Hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển sản xuất nông nghiệp
Đăng ngày 19-10-2018 02:05, Lượt xem: 216

Không nhất thiết quá phụ thuộc vào chuẩn xây dựng nông thôn mới của cả nước, thành phố Đà Nẵng cần có cách tiếp cận mới về phát triển nông thôn Hòa Vang cho phù hợp tổng thể phát triển chung của thành phố. Đây là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa tại buổi gặp mặt Hội viên nông dân tiêu biểu vào ngày 18-10.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi gặp mặt

Theo báo cáo, hiện nay, tổng số hội viên nông dân toàn thành phố là 45.420 người, với 42 cơ sở hội; trên địa bàn thành phố có 36 hợp tác xã nông nghiệp, 25 trang trại và hơn 100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp, trong đó, tập trung đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Toàn thành phố có 13.198 hộ sản xuất, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản, chiếm tỷ lệ 32,36%. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp gồm: 3.620 ha đất trồng lúa, 1.919 ha đất trồng cây hằng năm, 1.144 ha đất trồng cây lâu năm, 218 ha đất nông nghiệp khác. Giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015-2017 tăng bình quân 3,5-4%/năm; chiếm khoảng 1,6% trong cơ cấu GDP của thành phố.

15 hội viên nông dân tham dự buổi gặp mặt là những nông dân tiêu biểu trong nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp, tạo ra thu nhập cho bản thân và công ăn việc làm cho nhiều người, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao; nấm ăn, nấm dược liệu; trồng hoa cúc, hoa hướng dương; chăn nuôi gà đồi; trồng bưởi da xanh; sản xuất lúa hữu cơ; khai thác hải sản xa bờ; nuôi tôm nước lợ; vườn rừng; trồng hoa cây cảnh; trồng lan Mokara; trồng nấm linh chi; giống cây trồng; nuôi heo.

Tại buổi gặp mặt, Bí thư Trương Quang Nghĩa đã trực tiếp nghe từng hội viên báo cáo kết quả sản xuất thời gian qua, những khó khăn, bất cập trong quá trình hoạt động cũng như những kiến nghị, đề xuất đối với thành phố nhằm mở rộng, phát triển quy mô nuôi trồng, sản xuất. Ông Phan Hiền, nông dân xã Hòa Liên với nghề trồng hoa cây cảnh, cho biết, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Hòa Vang, các hội viên nông dân trong vùng tổ chức thành lập hợp tác xã (HTX) Hoa Cây cảnh Vân Dương, với 25 thành viên và phát triển lĩnh vực trồng hoa cây cảnh trên địa bàn, góp phần thực hiện chuyển đổi ngành nghề, tạo ra ngành nghề cho thu nhập khá cao, phù hợp với địa phương. Riêng năm 2017, các thành viên HTX đã đầu tư 2,5 tỷ đồng để sản xuất hoa các loại và cho thu nhập 3,5 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên có doanh thu từ 150- 250 triệu và lợi nhuận từ 75-120 triệu đồng. Hoạt động của Hợp tác xã đã giải quyết việc làm cho 70 lao động thường xuyên, 35-50 lao động thời vụ, thu nhập của mỗi lao động từ 6-7 triệu đồng/tháng. Để mở rộng phát triển sản xuất, ông Phan Hiền kiến nghị thành phố có cơ chế cấp đất cho HTX nhằm tạo cơ sở về pháp lý để HTX mạnh dạn đầu tư vào sản xuất quy mô lớn hơn; đồng thời, có cơ chế công nhận tài sản HTX hiện có để có cơ sở xin thế chấp vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn từ 3 - 5 năm và giao dịch với các công ty bảo hiểm để mua bảo hiểm cho HTX đề phòng rủi ro thiên tai (hiện nay HTX có tài sản hơn 2 tỷ nhưng không giao dịch được). Rất đồng tình với những đề xuất của ông Phan Hiền, Bí thư Trương Quang Nghĩa đề nghị các sở, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế chứng nhận đất sản xuất cho HTX Hoa Cây cảnh Vân Dương nói riêng, các tổ chức, hộ nông dân sản xuất nói chung, trên cở sở quy định của pháp luật, để người nông dân yên tâm đầu tư, sản xuất. Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, một số ngành nghề không phụ thuộc vào đất canh tác, có thu nhập tương đối, ổn định như nghề trồng hoa cây cảnh, trồng nấm ăn, nấm dược liệu rất phù hợp để chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết công ăn việc làm cho người nông dân hậu quá trình đô thị hóa, cần được thành phố quan tâm, đầu tư phát triển.

