Để Hoàng Sa trở thành điểm đến hành hương của lòng yêu nước
Đăng ngày 12-01-2019 07:57, Lượt xem: 463

Sáng ngày 12-1, UBND huyện Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) tổ chức cuộc Hội thảo khoa học nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay. Tại Hội thảo, các học giả, nhà nghiên cứu trong cả nước đã đưa ra nhiều tư liệu, bằng chứng lịch sử mới khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Quang cảnh Hội thảo 

Theo Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán –Nôm) cũng như nhiều nghiên cứu khác, ít nhất từ thời vua Gia Long, triều Nguyễn, năm 1803, đã có văn bản “sai cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngư cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi)  mộ dân đinh ngoại tịch lập độ Hoàng Sa”, là văn bản hành chính khẳng định sự chiếm hữu chính thức trên phương diện quốc gia cũng như những thực thi chủ quyền chính thức của triều Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa. Cùng với đó, Bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ” và nhiều bản đồ phương Tây, kết hợp với "Đại Nam toàn đồ" đều có chung một độ tụ sử liệu ghi nhận Hoàng Sa thuộc về sở hữu của nhà nước do hoàng đế Gia Long xác lập chủ quyền và tuyên bố sở hữu theo thông lệ quốc tế bằng một lá cờ do thủy quân nhà nước thực hiện và có cả những đồn bốt đóng trú tại đó để bỏ vệ ngư dân. 

Đặc biệt, tại Hội thảo, lần đầu tiên một tư liệu quý được công bố bởi các nhà nghiên cứu là tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường, TS. Trần Trọng Dương (viện nghiên cứu Hán Nôm) và Lê Văn Át (học viên Viện KHXH). Đó là tư liệu Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ mới được phát hiện tại Nhật Bản có ghi chép về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là một tư liệu giá trị về nhiều mặt góp phần khẳng định vị trí ngoài khơi xa của quần đảo Hoàng Sa, chứ không phải là một dải cát ven bờ. Việc kết hợp giữa đạo lý đồ và họa hình này đã cung cấp thêm nguồn tư liệu nghiên cứu và hoàn chỉnh hơn về địa danh Bai Cát Vàng trong bản đồ cổ Việt Nam. Các nguồn tư liệu từ Nhật Bản, phương Tây chính là các sử liệu có giá trị trong việc chứng minh chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa hợp pháp và liên tục.

Các nhà nghiên cứu trồng cây bàng vuông tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa

Có thể nói cho đến nay, những nghiên cứu và tư liệu về biển Đông nói chung và quần đảo Hoàng Sa nói riêng hết sức phong phú nhưng làm sao để những thông tin tư liệu về Hoàng Sa được tuyên truyền rộng rãi đến với công chúng, “để Hoàng Sa trở thành điểm đến hành hương của lòng yêu nước” là sự trăn trở  không chỉ riêng chính quyền, các học giả, các nhà khoa học, các nhà giáo dục …

Xác định việc tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa là sứ mệnh thiêng liêng của mỗi con người Việt Nam,Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố, đã nêu lên một số nội dung và giải pháp tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa cho học sinh, sinh viên “ không chỉ để biết mà chủ yếu là để khi trưởng thành có thể tự giác và tích cực đóng góp vào quá trình đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đang bị cưỡng chiếm trái phép bằng vũ lực và trong bối cảnh biển Đông dậy sóng hiện nay. Và ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng không phải chỉ biết cho có biết mà còn phải biết để hành động. Chẳng hạn biết để phản ứng khi nhìn thấy tấm bản đồ Tổ Quốc ở đâu đó, vô tình hay cố ý mà vẽ thiếu Hoàng Sa và Trường Sa…"

Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh đề xuất, ngoai việc tổ chức các tour du lịch tìm hiểu tại nhà trưng bày Hoàng Sa, tổ chức việc thuyết minh tự động bằng nhiều thứ tiếng, làm các sản phẩm lưu niệm cho khách, thì nên nghiên cứu việc đóng dấu “thị thực” cho khách khi đến với Nhà Trưng bày Hoàng Sa, như là đến với một phần lãnh thổ của Việt Nam.

Tìm hiểu, nghiên cứu về Hoàng Sa, về chủ quyền, quyền chủ quyền đối với biển đảo của Tổ Quốc là điều nên làm; các tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu hết sức phong phú và dễ tiếp cận; tuy nhiên, cũng cần cẩn thận  với các tài liệu, nhất là những tài liệu trên mạng hoặc nhiều tư liệu cá nhân chưa được kiểm chứng tính xác thực, hoặc không loại trừ những thông tin, tài liệu được tung ra với ý đồ xấu. Nâng cao chất lượng thông tin giáo dục phù hợp với từng đối tượng, cách thức công bố các tư liệu, tổ chức các chuyên đề  thông tin để mọi người dễ tiếp cận, nắm bắt chính xác hơn … là các vấn đề được các học giả thảo luận đầy trách nhiệm tại hội thảo. Thay mặt chủ trì Hội thảo, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ, đánh giá cao những đóng góp tại Hội thảo, đồng thời ông cũng đề xuất việc thành lập Viện nghiên cứu Hoàng Sa tại Đà Nẵng với chức năng là tổ chức việc sưu tầm, nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề về quần đảo này của Tổ Quốc.

Nhà trưng bày Hoàng Sa, đặt tại thành phố Đà Nẵng, mới được thành lập  hơn 9 tháng qua nhưng đã thu hút được trên 20.000 khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tìm hiểu, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên. Nhà Trưng bày mở cửa trong tất cả cac ngày thứ bảy và Chủ nhật và sẵn sàng phục vụ khách ngoài giờ. Tại đây không chỉ trưng bày, giới thiệu những tư liệu lịch sử về Hoàng Sa mà còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực như việc tổ chức hội thảo, thành lập câu lạc bộ Hoàng Sa cho các hội viên nhiều lứa tuổi …

LÊ HOA

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.