Đưa nghệ thuật ca kịch bài chòi vào trường học
Đăng ngày 26-06-2019 10:46, Lượt xem: 337

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng, từ mùa hè năm học 2018-2019, quận Ngũ Hành Sơn triển khai các lớp học hô hát bài chòi cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn quận nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật đặc sắc của vùng Nam Trung Bộ trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Mỗi tuần, hai ngày, không gian yên lắng của những ngày hè tại Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, phường Hòa Hải được thay bằng những thanh âm với tiết tấu đều đặn của tiếng gõ nhịp song loan và giọng hát bài chòi trẻ trung. Đó là giờ luyện tập của các cô cậu học sinh lớp học hô hát bài chòi dưới sự hướng dẫn của nghệ sỹ Câu lạc bộ nghệ sỹ sân khấu thành phố. Niềm đam mê với loại hình nghệ thuật ca kịch bài chòi như cầu nối tình cảm gắn kết những con người ở những thế hệ khác nhau.

Giờ học bài chòi của học sinh Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, Ngũ Hành Sơn 

Em Hà Bùi Tiểu Nguyệt, lớp 8/1, Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, phường Hòa Hải, chia sẻ: Em rất yêu thích bài chòi nên khi nhà trường thông báo có lớp học bài chòi miễn phí vào dịp hè, em liền xin ba mẹ tham gia lớp học. 

Với em Lê Thùy Trang, lớp 6/1, Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, phường Hòa Hải, bày tỏ: Em hy vọng em và các bạn tham gia lớp học bài chòi hè này sẽ có cơ hội được học thêm nhiều lớp nữa, để được hiểu sâu sắc thêm loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương.

Theo ông Trần Văn Hồng- Phó Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn, lớp học hô hát bài chòi miễn phí như thế này còn được tổ chức tại 04 trường trung học cơ sở trên địa bàn với sự tham gia của hơn 150 học sinh có đam mê với nghệ thuật bài chòi. Trong thời gian gần 02 tháng, các em học sinh sẽ được các nghệ nhân và nghệ sỹ Câu lạc bộ nghệ sỹ sân khấu thành phố truyền đạt kiến thức về lịch sử, nguồn gốc bài chòi; cách thể hiện 05 làn điệu lý: Xàng xê, Xuân nữ-Nam xuân, Hò quảng; các điệu lý, hò, vè, lía. 

Ông Hồng, cho biết thêm, trường học là kênh bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản có tiềm năng, mức độ lan tỏa lớn. Chính vì vậy, Đề án đưa bài chòi vào trường học cần được kêu gọi xã hội hóa để có nguồn kinh phí duy trì lâu dài, đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Nguyễn Hòa-Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trước mắt nổi lên 2 nhu cầu cần sớm được hỗ trợ là: hệ thống câu thai đảm bảo giá trị nghệ thuật, nội dung tư tưởng, thẩm mỹ, giáo dục, phù hợp với môi trường học đường; đội ngũ phụ trách việc tổ chức và truyền dạy bài chòi đến học sinh (thông thường là giáo viên âm nhạc, cán bộ Đội, Đoàn) phải được trang bị, tập huấn một cách thường xuyên, bài bản để vững chuyên môn, có vậy mới đảm đương việc tổ chức phong trào.

Sự chủ động, nhiệt huyết góp phần gìn giữ, quảng bá di sản của các trường là rất đáng trân trọng. Song để đảm bảo hiệu quả và tránh nguy cơ nhầm lẫn về loại hình, nhạt phai bản sắc, chất cổ dân gian của di sản bài chòi mà UNESCO đã công nhận, việc đưa bài chòi vào trường học cần được tổ chức một cách toàn diện, nhất là có sự định hướng, hỗ trợ về chuyên môn để theo đó các trường, địa phương có cơ sở tổ chức, thực hiện.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức được những lớp học hô hát bài chòi trong trường học rất đáng quý, nên được duy trì, có sự chung tay của cộng đồng nhằm nhân rộng, truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ, nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi để góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguyễn Như Ý

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác