Thực hiện nghiêm các quy trình, thủ tục hoạt động đầu tư công
Đăng ngày 11-07-2018 01:23, Lượt xem: 293

Chiều 10-7, Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, tiến hành phiên thảo luận nhóm vấn đề giám sát chuyên đề của HĐND thành phố và nhóm các vấn đề thuộc chủ trương chung; trong đó, các ý kiến thảo luận của đại biểu tập trung vào một số vấn đề nổi bật như hoạt động đầu tư công, các dự án ven biển, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch không gian xây dựng…

Phiên thảo luận Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND thành phố về hoạt động đầu tư công trên địa bàn thành phố, bà Phan Thị Thúy Linh cho biết, từ năm 2003 đến 2017, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên toàn thành phố là 68.258 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm 12%, trong đó: nguồn ngân sách tập trung là 10.990 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm 15%; nguồn tiền sử dụng đất 35.733 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm 10,8%; nguồn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 4.323 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm 17%; nguồn vốn nước ngoài (ODA) đạt 5.310 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm 29%. Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng thu ngân sách thành phố là 42%; tỷ lệ vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) so với tổng chi ngân sách là 40%. Như vậy, sau 15 năm, nguồn vốn đầu tư XDCB tăng gấp 5,5 lần, tổng số dự án được phê duyệt khoảng 2.500 dự án; chi XDCB từ nguồn thu tiền sử dụng đất gần 52% tổng nguồn vốn XDCB của thành phố.

Về kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, thời gian qua, thành phố đã kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (chủ yếu theo hình thức BT, BOT, BLT) có sử dụng vốn ngân sách thành phố với 14 dự án, tổng mức đầu tư 2.527 tỷ đồng; đang thực hiện công tác chuẩn bị và xúc tiến đầu tư đối với 21 công trình, tổng vốn đầu tư khoảng 39.510 tỷ đồng. Hiện thành phố đang tiến hành phân cấp, giao nhiệm vụ các đơn vị liên quan, làm khung pháp lý cho việc triển khai thủ tục đầu tư dự án ppp trên địa bàn thành phố, đồng thời rà soát, tìm kiếm các dự án kết cấu hạ tầng có tiềm năng thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thông qua hình thức ppp nhằm tranh thủ huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển thành phố. Bên cạnh đó “Chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm” là một trong những chủ trương nổi bật và thành công của thành phố trong việc phát huy nguồn lực trong nhân dân và đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, sẵn sàng, tự nguyện đóng góp một phần đất để thực hiện chỉnh trang đô thị. Ở khu vực nông thôn chủ trương này được vận dụng linh hoạt bằng sự tham gia đóng góp ngày công lao động của người dân để bê tông hoá và nhựa hoá các tuyến giao thông nông thôn góp phần phát triển kinh tế và thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn.

Thảo luận về tình hình hoạt động đầu tư công trên địa bàn thành phố, đại biểu Trần Đình Hồng cho rằng, công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản đối với các dự án đầu tư công còn chậm, hiện chỉ đạt 17% so với kế hoạch, trong đó giải ngân cho công tác giải tỏa đền bù chỉ đạt hơn 5%, điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, đặc biệt là các dự án bố trí tái định cư cho nhân dân, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của thành phố. Theo đại biểu Trần Đình Hồng, hiện nay, công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư, đặc biệt là thu hồi đất sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bức xúc kéo dài; qua nhiều kỳ họp của HĐND nội dung này đã được đề cập nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cùng quan điểm về tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn chậm, đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung cho rằng, việc thanh quyết toán vốn đầu tư cho nhiều công trình vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, ngay cả đối với những công trình đã đưa vào sử dụng nhiều năm. Đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung đề nghị xem xét giao chỉ tiêu cụ thể về đấu thầu công khai qua mạng; xem xét điều chỉnh Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách thành phố cho ngân sách các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020 theo hướng phân cấp cao hơn nhằm phân quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các quận, huyện.

Theo đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết, trong 15 năm qua, công tác đầu tư công trên địa bàn thành phố đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều dự án đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần vào sự phát triển của thành phố như hệ thống cầu qua sông Hàn; nút giao thông Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Ngã ba Huế; các trục đường Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp… Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động đầu tư công vẫn còn nổi lên nhiều hạn chế, bất cập như việc nhiều dự án, công trình chưa đánh giá đúng về sự cần thiết, không điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng, dẫn đến không hiệu quả khi đưa vào khai thác, ví dụ như công trình Bệnh viện Y học cổ truyền, dự án sân tập golf tại Công viên Thanh Niên, Nhà biểu diễn đa năng. Đặc biệt, chất lượng của một số dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách không đảm bảo, xuống cấp nhanh, nhất là đối với các khu chung cư, nhà ở xã hội, các công trình bệnh viện, trường học công lập. Đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị, cần có sự minh bạch trong công tác đầu tư công ngay từ khâu lập dự án, thiết kế thi công để mọi cử tri, người dân có thể giám sát được; cùng với đó, cần có quy định về chế độ bảo hành công trình nhằm gắn trách nhiệm nhà thầu với các bên liên quan; đồng thời, cần phân cấp mạnh cho quận, huyện làm chủ đầu tư đối với những dự án nhỏ và vừa, nhằm phát huy vai trò giám sát cộng đồng của địa phương.

Đại biểu Tô Văn Hùng nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Nêu ý kiến về việc xác định tầm nhìn trong quy hoạch thành phố, đại biểu Tô Văn Hùng cho rằng, Đà Nẵng dù gặt hái nhiều thành tựu vượt bậc trong quy hoạch đô thị, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do thực tiễn phát triển đặt ra, quy hoạch chung phê duyệt năm 2013 chưa đạt được tầm nhìn cần thiết, nên việc phát triển đô thị phần nào thiếu định hướng rõ ràng, không có chương trình và lộ trình cụ thể. “Đã đến lúc chúng ta cần hoạch định cho tương lai thành phố một tầm nhìn xứng tầm, nhưng cũng không quá viễn vong để có thể hiện thực hóa bằng các chương trình và giải pháp cụ thể”, đại biểu Tô Văn Hùng nói. Theo đại biểu, với tầm nhìn trở thành thành phố môi trường thì cấp thiết phải bổ sung ngay quỹ đất dành cho cây xanh, sớm khắc phục ô nhiễm sông hồ và các bãi tắm công cộng. Muốn trở thành thành phố đáng sống thì phải có đủ nước sinh hoạt cho người dân, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại các khu dân cư do xả thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp, do hoạt động du lịch, ô nhiễm từ bãi chôn lấp rác thải. Muốn thành trung tâm logistic thì phải tổ chức tốt hoạt động vận tải, không thể mãi duy trì kiểu giao thông hỗn hợp trên các trục vận tải chính, đặc biệt, phải sớm chấm dứt tình trạng xe ôtô đỗ tràn lan, chiếm dụng lòng đường, thu hẹp phạm vi lưu thông.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, Chủ tọa kỳ họp,  đánh giá cao các ý kiến thảo luận của đại biểu đã tập trung nghiên cứu kỹ, đi vào nội dung vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phân tích, đánh giá, bổ sung thêm các khía cạnh khác nhau của mặt được, mặt còn tồn tại, hạn chế, và đề xuất nhiều giải pháp. Chủ tọa kỳ họp tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu, đồng thời đề nghị UBND thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy trình, thủ tục đối với hoạt động đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật, nhất là luật đầu tư công năm 2014; tiếp tục kiến nghị Trung ương những bất cập, chồng chéo do một số quy định pháp luật hiện hành chưa thống nhất gây khó khăn quá trình triển khai hoạt động đầu tư công; nghiên cứu vận dụng linh hoạt các quy trình nhằm rút ngắn thủ tục, thời gian đảm bảo hiệu quả cao nhất sử dụng nguồn vốn ngân sách trong đầu tư, xây dựng; đặc biệt, lưu ý không bố trí kế hoạch vốn đối với các dự án không đảm bảo thủ tục, trừ một số dự án cấp bách, bất khả kháng, xử lý dứt điểm các dự án, công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán, tất toán kéo dài nhiều năm.

Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị đẩy mạnh phân cấp vốn và thủ tục đầu tư cho các quận, huyện; tăng cường quản lý chất lượng công trình, dự án từ khâu lập báo cáo, thiết kế, thi công, giám sát đến nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng và bảo trì. Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, cần xác định rõ trách nhiệm từng khâu để xử lý nghiêm khi xảy ra chậm trễ, sai phạm; đồng thời, công khai đơn vị điều hành, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn có sai phạm, xem xét không cho tham gia đấu thầu, điều hành dự án; tăng cường tổ chức đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai minh bạch, chất lượng, hiệu quả hoạt động đầu tư công. Đối với các dự án ven biển, Chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng, mở lối xuống biển và trả lại không gian công cộng trên bãi biển cho người dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ tại thông báo số 331; trong năm 2018, hoàn thành 2 lối xuống biển tại khu vực Quần thể du lịch quốc tế Ariyana và cuối đường Hồ Xuân Hương.

Về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch không gian xây dựng, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố tiếp thu các ý kiến phát biểu, tập trung chỉ đạo hoàn tất các thủ tục phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 tầm nhìn 2030, làm cơ sở thực hiện Quy hoạch Đà Nẵng và quy hoạch chung đến năm 2030 tầm nhìn 2045 theo Luật Quy hoạch 2017, trên tinh thần đánh giá đúng tiềm năng, tiềm lực, định hướng phát triển, đảm bảo tuân thủ tầm nhìn quy hoạch trong suốt quá trình thực thi.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.