Xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động xây dựng
Đăng ngày 12-07-2018 03:20, Lượt xem: 395

Chiều ngày 11-7, Kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố bước vào phiên chất vấn. Theo Chủ tọa kỳ họp, có 35 ý kiến chất vấn của 25 đại biểu về 32 vấn đề. Phiên chất vấn này trả lời ý kiến chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực đô thị do Giám đốc các Sở Xây dựng và Sở Giao thông - Vận tải trả lời và nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường do Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường trả lời.

Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Vũ Quang Hùng trả lời chất vấn

Trong nhóm quản lý đô thị có 13 đại biểu chất vấn về 17 nội dung, vấn đề. Giám đốc Sở Xây dựng trả lời các chất vấn về việc giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt; cấp nước sạch các khu dân cư mới; bố trí đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng; cống thoát nước đường vành đai phía nam. Liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, các đại biểu thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc cấp giấy phép quy hoạch các lô đất ở để xây dựng khách sạn; chủ trương tạm dừng cấp phép nhà cao tầng ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư; nguyên nhân vì sao đã có quy hoạch ngành nhưng khi triển khai thực tế thì lại thiếu đất; về quỹ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị hiện nay; xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2018. Các đại biểu cũng chất vấn về việc xử lý các dự án ven biển, nhất là việc mở các lối xuống biển.

Trả lời vấn đề đầu tư xây dựng, mở rộng nâng cấp các nhà máy nước, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thành phố đã nỗ lực thực hiện, tăng đáng kể lượng nước cung cấp, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, với sự phát triển nóng của thành phố cùng với sự biến đổi khí hậu, thay đổi nguồn cung cấp nước thì khó có thể nói trước khả năng đảm bảo cung cấp nước sạch đầy đủ trong tương lai. Đối với một số nơi như khu vực quy hoạch nhà ga đường sắt mới tại Hòa Minh, từ 400 hộ dân ban đầu, chỉ qua một vài năm gần đây đã nhanh chóng tăng lên 2000 hộ, hầu hết xây dựng trái phép. Việc này lại gây lên những áp lực lớn về điều kiện sinh hoạt cho chính quyền như cung cấp điện, nước, hạ tầng giao thông, thoát nước … Thời gian qua, thực hiện chỉ thị của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND thành phố, Sở xây dựng phối hợp cùng các quận huyện tích cực kiểm tra xử lý hoạt động xây dựng nên tình trạng xây dựng trái phép, không phép, sai phép đã được chấn chỉnh một bước tích cực. Quan điểm của thành phố là xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; các trường hợp như dự án Mường Thanh, The Song … đều bị buộc tháo gỡ.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Lê Văn Trung trả lời chất vấn của các đại biểu về hiệu quả đầu tư xây dựng các nút giao thông khác mức trên địa bàn thành phố và 02 nút phía Tây Cầu Rồng và Cầu Trần Thị Lý sắp triển khai; về quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh, chậm triển khai vị trí các bãi đậu đỗ xe; về dự án quy hoạch và di dời Ga đường sắt. Các đại biểu cũng thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực giao thông công cộng khi đặt câu hỏi chất vấn về tiến độ, lộ trình và giải pháp triển khai Đề án “Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố”. Đồng thời, việc chậm tiến độ các các tuyến đường như DH2 (từ Hòa Nhơn đi Hòa Sơn),  Phạm Như Xương … gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, cũng đã được các đại biểu nêu chất vấn yêu cầu nêu rõ thời gian hoàn thành cụ thể.

Trả lời các chất vấn về quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, các giám đốc Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải cũng thừa nhận những mặt hạn chế chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Việc cho phép dồn đất xây dựng nhà cao tầng, không bố trí chỗ đậu xe; tình trạng ùn tắc giao thông; thiếu bãi đỗ xe, tổ chức giao thông tại một số khu vực chưa hợp lý … cũng chính là vấn đề  bức xúc khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn. Về khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cùng với giải trình của Giám đốc Sở Giao thông, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đã kêu gọi người dân thành phố tham gia sử dụng tuyến xe buýt công cộng. “Tuyến xe buýt của thành phố không thua kém nước ngoài, sạch sẽ, an toàn, sẽ ngày càng tiện dụng hơn, mọi người nên tăng cường đi xe buýt và nên học người ta tăng cường đi bộ để vừa giúp rèn luyện thân thể, vừa góp phần xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp.” Chủ tịch HĐND nhấn mạnh.

Đại biểu  Lê Thanh Hải đặt câu hỏi tại phiên chất vấn

Đối với nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Quang Nam đã trả lời chất vấn của 13 đại biểu về các nội dung như: tình trạng ô nhiễm môi trường tại dự án Bãi rác Khánh Sơn; tình hình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn của thành phố; tình trạng thu gom, vận chuyển rác thải chậm gây tồn đọng rác thải tại các địa bàn dân cư; về sửa đổi Quyết định 39 của UBND thành phố về việc sửa đổi bổ sung một số điều quy định về bảo vệ môi trường; về ô nhiễm môi trường, thay đổi địa hình sau khi khai thác khoáng sản; công tác đền bù cho các hộ dân có đất nông nghiệp không sản xuất được trên địa bàn huyện Hòa Vang; việc chậm bố trí đất cho các hộ dân thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đặc biệt, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn về một số vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thời gian vừa qua như nguyên nhân người dân tắm biển bị ngứa và giải pháp xử lý nếu do nước thải từ các công trình gây ra; ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu gây bức xúc trong thời gian dài; việc xử lý đối với hai nhà máy thép Dana - Úc, Dana – Ý.

Về tình trạng ô nhiễm môi trường tại dự án Bãi rác Khánh Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn nhìn nhận, quá trình vận hành không đúng quy định, công nghệ lạc hậu, cùng sự xuống cấp của các hạng mục trong dự án này là những nguyên nhân chính gây mùi hôi và nước rỉ rác. Để giải quyết tình trạng quá tải bãi rác Khánh Sơn cho đến lúc hoàn thành thi công Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn dự kiến vào năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố, mở rộng thêm 5 ha tại bãi rác làm hầm chôn lấp thứ 6 nhằm nâng công suất xử lý rác thải. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, Sở đã trình UBND thành phố sửa đổi Quyết định 39, trong đó tập trung vào việc phân cấp mạnh mẽ hơn cho quận/huyện trong công tác quản lý tài nguyên – môi trường và sửa đổi quy định về một số danh mục cấp phép đầu tư dự án trong khu dân cư theo hướng đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường, vệ sinh.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về tình trạng nước biển, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian qua, Sở luôn tiến hành quan trắc định kỳ các chỉ số an toàn nước biển, kết quả quan trắc thời gian gần nhất là từ ngày 4 đến 7-7-2018 tại 6 vị trí có bãi tắm như Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Sao biển, Non nước… các chỉ số an toàn nước đều đạt tiêu chuẩn. Sở cũng đã gửi mẫu quan trắc cho Viện hải dương học phân tích, kết quả cho thấy hiện nay vẫn chưa tìm thấy chất gây dị ứng trên da trong nước biển. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thực tế hiện nay trong nước biển có xuất hiện sao biển và sứa lửa, đây có thể là nguyên nhân chính gây ngứa trên da, vì vậy Sở đã đề nghị Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khuyến cáo người dân về việc này.

Liên quan đến việc xử lý hai nhà máy thép Dana - Úc, Dana – Ý, Giám đốc Lê Quang Nam cho biết, chủ trương của thành phố là đóng cửa hai nhà máy này, đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện giám sát hoạt động của hai nhà máy trong thời gian trước khi dừng hoạt động. Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan phải vào cuộc ngay, làm nhanh, thực hiện đúng chủ trương, lộ trình thành phố đã đề ra nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề.

Đối với những nội dung đại biểu đặt câu hỏi đã được thảo luận tại các phiên làm việc trước như: vấn đề thu gom, vận chuyển rác thải; vấn đề khai thác khoáng sản, đền bù đất nông nghiệp; công tác giải phóng mặt bằng; về quản lý đất đai trên địa bàn thành phố và việc thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ… Chủ tọa kỳ họp đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời đại biểu bằng văn bản theo quy định.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tọa kỳ họp nhận định, hai nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực đô thị và tài nguyên – môi trường là những nhóm vấn đề “nóng”, được cử tri thành phố đặc biệt quan tâm, là nhóm vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân. Các đại biểu HĐND thành phố đã đặt câu hỏi thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm với cử tri; đồng thời, giải trình của lãnh đạo ngành cũng đi vào trọng tâm câu hỏi, nêu lên được những giải pháp cụ thể, có cam kết thực hiện. Chủ tịch HĐND thành phố nhìn nhận, “Đà Nẵng đang phải đối mặt với những bất cập trong quy hoạch, trách nhiệm của chúng ta là phải khắc phục và khắc phục nhanh, khắc phục sớm để có một đô thị phát triển bền vững và hiện đại”.

Chủ tọa kỳ họp đề nghị, cần nghiêm túc chấn chỉnh lại công tác lập quy hoạch chung, quy hoạch ngành, đảm bảo quy hoạch gắn với kế hoạch triển khai theo đúng quy hoạch; đồng thời, sớm rà soát, bổ sung quỹ đất cho giáo dục, cho giao thông, cây xanh; sớm triển khai lập thiết kế đô thị, ban hành quy chế quản lý kiến trúc các khu vực trung tâm, khu vực có nhu cầu xây dựng nhà cao tầng để làm cơ sở cấp phép xây dựng. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động xây dựng và kiên quyết không để xảy ra tình trạng phạt cho tồn tại đối với các trường hợp vi phạm pháp luật, kiên quyết không nghiệm thu, đưa vào sử dụng các công trình trái phép. Chủ tọa kỳ họp cũng đề nghị Chủ tịch UBND thành phố sớm chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện đề án thành phố môi trường, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm, những vấn đề bất cập, tồn tại trước mắt cũng như lâu dài nhằm xây dựng các giải pháp thực sự hiệu quả để hướng đến một thành phố môi trường như mục tiêu đã đề ra.

LÊ HOA - NGÔ HUYỀN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác