêu hướng tới một đô thị xanh, văn minh, hiện đại, khắc phục được những tồn tại trong quá trình phát triển tự phát của các đô thị Việt Nam hiện nay thì việc điều chỉnh quy hoạch Đà Nẵng là hết sức cần thiết, không chỉ để bố trí lại không gian đô thị, mà còn mở rộng liên kết với bên ngoài, tăng cường hiệu quả của liên kết vùng.

Đề xuất các chính sách, giải pháp

Có 3 nhóm chính sách và giải pháp chủ yếu được nêu trong báo cáo định hướng quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhóm thứ nhất tập trung vào các chính sách và cơ chế thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế theo định hướng quy hoạch; theo đó, sẽ rà soát lại tất cả các quy định hiện hành, xây dựng chính sách đồng bộ tạo động lực thu hút đầu tư kinh doanh nhằm tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ đối với các lĩnh vực Đà Nẵng có lợi thế cạnh tranh với 5 trụ cột kinh tế chính: dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, bao gồm việc quy hoạch và đầu tư xây dựng Vịnh Đà Nẵng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao, gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, ngư nghiệp.

Nhóm thứ hai tập trung vào 6 nội dung kiến nghị với Trung ương về các chính sách và cơ chế tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Đà Nẵng, gồm: xác định vị trí, vai trò của Đà Nẵng trong liên kết phát triển Vùng, xây dựng đô thị Đà Nẵng và vùng phụ cận; chính sách khuyến khích nhằm thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị sáng tạo (innovation city) gắn với Khu công nghệ cao theo hướng Đà Nẵng trở thành một trung tâm sáng tạo, đi đầu trong việc vận dụng cách mạng công nghiệp 4.0; kiến nghị Chính phủ thành lập “Ban quản lý khai thác cụm Cảng biển Đà Nẵng”; cho phép Đà Nẵng xây dựng quy hoạch và chính sách thu hút đầu tư xây dựng và khai thác Vịnh Đà Nẵng nhằm nâng cao giá trị và tầm vóc của thành phố; thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng địa phương; xin làm thí điểm một số nội dung phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa Trung ương và thành phố Đà Nẵng để xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Nhóm thứ 3 tập trung vào các phương án tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch như phương án quy hoạch không gian đô thị Đà Nẵng với các vùng phụ cận, phương án quy hoạch phát triển du lịch; phương án quy hoạch hạ tầng giao thông và hệ thống giao thông công cộng...

Trên tinh thần trao đổi khách quan, thẳng thắn, các đại biểu tham dự hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp tâm huyết, thiết thực cho định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng. Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, việc Đà Nẵng xác định tập trung thu hút đầu tư với 5 trụ cột kinh tế chính là hơi ôm đồm, dàn trải, cần xem xét tập trung vào 1 đến 2 trụ cột chính, thực sự đem đến bước phát triển đột phá. Chẳng hạn như với trụ cột phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, ngư nghiệp, cần xem xét đến yếu tố Đà Nẵng có đủ không gian để phát triển mạnh về nông nghiệp hay không, có cần thiết xem đây là lĩnh vực đầu tư then chốt, đặt ngang tầm với 4 trụ cột còn lại hay không.

Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng

Nêu ý kiến về mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2030 (9-11%/năm), TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, Đà Nẵng cần có tầm nhìn tham vọng hơn, tăng trưởng GDP phải đặt mục tiêu đạt 14-16%/năm; đồng thời, cần nhấn mạnh yếu tố năng động – sáng tạo nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng có tính cạnh tranh toàn cầu. Năng động – sáng tạo ở đây là dựa vào tín hiệu của thị trường và sự năng động – sáng tạo của chính quyền địa phương. Rất đồng tình với ý kiến của TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng cho rằng, cần xem xét lại các chỉ tiêu phát triển kinh tế trong định hướng quy hoạch để có sự bứt phá hơn nữa, bởi Đà Nẵng đóng vai trò đầu tàu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cần đề ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực. Bên cạnh đó, theo ông Lê Trí Thanh, quy hoạch chưa chỉ ra được tính liên vùng, tính kết nối của Đà Nẵng với khu vực. Ví dụ như, sẽ khả thi hơn nếu trong liên kết vùng Đà Nẵng tập trung phát triển thành phố du lịch, tỉnh Quảng Nam, với hạ tầng nghề cá đủ quy mô, sẽ phát triển thủy sản.

Tham gia ý kiến tại hội thảo, ông Doughlas Foo, Chủ tịch Liên đoàn Sản xuất Singapore, nhận định, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao, yếu tố quan trọng nhất khi thành phố xây dựng bất kỳ chương trình phát triển nào. Về quy hoạch phát triển không gian, ông Doughlas Foo đề xuất khái niệm xây dựng thành phố trong vườn, tận dụng những lợi thế tuyệt vời sẵn có của Đà Nẵng về sông, núi, biển để xây dựng một đô thị xanh, sạch.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời đề nghị nhóm tư vấn ghi nhận, tiếp thu các đề xuất, giải pháp làm cơ sở tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh quy hoạch, trong đó lưu ý tập trung làm rõ tầm nhìn, quan điểm và mục tiêu phát triển, lựa chọn phương án tăng trưởng mang tính đột phá cho thành phố đến năm 2030, thể hiện khát vọng, mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, sự kỳ vọng của bạn bè trong nước và quốc tế.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác