Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 - Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng: An toàn, văn minh
Đăng ngày 25-03-2019 10:05, Lượt xem: 883

Lễ hội Quán Thế Âm 19/2-Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng diễn ra trong 03 ngày 22, 23 và 24/3/2019 (nhằm ngày 17, 18 và 19/2 âm lịch năm Kỷ Hợi) đã chính thức khép lại trong niềm hoan hỉ của đông đảo đồng bào phật tử, du khách và người dân với trải nghiệm một mùa lễ hội trang trọng, an toàn, tiết kiệm và văn minh.

Hóa trang hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát tại Lễ hội Quán thế âm Ngũ Hành Sơn 2019

Điều điều đáng ghi nhận trong suốt ba ngày diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2019 vừa qua là mọi hoạt động của lễ hội diễn ra trong trật tự, văn minh. 

Chị Nguyễn Thị Thu Loan, trú quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Cũng như mọi năm chị rất ấn tượng khi đến với Lễ hội Quán Thế Âm 19/2, Ngũ Hành Sơn, một không khí Lễ hội trang nghiêm, an toàn. Không có cảnh chen lấn, tranh giành, mà mọi người, mọi giới chan hòa và cùng cầu nguyện cho quốc thái, dân an”. 

Còn với anh Dương Xuân Danh, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng: Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức đã giúp cho du khách như anh có một trải nghiệm thú vị về Lễ hội văn hóa tâm linh đặc sắc. Cảm giác du ngoạn an toàn, khiến du khách khi đến với Lễ hội dường như quên đi bao ưu tư, phiền muộn và lo lắng của cuộc sống đời thường để hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên, vui với những trò chơi văn hóa dân gian, những hoạt động đặc sắc của lễ hội. Để khi ra về, trong lòng mỗi người sẽ trở nên lắng dịu, thanh thản hơn qua những câu kinh tiếng kệ và khung cảnh huyền hoặc của khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Từ khi được Nhà nước xếp hạng vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước (năm 2000), Lễ hội Quán Thế Âm ngày càng thu hút đông đảo đồng bào theo đạo Phật đến chiêm ngưỡng, lễ bái và khách thập phương trẩy hội với hình thức du lịch tâm linh. Lượng khách đông đảo, kéo theo hàng quán ăn uống, giải khát, buôn bán quà lưu niệm... mọc dài theo tuyến đường Sư Vạn Hạnh kéo đến khuôn viên chùa Quán Thế Âm - nơi diễn ra các hoạt động chính của lễ hội.

Theo quan sát của chúng tôi, các hàng quán ăn uống, giải khát năm nay khá tươm tất, sạch sẽ, giá cả niêm yết rõ ràng. Dịch vụ buôn bán quà lưu niệm được bố trí sau vệt vỉa hè 9m trên đường Sư Vạn Hạnh. Ban tổ chức cũng thường xuyên phát trên loa phóng thanh nhắc nhở các hộ kinh doanh buôn bán cũng như người dân, du khách cùng chung tay giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bài trừ mê tín dị đoan và các tập tục lạc hậu, cùng hướng đến một lễ hội văn minh. Đặc biệt, Ban tổ chức Lễ hội bố trí các khu vực chứa rác với sự phân loại rõ ràng, từ nhựa, giấy, kim loại, thủy tinh. Bên cạnh đó, đội ngũ tình nguyện viên thường xuyên có mặt nhặt rác giúp nâng cao nhận thức của người dân và du khách trong việc chung tay thực hiện việc giữ gìn vệ sinh môi trường. 

Theo ông Nguyễn Hòa- Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng 2019, trong ba ngày qua, các tiểu ban: lễ tân - hậu cần, văn hóa - thể thao - du lịch và an ninh trật tự - vệ sinh môi trường - y tế thực hiện khá nghiêm ngặt các kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, bố trí các điểm chốt chặn, hướng dẫn xe lưu thông trên đường, không để ùn tắc giao thông... Thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các hàng quán ăn uống; tuần tra nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp bán hàng rong, ăn xin trá hình, nạn bán chim, cá phóng sinh, đốt vàng mã, các trường hợp lợi dụng lễ hội để thực hiện hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép, truyền bá ấn phẩm văn hóa ngoài luồng ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục Việt Nam... 

Theo ghi nhận, qua ba ngày diễn ra Lễ hội chưa có trường hợp vi phạm nào diễn ra. Đặc biệt là trong ngày 24/3 (nhằm 19/2 âm lịch) ngày diễn ra lễ chính thức lượng khách rất đông nhưng mọi người tham gia với tâm thế rất trang nghiêm, không có tình trạng chen lấn, tranh giành. Đối với các hộ dân đăng ký các địa điểm giữ xe, đã chấp hành đúng cam kết giữ xe theo đúng giá quy định của thành phố và có niêm yết giá rõ ràng. 

Anh Nguyễn Thủy, hộ giữ xe trên tuyến đường Lê Văn Hiến, chia sẻ: Qua vận động của chính quyền địa phương, anh đã thực hiện đúng việc niêm yết giá và giữ đúng giá niêm yết không gây phiền hà đến du khách. Đây chính là việc nên làm để góp phần xây dựng hình ảnh và con người Ngũ Hành Sơn thân thiện, mến khách.

Đây là năm thứ 3, Lễ hội được tổ chức theo hình thức xã hội hóa, nhờ làm tốt công tác quảng bá, vận động, quy mô lễ hội được mở rộng hơn với nhiều hoạt động tâm linh, văn hóa, văn nghệ, triển lãm, TDTT…Nổi bật, Lễ hội năm nay, sẽ công bố Kỷ lục Việt Nam đối với Tượng Ngọc Nephrite QTA tư thế ngồi lớn nhất Việt Nam; Chương trình giao lưu truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam- Hàn Quốc; chương trình tọa đàm khoa học chủ đề “Thư tịch cổ và văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn”; Chương trình Diễn thuyết của Tiến sĩ Bùi Hữu Dược- Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện; Trình diễn Nghi lễ Nabijum - Di sản văn hóa Phi vật thể của Hàn Quốc; Nghi lễ cầu siêu Âm siêu Dương thới, Thiền Võ Đạo, múa Phật giáo Hàn Quốc; Biểu diễn nghệ thuật dân gian, hội Hô hát bài chòi Khu V; Hội đua thuyền truyền thống; Dâng hương tại Miếu thờ Tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa; Lễ Tế Xuân cầu Quốc thái - Dân an...Đặc biệt, tại Lễ Vía Đức Bồ Tát QTA- Lễ chính thức sẽ gửi đến thông điệp về tình thương yêu, hướng lòng thành về Đức QTA, cầu nguyện cho đất nước luôn được hòa bình ấm no, nhân dân an lạc, hạnh phúc…

Ngoài ra, trong thời gian diễn ra Lễ hội, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo sẽ mở cửa tham quan. Đây là Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên được công nhận tại Việt Nam. Bảo tàng trưng bày hơn 500 hiện vật có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ khác nhau bao gồm nhiều bộ tượng Phật, tranh tượng, pháp khí đủ chất liệu như gỗ, đồng, đá, ngọc, gốm... Cùng với đó, Bảo tàng Đà Nẵng cũng tổ chức triển lãm  ảnh về Danh thắng Ngũ Hành Sơn và Cổ vật Chămpa.

Trong dịp Lễ hội, UBND quận Ngũ Hành Sơn thực hiện Khai mở Tượng danh nhân Sư Vạn Hạnh và Huyền Trân Công Chúa. Đây là hoạt động thuộc Dự án lắp đặt tượng danh nhân văn hóa, lịch sử, cách mạng và bảng chỉ dẫn địa danh trên địa bàn quận với mục đích để tôn vinh các danh nhân, các nhà lãnh đạo cách mạng, các anh hùng liệt sĩ, các văn nghệ sĩ tiêu biểu và địa danh tiêu biểu… Qua đó, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, gìn giữ nét văn hóa của dân tộc và địa phương; đồng thời quảng bá và giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn nổi tiếng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia./.

Nguyễn Như Ý 
               

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.