Bài toán nguồn nhân lực Công nghệ thông tin: Hợp lực để tìm giải pháp
Đăng ngày 16-08-2018 20:59, Lượt xem: 262

Ngày 16-8, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố tổ chức buổi gặp mặt với các doanh nghiệp ngành TT&TT trên địa bàn dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các hiệp hội, trường đại học, cơ sở đào tạo ngành TT&TT của thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì buổi gặp mặt với các doanh nghiệp ngành TT&TT trên địa bàn thành phố

“Khát” nhân lực ngành Công nghệ thông tin

Một trong những vấn đề được thảo luận nhiều tại buổi gặp mặt là việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành CNTT. “Nguồn nhân lực ngành CNTT còn thiếu, nhưng cụ thể là thiếu trên lĩnh vực nào? Lắp ráp, thiết kế phần mềm hay trên lĩnh vực nào khác? Thuộc loại hình lao động phổ thông hay nguồn nhân lực chất lượng cao? Phải xác định cho được thì mới có thể định hướng cho các cơ sở đào tạo để cùng chung tay giải quyết bài toán này”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nêu vấn đề.

Một khó khăn khác của ngành công nghiệp CNTT thành phố cũng được Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đề cập, đó là hàm lượng tri thức cũng như giá trị gia tăng trong các sản phẩm CNTT xuất khẩu còn ít vì chủ yếu chỉ là lắp ráp; trong khi đó, xây dựng và sản xuất phần mềm còn thiếu, tiềm năng còn nhiều nhưng tốc độ phát triển chưa cao, đóng góp chưa nhiều vào GDP của thành phố.

Theo ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active tại Đà Nẵng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, không thể phủ nhận thực trạng hiện có nhiều doanh nghiệp gia công phần mềm hơn là doanh nghiệp khởi nghiệp hay sản xuất sản phẩm CNTT. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, thu hút các doanh nghiệp gia công phần mềm cho các công ty nước ngoài nên là bước đi ưu tiên vì ngoài đóng góp trực tiếp cho GDP của thành phố, các công ty này còn mang đến cơ hội việc làm với mức thu nhập cao cho nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng. Cùng với đóng thuế thu nhập, họ cũng sẵn sàng sử dụng các dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục ... qua đó cũng đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. “Cũng nên nhìn nhận ngành nghề này với góc độ như vậy để có những chính sách phù hợp hơn”, ông Hải nói.

Cần có cách làm mang tính đột phá

Để tăng cường nguồn cung tại chỗ về nhân lực cho ngành CNTT, ông Hải kiến nghị, cần tăng cường hướng nghiệp cho học sinh THPT cũng như phụ huynh ngay từ khi các em còn ở trên ghế nhà trường về việc CNTT hiện đang là ngành rất “hot” và có thu nhập cao tại Đà Nẵng để các em chọn đúng ngành nghề thành phố định hướng phát triển trong tương lai. Lý giải vấn đề này, ông Hải cho biết, các trường THPT trên địa bàn hiện thiếu những thông tin cụ thể và thống nhất về định hướng phát triển ngành CNTT từ phía thành phố cũng như các trường đại học.

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng Đặng Ngọc Hải: “Cần tăng cường hướng nghiệp ngành CNTT cho học sinh THPT ngay từ bậc học này”

Chia sẻ vấn đề này, đại diện FPT Software cho biết, đơn vị cũng phải đi rất nhiều tỉnh, thành khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi và cả Nghệ An để tuyển sinh thì mới có đủ số lượng đào tạo. Vị này cũng kiến nghị, nếu xác định CNTT-TT là ngành kinh tế mũi nhọn và mang tính đột phá, thành phố cũng phải có cách làm mang tính đột phá để phát triển nguồn nhân lực cho ngành này, và thời gian đào tạo cũng nên rút ngắn , cụ thể là đào tạo cơ bản trước, xong đi làm và sau đó tiếp tục học nâng cao những ứng dụng sâu hơn.

Đồng quan điểm, đại diện Trường Cao đẳng CNTT Việt – Hàn cho biết, hiện đa phần các doanh nghiệp cho rằng các cơ sở đào tạo không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng ở chiều ngược lại, sự hỗ trợ của doanh nghiệp cho nhà trường vẫn chưa được rõ nét lắm. “Gần 880 doanh nghiệp hoạt động thuộc lĩnh vực CNTT&TT là một con số lớn, nhưng khi thiết kế chương trình đào tạo, trường chúng tôi gần như không có thông tin cũng như số liệu thống kê về quy mô, lĩnh vực hoạt động, các yêu cầu liên quan đến kỹ năng của các doanh nghiệp này. Vì vậy, chúng tôi phải đến khảo sát tại các trường THPT là các em thích học cái gì thì chúng tôi sẽ thiết kế chương trình như thế, nhưng rõ ràng đầu ra của chúng tôi sẽ không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu tìm được tiếng nói chung giữa nhà trường và doanh nghiệp thì hiệu quả đào tạo sẽ rất tốt, và cũng góp phần một cách gián tiếp trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp của thành phố”, vị này nói.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT nhìn nhận, một số doanh nghiệp, đặc biệt trên lĩnh vực phần mềm hiện vẫn còn tư duy nhân lực theo kiểu “thợ hồ”, nghĩa là có đơn hàng mới tuyển người. Ông cho rằng, nếu không chuẩn bị đào tạo thì quá trình phát triển của doanh nghiệp sẽ chậm lại và đây cũng là điểm yếu của các doanh nghiệp chúng ta. Cũng theo ông Nguyễn Quang Thanh, việc điều tra, khảo sát cụ thể về nhu cầu nhân lực của ngành CNTT là hết sức cần thiết vì “chúng ta không biết mình đang ở đâu thì sẽ rất khó hoạch định được tương lai”. Song song với đó, ông đề nghị các doanh nghiệp cũng phải cởi mở và có sự phối hợp trong việc thực hiện báo cáo số liệu, để Sở TT&TT thành phố có cơ sở tham mưu cho UBND thành phố có những chính sách hỗ trợ phù hợp cho sự phát triển của chính các doanh nghiệp CNTT.

“Nhà trường – nhà nước – nhà doanh nghiệp” cùng phối hợp

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, việc triển khai đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực CNTT cần phải có sự phối hợp và cam kết trách nhiệm của 3 nhà “nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp”, cụ thể là doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò điều phối và khi doanh nghiệp có rủi ro thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng muốn làm được như vậy thì phải có điều tra, khảo sát cụ thể về nhu cầu nhân lực của ngành CNTT, và phải triển khai ngay từ bây giờ. 

Ông cũng cho rằng, với 880 doanh nghiệp có ngành nghề hoạt động chính thuộc lĩnh vực CNTT&TT, thế nhưng, vai trò kết nối của Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng là hết sức mờ nhạt, mới chỉ có 25/880 doanh nghiệp hiện là hội viên của Hiệp hội. “Sinh ra doanh nghiệp nhưng lại không nuôi dưỡng, hỗ trợ. Vậy ai sẽ đóng vai trò kết nối đối với 855 doanh nghiệp còn lại? Ai cũng nêu bức xúc, nhưng không bắt tay nhau làm thì sao có thể ra được kết quả”, ông đặt câu hỏi.

Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng phải đóng vai trò chủ động trong việc phát triển hội viên cũng như kết nối giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phần mềm và CNTT-TT với các cơ quan QLNN. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT và Sở LĐ-TB&XH thành phố trong việc điều tra, khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực của ngành CNTT, báo cáo kết quả về UBND thành phố trong tháng 9. Trên cơ sở đó, Sở TT&TT chủ trì, kết nối giữa 3 nhà “nhà trường – nhà nước – nhà doanh nghiệp” để thống nhất về chương trình đào tạo, việc sử dụng lao động sau đào tạo và xác định cho được lộ trình mỗi năm sẽ giải quyết được bao nhiêu nhân lực về CNTT.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng tổng hợp ý kiến của các đơn vị tại buổi gặp mặt

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, năm 2018 được Thành ủy và UBND thành phố lựa chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Vì vậy, các buổi đối thoại như buổi gặp mặt này là để lãnh đạo thành phố có dịp lắng nghe, trao đổi, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cũng như tiếp nhận những đề xuất, hiến kế của doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sự phát triển của ngành TT&TT thành phố. Ôngg cũng ghi nhận không khí cởi mở qua buổi gặp mặt này và khẳng định, các thông tin được đề xuất, kiến nghị sẽ được tập hợp và báo cáo lên lãnh đạo thành phố để xử lý, tiếp thu và đưa vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của ngành CNTT-TT thành phố từ đây đến cuối năm cũng như trong năm 2019, bới sự phát triển của ngành CNTT-TT đóng vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng để thành phố bước vào Cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng là động lực mang lại nguồn thu lớn cho thành phố.

6 tháng đầu năm, ước tính tổng doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố đạt 13.856 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 39 triệu USD, tăng 25%. Trong đó, doanh thu hoạt động CNTT đạt 9.321 tỷ đồng. Tính đến 31-8, Đà Nẵng có 3.126 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực TT&TT, chiếm 14% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố, trong đó có 880 doanh nghiệp có ngành nghề hoạt động chính thuộc lĩnh vực CNTT&TT, với vốn điều lệ là 7.055 tỷ đồng.  

QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác