Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng
Đăng ngày 15-03-2019 14:27, Lượt xem: 166

Sáng 15-3, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học thành phố tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) triển khai nhân rộng các mô hình học tập theo quyết định 281/QĐ-TTg. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Qua 3 năm triển khai nhân rộng các mô hình học tập, phong trào học tập suốt đời đã tác động tích cực đến từng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trong việc chăm lo học tập của con em và cả người lớn. Ở cấp quận huyện, Phòng Giáo dục cùng với Hội Khuyến học quận huyện đã đưa phong trào học tập suốt đời kết hợp với công tác xóa mù, phổ cập giáo dục đồng bộ.

Nhờ đó, nhiều người đã cải thiện được đời sống, nhiều gia đình vượt qua tình trạng hộ nghèo và thoát nghèo bền vững nhờ học tập cả kiến thức văn hóa lẫn học nghề, nâng cao tay nghề. Các trung tâm văn hóa thể thao – học tập cộng đồng tại nhiều địa phương, đặc biệt trên địa bàn huyện Hòa Vang đã phối hợp với trung tâm dạy nghề mở các lớp nấu ăn, cắm hoa, chế biến thức ăn, tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm… Qua đó, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật cho người dân trong lao động sản xuát, khởi nghiệp sáng tạo.. Tiêu biểu là tấm gương chị Trịnh Thị Hồng (quận Liên Chiểu) bằng tình thần tự học đã có sáng kiến chuyển đổi rác thải hữu cơ thành nước rửa chén, nước lau sàn… thân thiện với môi trường, từ chối tiền bản quyền 5 tỷ đồng để khởi nghiệp, trở thành 1 trong 8 mô hình khởi nghiệp nổi bật nhất tại thành phố.

Người dân đã nhận thức được ý nghĩa, lợi ích của việc nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”; tuy nhiên, đối với một số bộ phận nhân dân lao động phổ thông, nhận thức vẫn còn hạn chế, nhất là đối với việc học tập suốt đời của người lớn. Việc thu thập minh chứng để đánh giá xếp loại các mô hình không phải lúc nào cũng dễ dàng, không phải ai cũng am hiểu và sẵn sàng cung cấp. Việc đánh giá kết quả học tập của người lớn trong tiêu chí “Gia đình học tập” có khó khăn, nhất là minh chứng cho việc tự học. Cùng với đó, các thiết chế văn hóa tại một số địa phương chưa phục vụ tốt cho học tập của người lớn.

Phó Chủ tịch trao bằng khen cho 28 tập thể bao gồm đơn vị, gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu trên địa bàn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đánh giá cao nỗ lực của các sở ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học thành phố và các địa phương trong việc triển khai nhân rộng mô hinh học tập suốt đời, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời theo quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với chăm lo học tập trong bộ phận thanh niên giới trẻ... người lớn trong gia đình cũng đã dần nhận thức được trách nhiệm thường xuyên học tập – một hành động không thể thiếu đối với xã hội biến đổi không ngừng về mọi mặt dưới tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh đề nghị trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh công tác truyền thông về sự cần thiết, tầm quan trọng và lợi ích của học tập suốt đời trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Hội Khuyến học các địa phương cần tiếp tục phối hợp với các ngành, trường học, Đại học Đà Nẵng tạo điều kiện cho người lớn học tập. UBMTTQ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành đoàn, Liên đoàn lao động tăng cường phối hợp đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trên đia bàn. Đặc biệt, các địa phương triển khai hợp nhất Trung tâm học tập cộng đồng với Trung tâm văn hóa thể thao thành Trung tâm văn hóa thể thao – học tập cộng đồng, tạo điều kiện để Trung tâm phát huy được chức năng phục vụ học tập cho người dân.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.