Chia sẻ về khó khăn của nghề khai thác hải sản xa bờ, ông Lê Văn Chiến cho biết, hiện nay, ngành đánh bắt xa bờ đang rất thiếu lực lượng lao động, ngư dân đánh bắt xa bờ không được hưởng chính sách ưu đãi mà gặp rất nhiều bất lợi trong việc cập bến, tiêu thụ hải sản tại cảng cá Thọ Quang. Về vấn đề này, Bí thư Trương Quang Nghĩa khẳng định, chính sách của Trung ương nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng không khuyến khích đánh bắt gần bờ, trong thời gian đến sẽ tập trung đẩy mạnh đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, Đà Nẵng là một trong 4 địa phương được Bộ Quốc phòng chọn để đầu tư đội đánh bắt xa bờ; vì vậy đội tàu cá xa bờ của thành phố có vai trò quan trọng, góp phần trong kinh tế và quốc phòng, sẽ được đầu tư phát triển với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Liên quan đến hoạt động của cảng cá Thọ Quang, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, “quan điểm của thành phố là không mở rộng cảng cá, đây không phải là bến tàu cho toàn miền Trung, cảng cá Thọ Quang được đầu tư để phục vụ ngư dân, ngư trường Đà Nẵng là trước hết”.

Rất ấn tượng với mô hình trồng lan Mokara của anh Lê Thành Trung, Bí thư Trương Quang Nghĩa cho rằng, đây chính là một trong những mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, có lợi nhuận cao, phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố, cần được khuyến khích nhân rộng. Bắt đầu sản xuất mô hình lan Mokara từ năm 2015 trên diện tích 2.000 m2 với 1.200 cây, đến nay, anh Trung đã trồng được 25.700 cây lan Mokara (bao gồm 6.000 cây ra hoa, số còn lại là cây trưởng thành và cây giống) trên diện tích 3.000m2; ngoài ra, còn đang mở rộng thêm quy mô một vườn nữa diện tích 4.500m2 với dự định trồng 35.000 cây trong giai đoạn từ năm 2018-2019. Năm 2017, doanh thu bán hoa đạt được gần 2 tỷ/ năm; bán được 10.700 cây giống với doanh thu đạt 1,2 tỷ/ năm. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn lại năm 2017 đạt được hơn 2 tỷ đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, doanh thu bán hoa đạt 1,1 tỷ và bán được 15.000 cây giống với doanh thu đạt được 1,7 tỷ; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn lại hơn 2 tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và lãnh đạo các sở, ngành chụp ảnh lưu niệm cùng 15 hội viên nông dân tiêu biểu

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Trương Quang Nghĩa biểu dương và đánh giá cao nỗ lực vượt lên khó khăn, tích cực lao động sản xuất, tạo ra thu nhập cao, ổn định cho bản thân thân, vươn lên làm giàu và tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác của các hội viên nông dân tiêu biểu. Theo Bí thư Thành ủy, để tiếp tục phát triển sản xuất, bên cạnh việc mở rộng quy mô, người nông dân cần tập trung chú trọng nâng cao chất lượng nhằm tạo uy tín, thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình. Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng đề nghị các hội viên có hướng suy nghĩ mới, tiếp cận nguồn vốn bằng cách kêu gọi đầu tư chứ không chỉ trông chờ vào các chế độ hỗ trợ, chính sách vay ưu đãi. Về phía thành phố, Bí thư Trương Quang Nghĩa đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương sớm xây dựng quy hoạch về các ngành sản xuất nông nghiệp của thành phố và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển phù hợp. Theo Bí thư, chỉ khi có quy hoạch, xác định các vùng sản xuất tập trung, thì sản xuất nông nghiệp mới phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo các yếu tố về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ.

Bí thư Trương Quang Nghĩa cho rằng, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp hiện nay chỉ mới đáp ứng được 20% nhu cầu tiêu thụ toàn thành phố là điều rất đáng tiếc. Trong thời gian đến, các ngành chức năng cần xây dựng các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp hơn, tốt hơn, mạnh mẽ hơn nhằm giúp người nông dân đẩy mạnh sản xuất, xác định thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ; đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về những sản phẩm sạch, chất lượng tốt do nông dân thành phố sản xuất để không chỉ người dân Đà Nẵng mà các tỉnh lân cận và cả nước biết đến.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác