Phát triển các điểm đến và đa dạng sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy
Đăng ngày 19-04-2019 10:52, Lượt xem: 366

Du ngoạn bằng đường thủy đang là một trong những hình thức du lịch được nhiều người yêu thích với những trải nghiệm mới mẻ, khác biệt thú vị. Hiện nay, khách du lịch đến Đà Nẵng có nhu cầu tham quan các tuyến Sông Hàn - Cửa biển - Bán đảo Sơn Trà, từ Sông Hàn đi Hòn Chảo, Khu Di tích cách mạng K20, Đình làng Hòa Châu, Cẩm Lệ, Hòa Vang... ngày càng cao. Dự kiến năm 2019 lượng khách du ngoạn trên sông Hàn sẽ đạt 660.881 lượt khách, tăng 19% so với năm 2018. Thành phố Đà Nẵng đã và đang tập trung đầu tư phát triển 8 hành trình, tuyến du lịch trên sông, biển, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng thời gian lưu trú của du khách.

Khai thác thế mạnh du lịch đường sông, biển đảo 

Theo thống kê của ngành du lịch, hiện nay trên địa bàn thành phố có 23 tàu du lịch trên hoặc dưới 50 chỗ đủ điều kiện hoạt động trên 2 tuyến gồm tuyến Sông Hàn - Cầu Trần Thị Lý (có 17 tàu, hoạt động 17h30 đến 22h30, riêng thứ 7 và chủ nhật hoạt động đến 23h00) và tuyến Sông Hàn - Cửa biển - Bán đảo Sơn Trà, tuyến Sông Hàn đi Hòn Chảo (có 6 tàu du lịch bao gồm 5 tàu của Công ty tàu cao tốc An Di; 1 tàu của Công ty Trung Hà Thanh) và 15 tàu được UBND thành phố cho phép đóng mới sẽ đi vào hoạt động, đảm bảo đồng bộ và chất lượng chuyên nghiệp.

Du ngoạn trên sông Hàn luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều du khách khi đến thành phố Đà Nẵng

Một số tour tuyến được các tàu khai thác đạt hiệu quả, cao điểm có khoảng 3.400 khách/đêm, tập trung chủ yếu dọc hai bên bờ Sông Hàn với chương trình tham quan các cây cầu: Sông Hàn, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, ngắm Cầu Rồng phun lửa, phun nước vào tối thứ 7 - Chủ nhật hàng tuần.

Riêng tuyến khu vực Bán đảo Sơn Trà đi các điểm tham quan Bãi Bụt, Hòn Sụp, Bãi Nam, Mũi Nghê - khu vực có nhiều rạn san hô đẹp đã và đang được nhiều đơn vị khai thác phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tour du lịch lặn biển ngắm san hô. Đặc biệt, tại tuyến tham quan di tích lịch sử cách mạng K20, khu vực Chùa Quán thế âm (Ngũ Hành Sơn), cầu tàu tại K20 đang được mở rộng khai thác nhằm phục vụ hơn 2.000 lượt khách/ năm.

Khu vực này có nhiều di tích lịch sử như: nhà Ông Trưng, Bà Nhiêu với các căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ... Đây cũng là khu vực điểm đến tâm linh trên tuyến du lịch Sông Hàn - Ngũ Hành Sơn. Cùng với đó, tại khu vực đình làng Túy Loan có phong cảnh hữu tình cùng nhiều di tích lịch sử cấp thành phố và làng nghề bánh tráng Túy Loan, chợ Túy Loan; khu vực Thôn Thái Lai với phong cảnh đậm nét văn hóa làng quê với nhà cổ Tích Thiện Đường là điểm đến đặc sắc dành cho du khách thập phương.

Tuy nhiên, những điểm đến này vẫn còn hoang sơ và chưa được đầu tư dịch vụ để trở thành điểm dừng chân phục vụ du khách. Tại các bến cảng Sông Hàn, cảng Sông Thu vẫn là cảng tạm thời, không ổn định, thiếu các dịch vụ bổ sung và chưa đạt chuẩn phục vụ du khách. Cùng với cơ chế quản lý của các sở ngành, giám sát thực hiện quy định về quản lý, bảo tồn rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan đến vùng biển từ Hòn Chảo đến Nam Hải Vân, Bán đảo Sơn Trà...  những hoạt động khai thác sản phẩm du lịch tại đây cần có sự liên kết mạnh mẽ giữa các đơn vị kinh doanh tàu du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong việc tạo dựng những sản phẩm du lịch khác biệt. Đặc biệt, cần có những chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, để khai thác và phát triển du lịch đường sông thực sự trở thành sản phẩm du lịch chủ lực đạt hiệu quả cao.

Kêu gọi đầu tư bến cảng thủy nội địa tại 8 tour du lịch sông, biển 

Xác định đầu tư và khai thác phát triển tour, tuyến du lịch đường thủy nội địa sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, các thiết chế văn hóa, các ngành nghề truyền thống tại các làng quê dọc tuyến sông, đồng thời, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương... ngày 5-4, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch số 2162/UBND-KGVX phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố giai đoạn 2019-2021. Trong đó, tập trung kêu gọi đầu tư chuyên nghiệp về cầu tàu, bến đỗ, phương tiện vận chuyển đúng tiêu chuẩn an toàn chất lượng và khai thác những điểm tham quan nổi bật của thành phố với tổng kinh phí thực hiện gần 39 tỷ đồng.

Theo kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm, dịch vụ trên tuyến du lịch thủy nội địa giai đoạn 2019 – 2021, thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ vận tải và bến thủy nội địa tại 8 hành trình, tuyến du lịch trên sông biển, bao gồm: Tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý; Tuyến sông Hàn - cửa biển - Bán đảo Sơn Trà; Tuyến sông Hàn đi Hòn Chảo; Tuyến khu vực Bán đảo Sơn Trà; Tuyến sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn; Tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai; Tuyến sông Cu Đê - Trường Định; và Tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm.

Trải nghiệm không gian sông nước yên bình, thơ mộng, nơi còn giữ nguyên nét đặc trưng của làng quê 

Cụ thể, đối với tuyến Sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, từ quý II-2019, thành phố sẽ tập trung đầu tư nâng cấp Cảng Sông Hàn thành cảng hành khách chính của thành phố, đầu tư cảng Sông Thu thành cảng phụ gắn với công viên hai đầu cầu và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi để hình thành điểm đến phục vụ khách. Đối với tuyến Sông Hàn - Cửa biển - Bán đảo Sơn Trà, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng điểm đến Bãi Cát Vàng, lắp ghép cầu phao di động để cập tàu, nâng cấp bổ sung các dịch vụ nhà hàng ăn uống, khu cắm trại; các dịch vụ lặn ngắm san hô, câu cá, thể thao biển, cầu tàu...Thời gian kêu gọi đầu tư từ quý II-2019 và đưa vào khai thác từ quý III-2019. Song song với đó, những điểm đến khám phá sông, biển như: bãi Sủng Cỏ, Mà Đa... nghiên cứu cho phép doanh nghiệp đầu tư khai thác tạm thời các hoạt động phục vụ du khách như: dã ngoại, ăn uống, tắm biển, thể thao biển... đồng thời đầu tư đóng mới tàu có cấp SB, đặc biệt là các tàu lưu trú về đêm trên Vịnh Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng giao các đơn vị thực hiện kêu gọi đầu tư, phát triển các hạng mục phục vụ du khách trên các tuyến du lịch đường sông trong quý II-2019. Trong đó, đối với tuyến khu vực Bán đảo Sơn Trà, UBND thành phố giao Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch chủ trì, Ban quản lý dự án Đầu tư các công trình nông nghiệp và phát triển Nông thôn phối hợp với doanh nghiệp du lịch tiến hành đầu tư các hạng mục dịch vụ phục vụ cho du khách tại Cầu tàu CT15 cũng như khai thác các sản phẩm du lịch: lặn biển ngắm san hô tại Hòn Sụp, Bãi Nam, Mũi Nghê; khai thác loại hình lồng bè đưa vào phục vụ khách...

Các tuyến từ sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn, tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai, tuyến Sông Cu Đê - Trường Định, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư gắn với phát triển các loại hình dich vụ tại điểm đến như: trải nghiệm làng nghề, mua sắm, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của địa phương, các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng… Tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng "Làng rau La Hường" trở thành điểm tham quan trải nghiệm cho du khách, kết hợp với "Làng nghề làm Bánh khô mè Bà Liễu" tại phường Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ cùng các di tích lịch sử tại làng Phong Lệ, Hòa Châu. 

Tại khu vực làng Túy Loan và Thái Lai sẽ tập trung hình thành sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng như: trải nghiệm nghề bánh tráng Túy Loan, khuyến khích người dân nuôi cá lồng bè phục vụ cho du lịch, xây dựng nhà trưng bày nông cụ, làng sinh thái Thái Lai, nhà cổ Tích Thiện Đường. Tuyến Sông Cu Đê - Trường Định nghiên cứu kêu gọi đầu tư xây dựng cầu tàu, nhà chờ... phát triển các điểm tham quan như Miếu Bà, Bến Hầm Vàng, Đình làng Thủy Tú, Cồn Dâu. Thời gian thực hiện bắt đầu từ quý II-2019. Đối với tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm, Đà Nẵng khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tàu du lịch để phục vụ khách có nhu cầu tham quan tuyến theo tiêu chuẩn quy định, chú trọng loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên tàu.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, thời gian hoạt động của các tour du lịch, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác quảng bá. Sở Du lịch được UBND thành phố giao nhiệm vụ phối hợp với các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn... thường xuyên tổ chức đào tạo nghiệp vụ du lịch, kỹ năng ứng xử cho người dân, tập huấn nghiệp vụ du lịch cho thuyền viên và nhân viên phục vụ trên các phương tiện du lịch thủy nội địa. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tàu du lịch chất lượng cao...để phục vụ du khách có nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc từ kiến trúc chùa chiền, làng nghề, ẩm thực địa phương.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác