Mỗi người dân đều góp phần, và tự hào về sự phát triển của Đà Nẵng
Đăng ngày 17-04-2019 08:30, Lượt xem: 364

Chiều 16-4, Ban Thường vụ Thành ủy có buổi làm việc với đoàn công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Cương lĩnh 2011 và các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng và Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Thường trực Tiểu ban Văn kiện; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đồng chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho biết, sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh và hơn 3 năm thực hiện Nghị Quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định, ước tăng bình quân 8,9%/năm trong giai đoạn 2011-2020; bình quân thu nhập đầu người năm 2020 ước đạt 4.503,2 USD.

Đoàn công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo mục tiêu phát triển trở thành trung tâm dịch vụ lớn của miền Trung và tỷ lệ đô thị hóa cao, các lợi thế so sánh được khai thác tốt; khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng.

Đời sống vật chất và tinh thân của nhân dân được nâng cao, diện mạo đô thị và uy tín của thành phố được khẳng định; dần định hình và xác lập vai trò, vị thế của Đà Nẵng đối với khu vực miền Trung và cả nước, nhất là về các lĩnh vực như: du lịch, thương mại, đầu tư, tài chính ngân hàng, thông tin truyền thông, công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế biển, giáo dục và đào tạo, y tế. Bên cạnh đó, các thành tựu về đồng bộ kết cấu hạ tầng, an sinh xã hội, môi trường, an ninh trật tự, chất lượng cuộc sống... tương đối khả quan.

Việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đạt được những thành tựu quan trọng, tiềm lực trong khu vực phòng thủ của thành phố có nhiều chuyển biến, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” tiếp tục được củng cố. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo, kịp thời giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng”. Tội phạm và tệ nạn xã hội được kiểm soát, xử lý kịp thời. Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự ngày càng chặt chẽ, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo Phó Bí thư Võ Công Trí, trong nhiều năm, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, thời gian qua thành phố phát sinh một số vấn đề nổi cộm, phức tạp, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh của Đà Nẵng, tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố. Trước tình hình đó, cấp ủy các cấp đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhờ đó công tác xây dựng Đảng đạt được những kết quả quan trọng.

Trả lời vấn đề bà Trương Thị Mai đặt ra đối với “điểm nghẽn” gây hạn chế cho sự phát triển bứt phá của Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, vướng mắc lớn nhất nằm ở cơ chế, chính sách. Việc triển khai các Luật, Nghị định đi vào cuộc sống còn mất nhiều thời gian, nội dung chồng chéo nhau gây khó khăn trong công tác thực hiện. Để có thể thực sự tăng trưởng bứt phá, trở thành động lực phát triển của cả khu vực, theo ông Nguyễn Nho Trung, Đà Nẵng cần có cơ chế chính sách riêng đặc thù, bên cạnh đó, cần tính đến việc điều chỉnh mô hình chính quyền theo hướng trực tiếp 2 cấp.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi làm việc

Làm rõ thêm về giải pháp để tiếp cận được mục tiêu Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố đang đề xuất, trình Trung ương xem xét việc ban hành một Nghị quyết riêng của Quốc hội dành cho Đà Nẵng nhằm tạo cơ chế vận dụng, thí điểm những chính sách đặc thù riêng, tạo động lực phát triển mới cho thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Trương Quang Nghĩa nhận định, Nghị quyết số 43-NQ/TW là Nghị quyết có tầm chiến lược rất lớn đối với Đà Nẵng, trong Nghị quyết Trung ương một lần nữa khẳng định vai trò của Đà Nẵng đối với miền Trung – Tây Nguyên và chuỗi hành lang kinh tế Đông Tây; người dân thành phố rất phấn khởi khi Nghị quyết được ban hành, tạo định hướng cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn tiếp theo. Và để triển khai thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết đề ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng đạt 12%, ngoài nỗ lực của địa phương, Đà Nẵng rất cần sự định hướng chiến lược của các cơ quan Trung ương.

Cụ thể trong thời gian trước mắt, thành phố rất cần Trung ương hỗ trợ, tập trung đầu tư hai dự án lớn là Cảng Liên Chiểu và Làng đại học. Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, đây là hai dự án động lực, có khả năng tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế thành phố trong tương lai. Bên cạnh đó, thành phố đang tập trung thu hút đầu tư FDI theo tiêu chí đúng định hướng phát triển, có công nghệ cao, có sự chuyển giao công nghệ, và có cơ hội cho doanh nghiệp địa phương tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, với quy mô của thành phố Đà Nẵng, mô hình chính quyền trực tiếp 2 cấp sẽ rất hiệu quả, giúp nâng cao tính hiệu lực của điều hành chính quyền, giảm gánh nặng biên chế bộ máy. Trong thời gian đến, thành phố rất kỳ vọng được Trung ương cho phép xây dựng Cảng Liên Chiểu theo mô hình chính quyền cảng. Đây sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả tạo sự bứt phá cho Đà Nẵng, đáp ứng yêu cầu là thành phố động lực của miền Trung.

Đối với vấn đề bà Trương Thị Mai đặt ra về vai trò, vị trí của người dân trong quá trình phát triển của thành phố, Bí thư Trương Quang Nghĩa cho biết, thông điệp chung của Đà Nẵng cũng như với các doanh nghiệp khẳng định “phát triển thành phố bền vững và hướng đến người dân”.

Theo Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai, Đà Nẵng là rất câu chuyện sinh động về quá trình triển khai đường lối, quan điểm của Đảng, cả về mặt thành công và những vấn đề cần điều chỉnh cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Bà Trương Thị Mai cho rằng, quá trình 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thành phố có chỉ số chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất tích cực; đi đôi với đó là sự chuyển dịch lao động khá đồng bộ với chuyển dịch kinh tế. Đây là điều không phải địa phương nào cũng làm được trong quá trình phát triển kinh tế những năm qua. Đặc biệt, cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong quá trình xây dựng và phát triển là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân; mỗi người dân thành phố đều góp phần, và tự hào về sự phát triển của Đà Nẵng.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Thường trực Tiểu ban Văn kiện, phát biểu kết luận buổi làm việc

Bà Trương Thị Mai nhìn nhận, sự chuyển biến của Đà Nẵng không chỉ người dân thành phố quan tâm mà cả nước cùng quan tâm, cùng kỳ vọng thành phố tiếp tục vượt qua những khó khăn, những “điểm nghẽn”, phát huy cao độ tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước và Đông Nam Á.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác