Phát triển du lịch bền vững, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện
Đăng ngày 13-08-2018 07:39, Lượt xem: 249

Ngày 11-8, tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng kêu gọi các hiệp hội du lịch, cộng đồng doanh nghiệp lưu trú, lữ hành trên địa bàn chung tay cùng với thành phố phát triển du lịch bền vững, đảm bảo môi trường du lịch an toàn và thân thiện cho du khách và du lịch; hướng đến một Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn đẳng cấp về môi trường du lịch, lưu trú, hướng dẫn viên và sản phẩm du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch

Theo báo cáo của Sở Du lịch, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượt đến khách tham quan du lịch đến thành phố ước đạt 4 triệu lượt, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, lượng khách Hàn Quốc ước đạt hơn 800.000 lượt, tăng 101% so với cùng kỳ 2017, chiếm tỷ lệ 50% khách quốc tế đến Đà Nẵng; lượng khách Trung Quốc ước đạt 368.086 lượt, tăng 36% so với cùng 2017, chiếm tỷ lệ 23% khách quốc tế đến Đà Nẵng. Tổng thu du lịch ước đạt gần 14 ngàn tỷ đồng, tăng 52,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết​, việc gia tăng lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc đã đóng góp tích cực trong việc giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập, quảng bá hình ảnh thành phố, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, hiện thành phố đang thất thu rất nhiều về thuế vì tour “0 đồng”. Tình trạng tour giá rẻ chủ yếu phụ thuộc vào chi tiêu mua sắm từ du khách để thu lợi nhuận bù lại cho giá rẻ và có sự thỏa thuận ngầm giữa doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên và cơ sở mua sắm. Một số cơ sở bán hàng giao dịch bằng ngoại tệ trái phép; thanh toán qua máy chấp nhận thanh toán thẻ của ngân hàng nước ngoài (POS) hoặc ứng dụng thanh toán điện tử trên thiết bị di động (Wechatpay…) không xuất hóa đơn tài chính dẫn đến thất thu thuế nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm, Sở Du lịch đã phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành hơn 120 lượt kiểm tra, xử phạt 2 tổ chức vi phạm trong hoạt động kinh doanh lữ hành với số tiền 17,5 triệu đồng; phát hiện 23 người nước ngoài (20 người Trung Quốc, 3 người Hàn Quốc) có hoạt động điều hành, hướng dẫn khách du lịch người nước ngoài trái phép; đã xử phạt vi phạm hành chính 20 người với tổng mức phạt là 322,5 triệu đồng, hủy thị thực buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam và đưa vào diện chưa cho nhập cảnh 11 trường hợp. Tổ phản ứng nhanh đã phối hợp các ngành chức năng tiếp nhận hơn 60 cuộc gọi phản ánh từ công dân và du khách, trong đó có 16 nội dung phản ánh liên quan đến hoạt động du lịch và khách du lịch; chuyển thông tin cho Thanh tra Sở kiểm tra và xử phạt 17,5 triệu đồng đối với người nước ngoài vi phạm hoạt động hướng dẫn du lịch.

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết thêm, để ngăn chặn tình trạng người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép trên địa bàn thành phố, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành khai thác khách Trung Quốc, Hàn Quốc tuân thủ quy định pháp luật, sử dụng hướng dẫn viên đủ điều kiện hành nghề, quản lý chặt chẽ đoàn khách, quán triệt đối tác nước ngoài tuân thủ pháp luật. Đồng thời, tổ chức gặp mặt Chi hội hướng dẫn viên, Câu lạc bộ khai thác khách Trung Quốc, Hàn Quốc; xây dựng bài thuyết minh du lịch Đà Nẵng dịch sang các ngôn ngữ Trung Quốc, Hàn Quốc để phổ biến cho các công ty lữ hành, hướng dẫn viên nhằm tránh tuyên truyền sai lệch về văn hóa, lịch sử... góp phần đảm bảo giữ gìn môi trường du lịch thành phố.

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp, hướng dẫn viên trên địa bàn đã đề nghị thành phố cần triển khai lắp đặt camera giám sát trên tất cả các xe vận chuyển khách du lịch và một số địa điểm để minh bạch trong quản lý du lịch; phối hợp trích xuất hình ảnh qua hệ thống camera quan sát để tiến hành xử lý các hành vi đeo bám, chèo kéo du khách. Theo các đơn vị lữ hành, thành phố cần đầu tư cảng Sông Hàn, Sông Thu thành cảng du lịch; hình thành đội tàu du lịch chất lượng cao trên tuyến sông Hàn – cửa biển – bán đảo Sơn Trà, tuyến sông Hàn đi Hòn Chảo, tuyến sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn, tuyến Cẩm Lệ  - Túy Loan – Thái Lai... và mở rộng khai thác tuyến vịnh Đà Nẵng, Bán đảo Sơn Trà, các sản phẩm du lịch khác biệt nhằm phục vụ nhu cầu của du khách như tour du lịch sông biển, tour du lịch văn hóa, làng rau La Hường. Đồng thời, thành phố cần xây dựng một số cầu vượt hoặc hầm đi bộ trên đường Võ Nguyên Giáp và Trường Sa để đảm bảo an toàn cho du khách qua đường, xây dựng các bãi đỗ xe công cộng, triển khai thu phí đậu đỗ xe...

Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố đề nghị cần tăng cường giải pháp đảm bảo an ninh an toàn môi trường du lịch 

Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố kiến nghị, hiện mật độ giao thông tập trung đông trên các tuyến đường tại quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, đặc biệt là tuyến đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp đang gây nguy hiểm cho du khách qua đường. Cùng với đó, tình trạng xả thải ra biển gây ô nhiễm đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh điểm đến du lịch biển Đà Nẵng. Theo ông Vinh, trong thời gian tới, Đà Nẵng cần phải xúc tiến phát triển đến những thị trường khách du lịch đẳng cấp, hướng về chất lượng chứ không phụ thuộc lượng du khách, phụ thuộc vào các thị trường tour giá rẻ. "Đã đến lúc Đà Nẵng phải nghĩ đến thu hút lượng khách chất lượng, chứ không chạy theo số lượng" - Ông Vinh kiến nghị.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đơn vị tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị Hiệp hội Du lịch, Hội Lữ hành khách sạn, Chi hội Hướng dẫn viên du lịch tăng cường phối hợp với Sở Du lịch trong việc triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, hình thành chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch. Đặc biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn, tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng thực hành trong phạm vi nghề cho các đơn vị lữ hành, lưu trú; hợp tác với các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm quản lý điều hành.

Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Công Thương, Cục Thuế, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Đà Nẵng thực hiện kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm du lịch về niêm yết giá, xuất xứ hàng hóa, giao dịch ngoại tệ và thực hiện nghĩa vụ về thuế, sử dụng hóa đơn tài chính. Các đơn vị tăng cường quản lý và kiểm soát hoạt động giao dịch ngoại hối, thanh toán bằng máy POS hoặc các ứng dụng thanh toán trên thiết bị di động tại các cơ sở mua sắm. Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Du lịch tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành vào mùa cao điểm, chú trọng kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc, Hàn Quốc trong việc thực hiện các hợp đồng tour với đối tác, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp lắp đặt camera trên xe vận chuyển để tăng cường đảm bảo an ninh an toàn cho du khách và giám sát người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép trên xe vận chuyển; phổ biến các quy định pháp luật về kinh doanh du lịch, xúc tiến mở rộng thị trường khách từ Tây Âu, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nga.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác