Khơi nguồn tư duy sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong giáo dục STEM
Đăng ngày 18-07-2018 01:16, Lượt xem: 288

Trong khuôn khổ dự án “Khơi nguồn tư duy sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong giáo dục STEM”, ngày 17-7, Hội đồng Anh, Đại học Aston và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh tổ chức hội thảo chuyên đề “Phát triển giáo dục STEM và khời nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh THPT”. Tham dự có các chuyên gia giáo dục STEM của trường Đại học Aston (Vương quốc Anh) cùng đại diện 80 tổ chức giáo dục đổi mới sáng tạo, các giáo viên trường THPT và giảng viên Đại học trên địa bàn thành phố.

Các chuyên gia Đại học Aston (Vương quốc Anh) cùng đại diện tổ chức giáo dục chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy STEM và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tại hội thảo, các thầy cô giáo, những nhà hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cùng các chuyên gia đầu ngành về STEM và khởi nghiệp tại Việt Nam và Vương quốc Anh đã trao đổi các vấn đề ảnh hưởng đến trẻ em, những người trẻ tuổi khi theo học STEM, tầm quan trọng của đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường phổ thông, kinh nghiệm và phương pháp triển khai giảng dạy. STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Theo TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương – Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng theo cách tiếp cận liên môn. Trong khoảng hai thập niên gần đây, Giáo dục STEM đã trở nên phổ biến trên thế giới.

 Các sản phẩm khoa học công nghệ do các sinh viên tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh thực hiện

Theo ông Lê Huy Hoàng, Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đây là phương pháp hướng tới mục tiêu nâng cao hứng thú học tập của người học, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn, kết nối trường học và cộng đồng; kết nối trường học và cộng đồng; định hướng hành động, trải nghiệm trong học tập; hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất người học... Học sinh được trang bị kỹ năng sản xuất ra đối tượng và hiểu được quy trình để làm ra nó. Ngoài ra học sinh còn có khả năng nhận ra nhu cầu và phản ứng của xã hội trong những vấn đề liên quan đến kỹ thuật.

Giáo dục STEM không hướng đến mục tiêu đào tạo để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư hay những kỹ thuật viên mà chủ yếu là trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay. TS. Geoff Parkes – Đại học Aston (Vương quốc Anh) cho rằng, giáo dục STEM và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần được chú trọng trong trường học vì lĩnh vực này sẽ trang bị cho các "nhà lãnh đạo tương lai" những kỹ năng và công cụ cần thiết, giúp họ biến sự phát triển tiềm năng thành thành công thực tế, từ đó đem đến những lợi ích cho chính bản thân họ, cho những người lao động khác và cho tổng thể nền kinh tế quốc gia.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.