Phát huy vai trò của Chủ tịch UBND phường, xã trong triển khai tín dụng chính sách xã hội
Đăng ngày 19-07-2019 08:21, Lượt xem: 1539

Chiều 18-7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng, chủ trì Hội nghị chuyên đề đánh giá công tác quản lý, kiểm tra giám sát kết quả thực hiện tín dụng chính sách tại các xã/phường. Đây là lần đầu tiên một hội nghị chuyên đề về công tác quản lý, kiểm tra giám sát tại xã/phường được tổ chức, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội.

Hoàn thiện mô hình quản lý hoạt động tín dụng chính sách

Báo cáo tại hội nghị, ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho biết, vai trò của Chủ tịch UBND phường/xã trong điều hành nguồn vốn cho vay, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội là hoàn thiện mô hình quản lý, nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách, phát huy vai trò của tín dụng chính sách đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. 

Thông qua công tác triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, Chủ tịch UBND phường/xã đã kịp thời nắm bắt được tình hình quản lý vốn vay và những đề xuất, kiến nghị tại cơ sở để xử lý kịp thời, cụ thể như đưa hoạt động tín dụng chính sách vào hoạt động định kỳ của xã, gắn nguồn vốn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kế hoạch giảm nghèo và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng, chủ trì hội nghị

Chủ tịch UBND phường/xã cũng chỉ đạo Ban giảm nghèo phường/xã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xác nhận đúng đối tượng được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách; tổ chức phân bổ vốn đến các thôn, tổ dân phố...; đồng thời, chỉ đạo trưởng thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác họp bình xét cho vay công khai, dân chủ hơn, qua đó chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời và đến đúng đối tượng được thụ hưởng; gắn các phong trào làm kinh tế của hộ gia đình với việc phát động phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ văn hóa... qua đó, từng bước làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế, xã hội ở địa phương.

Số liệu thực hiện đến 30-6-2019 cho thấy, kể từ khi Chủ tịch UBND cấp xã được bổ sung vào Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) cấp huyện, thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, chỉ tiêu dư nợ đều đạt kế hoạch. So với trước khi bổ sung Chủ tịch UBND phường/xã, dư nợ (loại trừ cho vay trực tiếp) đạt 2.110 tỷ đồng, tăng 933 tỷ đồng (tương đương 79,2%). Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng từ 87,5% lên 94,14%; số dư tiền gửi tiết kiệm tăng 73,3 tỷ đồng, từ 91,7 tỷ đồng lên 165 tỷ đồng.

Cùng với đó, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách của các xã có chuyển biến đồng đều hơn. Đến 30-6-2019, toàn thành phố có 9 phường/xã không có nợ quá hạn, chiếm 16%/tổng số phường/xã, tăng 9 phường/xã so với trước khi bổ sung Chủ tịch UBND phường/xã. Toàn thành phố không có phường, xã có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1%, giảm 6 phường, xã có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1%.

Công tác xử lý nợ quá hạn, nợ xấu cũng luôn được UBND phường/xã quan tâm, thông qua việc thành lập “Tổ đôn đốc thu nợ khó đòi”. Theo đó, các khoản nợ xấu được NHCSXH và các hội đoàn thể đánh giá có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ không chịu trả nợ đều được Chủ tịch UBND phường/xã chỉ đạo Tổ xử lý nợ vào cuộc để vận động và đôn đốc người vay thực hiện nghĩa vụ của mình. Hoạt động của Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi trong những năm qua ổn định, đã xử lý tương đối hiệu quả các khoản nợ quá hạn, nợ bị chiếm dụng, đặc biệt có biện pháp thu hồi đối với những hộ có điều kiện trả nợ quá hạn nhưng không trả.

Không để xảy ra tình trạng báo cáo qua loa, đối phó tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Trần Văn Miên nhận định, việc bổ sung Chủ tịch UBND phường/xã là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận/huyện là một chủ trương đúng đắn, là cơ chế phù hợp với mô hình hoạt động của NHCSXH. Đây cũng được xem là một giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, phù hợp với cơ chế kiểm tra, giám sát tại cơ sở thông qua hoạt động tín dụng NHCSXH các cấp. Theo Phó Chủ tịch Trần Văn Miên, việc bổ sung Chủ tịch UBND phường/xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSHX quận/huyện đã nâng cao vai trò quản lý nhà nước và khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã/phường đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, đạt hiệu quả hơn trong việc triển khai và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đồng thời quản lý tốt các nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã/phường.

Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Chủ tịch UBND phường/xã trong triển khai tín dụng chính sách xã hội, trong thời gian đến, Phó Chủ tịch Trần Văn Miên đề nghị, Chủ tịch UBND phường/xã tiếp tục dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác này, tham gia đầy đủ, nghiêm túc các phiên họp Ban đại diện HĐQT để báo cáo tình hình, chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề phát sinh, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, Chủ tịch UBND phường/xã phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, qua đó nắm bắt rõ tình hình hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương, không để xảy ra tình trạng báo cáo qua loa, đối phó tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động chưa tốt.

Dịp này, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tặng thưởng cho 12 tập thể và 38 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tín dụng chính sách xã hội tại xã/phường

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Trần Văn Miên đề nghị NHCSXH chỉ đạo cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn xã/phường làm tốt công tác là cầu nối trao đổi thông tin giữa Chủ tịch UBND phường/xã và NHCSXH; tổng hợp, cung cấp kịp thời cho Chủ tịch UBND phường/xã các văn bản, tài liệu, số liệu liên quan đến tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời, tham mưu cho Chủ tịch UBND phường/xã trong việc phân bố vốn đến thôn, tổ dân phố và triển khai cho vay kịp thời.

Chủ động mời Chủ tịch UBND phường/xã tham dự các phiên họp giao ban hàng tháng tại điểm giao dịch xã, báo cáo kết quả triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn, nhất là các tồn tại, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời; tham mưu Chủ tịch UBND phường/xã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại thôn, tổ dân phố... theo quy định, nhất là các địa bàn có chất lượng hoạt động chưa tốt. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND phường/xã cần phối hợp với NHCSXH kịp thời thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn để người dân biết, thực hiện và giám sát; cũng như vận động hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, trả nợ cho NHCSXH theo quy định.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.