Đốt cỏ - chuyện nhỏ, hậu quả lớn
Đăng ngày 15-07-2019 15:24, Lượt xem: 1803

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang bước vào cao điểm nắng nóng cao độ nên nguy cơ cháy, nổ rất cao. Điều đáng báo động là tình trạng đốt cỏ, đốt rác bừa bãi, không kiểm soát, đang diễn ra khá phổ biến, đe dọa sự an toàn của các khu dân cư.

Hậu quả khi đốt cỏ

Trong tháng 6 và đầu tháng 7, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP Đà Nẵng nhận được hơn 20 tin cháy cỏ. Mới đây nhất là vụ cháy cỏ, lúc 14 giờ 30 ngày 14-7, Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an quận Sơn Trà xuất 2 xe chữa cháy và hơn 10 cán bộ, chiến sĩ triển khai dập lửa đám cháy cỏ ven đường Lê Đức Thọ (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà). Do trời nắng nóng và có gió to, cỏ khô bắt lửa nhanh, diện tích đám cháy lan rộng hơn 2.000m2. Phải mất hơn 40 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Đốt cỏ gây cháy lan trong khu dân cư

Nguyên nhân của những vụ cháy cỏ này được nhận định ban đầu có thể là các chủ đất xử lý cỏ, nhưng không kiểm soát được và để đám cháy lan rộng. Theo bà Phan Thị Diệu (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cho biết, trước đó, lúc 00 giờ ngày 13-7, người dân phát hiện khu đất trống, địa chỉ ngã ba Phan Thao - Phan Ngọc Nhân, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ bốc cháy dữ dội nên đã nhanh chóng điện thoại cho 114 và tri hô cùng nhau dùng thau, thùng đựng nước ra chữa cháy. Do trong những ngày qua nắng nóng kéo dài, khu vực cháy có nhiều cây cỏ khô, nên đám cháy nhanh chóng lan rộng có nguy cơ cháy lan vào nhà dân.

Bà Diệu cho biết thêm, ngay sau đó, lực lượng chữa cháy đã huy động xe chữa cháy và cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường để cứu chữa. Tuy nhiên diện tích cháy rộng hơn 1000m2, gió mạnh nên công tác dập lửa rất khó khăn. Sau 1 giờ đồng hồ tích cực cứu chữa, các chiến sĩ mới dập tắt được đám cháy. Hiện nay, nhiều người dân rất chủ quan, thiếu cảnh giác khi đốt cỏ khô, rác thải…Theo thói quen, họ gom rác, cỏ khô vào một khoảng trống nào đó rồi châm lửa đốt. Khi lửa đã bùng phát, họ lại bỏ đi làm việc khác. Cỏ khô cháy lây lan, gặp gió sẽ bùng cháy rất dữ dội, tàn lửa theo gió bay sang nhà dân, gây hỏa hoạn.

Còn đối với bà Nguyễn Xuân Huệ (ngụ đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà) cho biết, việc đốt cỏ khô vô cùng nguy hiểm, ngày 14-7 vừa rồi, tôi đang ngủ trên tầng 2 của nhà thì thấy khói đen mù mịt, mùi khét bốc nồng nặng và cột khói cao hàng chục mét, chạy ra thì mới phát hiện bãi cỏ ngã tư Phạm Văn Đồng- Lê Văn Lương bốc cháy rừng rực. Người dân dùng bình chữa cháy dập lửa nhưng không thành. Rất may, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã đến hỗ trợ khống chế, dập được đám cháy. Nếu không kịp, đã có nhiều gia đình ở đây có nguy cơ mất nhà.

Cẩn trọng khi đốt cỏ

Theo Thiếu tá Trần Thanh Hải, Phó đội trưởng Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Đà Nẵng, các đám cháy cỏ, rác, vườn cây và đặc biệt là rừng xảy ra trong thời gian gần đây ngoài nguyên nhân chính là do ý thức của người dân sử dụng nguồn nhiệt bất cẩn từ việc gom lá, cỏ khô, rác đốt nhưng không kiểm soát; nấu nướng khi cắm trại ngoài trời, vứt tàn thuốc lá bữa bãi... Dù ngọn lửa nhỏ nhưng do thời tiết nắng nóng, cỏ khô, gió to khiến ngọn lửa nhanh chóng bùng phát, không thể kiểm soát được.

Thêm vào đó, các vụ cháy đều xảy ra vào buổi trưa, chiều tối hoặc rạng sáng. Đây là thời điểm mọi người đang nghỉ ngơi, ít chú ý đến nguồn điện, nhiệt trong nhà và bên ngoài. Do đó, đám cháy chỉ được phát hiện khi đã bùng phát lớn, việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo an toàn PCCC thời điểm mùa khô này, bên cạnh sự chủ động, sẵn sàng của cơ quan chức năng thì lực lượng PCCC tại chỗ cần tăng cường công tác thường trực khi có sự cố cháy, nổ xảy ra trên địa bàn. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân phải ý thức khi dùng lửa, dùng nhiệt; khi xong việc cần dập tắt ngay và kiểm tra khi nào đảm bảo an toàn mới rời đi, Thiếu tá Hải khuyến cáo.

Lực lượng PCCC dập tắt vụ cháy cỏ tại Sơn Trà

Để nâng cao ý thức PCCC cho người dân trong cao điểm mùa khô, mới đây, Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch tiến hành tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và cứu hộ, cứu nạn; cách sử dụng phương tiện PCCC và hướng dẫn các kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra tại các địa phương trên địa bàn thành phố, qua đó góp phần nâng cao ý thức người dân, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Nhằm phòng cháy cỏ rác gây cháy lan, cháy lớn và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chung, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố Đà Nẵng qua các buổi tuyên truyền luôn khuyến nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền công tác PCCC trong thường xuyên khu dân cư qua các cuộc họp tổ dân phố… tổ chức nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc phát quang cây cỏ, đốt rác dọn dẹp vệ sinh môi trường. Vận động quần chúng tích cực tham gia công tác PCCC, tuyệt đối không tự ý đốt cỏ rác khi chưa tiến hành thu gom, tạo khoảng cách an toàn với các công trình xung quanh. Kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của UBND các phường, ban điều hành khu phố trong việc tổ chức tự kiểm tra an toàn về PCCC.

Cùng với đó, người dân khi triển khai đốt cỏ rác phải thông báo đến lãnh đạo chính quyền địa phương, lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Tuyệt đối không được đốt cỏ rác vào buổi trưa có gió to. Để kiểm soát đám cháy, không đốt đồng loạt trên diện tích lớn. Tăng cường khả năng hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, lực lượng dân phòng đảm bảo về quân số, ứng trực, sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy tại chỗ và nâng cao khả năng triển khai xử lý các tình huống cháy phát sinh. Tổng kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC tại chỗ hiện có, như máy bơm chữa cháy, lăng, vòi chữa cháy, bình chữa cháy các loại,... Kịp thời huy động phương tiện khi có cháy xảy ra. Nếu xảy ra cháy, tổ chức chữa cháy kịp thời, phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư hậu cần tại chỗ”; đồng thời nhanh chóng báo cháy đến lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp (số điện thoại 114) và các cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra. Tuyệt đối không chủ quan tự cứu chữa đến khi đám cháy phát triển lớn, phức tạp rồi mới báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Việt Thành

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.