Chàng “Kình ngư” của lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 20-07-2019 10:18, Lượt xem: 1470

Ai đã từng tham gia thi đấu hoặc theo dõi các giải bơi lội do lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng tổ chức chắc hẳn sẽ biết đến chàng trai có nước da rám nắng, dáng người rắn rỏi, chắc khỏe cùng những thành tích đáng nể mà anh đạt được trên “đường đua xanh”. Chàng trai đó là Thượng sỹ Nguyễn Chánh Huy - Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận Liên Chiểu.

Những kỷ niệm khó quên

Công việc hiện tại của Huy là làm nhiệm vụ lái xe chữa cháy cũng như các xe chuyên dụng khác. Nói về công việc hằng ngày của mình, Huy chia sẻ: “Đối với công việc lái xe trong lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, tôi luôn tâm niệm phải quý xăng như máu, yêu xe như con. Điều đó đã trở thành mệnh lệnh trái tim, phương châm hành động của bản thân để luôn bảo đảm kịp thời và đầy đủ xăng, dầu cho đơn vị trong quá trình làm nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu. Công việc này đặt ra rất nhiều yêu cầu, đặc biệt là phải biết sử dụng, điều khiển nhiều loại xe chữa cháy được nhập từ nước ngoài, tất cả đều bằng tiếng Anh, tiếng Đức… buộc người lái xe phải tự tìm tòi, học hỏi thì mới thành thạo được”. 

Không chỉ có nhiệm vụ chính là lái xe, khi được điều động, Huy luôn sẵn sàng nhận lệnh, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhớ lại vụ án xảy ra vào dịp cận Tết năm 2017, Huy và đồng đội được giao nhiệm vụ lặn tìm những phần thi thể của nạn nhân bị chết đuối tại hồ chứa nước của Trạm Xử lý nước thải Phú Lộc (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Nỗi ám ảnh ấy cứ lẩn quẩn trong Huy nhiều ngày liền. Huy chỉ mong sẽ chẳng bao giờ chứng kiến thêm vụ việc đau lòng nào như vậy nữa.

Nguyễn Chánh Huy được vinh danh 10 gương mặt năm 2018 

Nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề, Huy bồi hồi nhớ lại vụ chữa cháy rừng tại Đèo Hải Vân vào ngày 17/6/2017: “Nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, toàn bộ cán bộ chiến sỹ triển khai lực lượng và phương tiện nhanh chóng tiếp cận đám cháy và tích cực tham gia chữa cháy cùng các lực lượng và ban ngành địa phương trong hơn nhiều giờ liền. Trời chập tối nhưng những phần cơm chiều trong bếp vẫn còn đang bị bỏ dang dở. Biết mọi người đang chữa cháy trên rừng, các chị cấp dưỡng đã chủ động gói những nắm cơm thịt, chắt phần nước chè xanh vào từng chai nhỏ rồi gói gọn trong giỏ xách. Trên chiếc xe máy cũ, các chị lặn lội lên đến giữa lưng chừng đèo - một trong những con đường đèo nguy hiểm nhất Việt Nam - để đem đồ ăn thức uống cho chúng tôi. 

Nhìn cảnh các chị cơm đùm cơm nắm, tôi thực sự cảm động. Những nắm cơm được đặt sẵn trong những căn chòi nhỏ trên đèo để ai cũng có thể tranh thủ cầm vội lót dạ. Người dân gần đó cũng nhường cho chúng tôi những gói mì còn sót lại trong nhà, thậm chí được pha tạm trong những gáo dừa vì không đủ tô để hỗ trợ hết các anh em. Những tình cảm chân thành, giản dị đó tôi không thể nào quên được. Tuy mệt mỏi do phải chạy dốc, leo trèo để tiếp cận đám cháy nhưng đối với chúng tôi lúc đó, chưa bao giờ những nắm cơm, bát mì lại ngon đến như vậy…”. 

Còn rất nhiều câu chuyện, kỷ niệm đẹp trong nghề lái xe chữa cháy vẫn chưa được kể hết nhưng trong những câu chuyện đấy là hình ảnh về người chiến sĩ Công an nhân dân dũng cảm, tận tụy, tận tâm với nghề. Với họ, trách nhiệm nghề nghiệp đặt lên cao nhất chính là tính mạng con người. “Niềm tự hào lớn nhất trong “chiến trường” này là khi cứu được càng nhiều người, càng nhiều tài sản của người dân.” - Huy bộc bạch.

Hai anh em Nguyễn Chánh Tín và Nguyễn Chánh Huy “ẵm” trọn các huy chương vàng ở các nội dung đăng kí thi đấu

Kình ngư dưới nước lẫn trên bờ

Để trở thành lái xe chữa cháy đòi hỏi người chiến sĩ phải có thể lực tốt, phải thuộc đường, là tấm bản đồ sống và phải thật nhanh nhẹn. Thể lực tốt để điều khiển xe nặng từ 18 - 28 tấn, chiến đấu nhiều giờ trong một vụ cháy và có thể tham gia 2 - 3 vụ trong một ngày. Lái xe phải thật tinh thông đường để chở cán bộ chiến sĩ và phương tiện đến hiện trường một cách nhanh nhất, tránh lạc đường làm giảm hiệu quả chiến đấu. Phải thật nhanh, bởi lái xe chữa cháy còn phải nhanh hơn cả lính chữa cháy. 

Điều lệnh yêu cầu thời gian từ khi lính chữa cháy nghe chuông báo động, mặc đồng phục và lên xe là 1 phút; nhưng lái xe chữa cháy thì yêu cầu phải có mặt dưới sân trước, nhanh chóng khởi động xe, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng để khi cán bộ chiến sĩ ra xe là lao vút đi; tức là phải nhanh hơn cả 1 phút. Lái xe chữa cháy còn là một tay lái cừ, dày dạn kinh nghiệm, vừa lái xe với tốc độ nhanh nhất nhưng phải đảm bảo an toàn cho đồng đội và người tham gia giao thông, đồng thời xử lý thật nhanh những tình huống xấu xảy ra trên đường”.

Để nâng cao chuyên môn tay lái, Huy đã tích cực học hỏi từ các đồng đội đi trước nhằm biết cách vận hành phương tiện sao cho đảm bảo tốt nhất cho công tác, sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên tự học, tự rèn qua tài liệu, sách báo, Internet và các trang thông tin điện tử,… Bên cạnh đó, bản thân Huy còn tham gia tập luyện thể lực, cách sử dụng các phương tiện chữa cháy kèm theo xe để ngày càng hiểu biết hơn về các công tác khác, qua đó dễ dàng xử lý những tính huống ngoài ý muốn xảy ra, giúp đỡ đồng đội trong công tác chiến đấu. 

Không chỉ nhanh trên bờ. Nhiều người ví Huy không khác gì một “kình ngư” dù là trên bờ hay dưới nước, bởi sự thuần thục trong công việc lái xe cũng như những kỹ năng bơi lội mà anh có được. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có anh em tại quê nhà ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, ngay từ nhỏ, Huy đã có sở thích được thả mình trong dòng nước mát lạnh của dòng sông Cu Đê để bắt cá, tắm mát cùng gia đình. Có lẽ vì thế mà chàng trai này đã tự mình có thêm nhiều kinh nghiệm bơi lội hình thành theo thói quen sinh hoạt hằng ngày. 

Mỗi ngày qua đi, Huy đều chăm chỉ tập luyện, cố gắng nhìn lại mình, chỉnh sửa các lỗi vì bản thân không được đào tạo bơi bài bản từ nhỏ, từ đó phát huy tối đa các ưu điểm, nghiên cứu kỹ thuật mới để hoàn thiện bản thân. Huy phải thay đổi gần như toàn bộ từ kỹ thuật lướt trên nước đến rèn thể lực, cải thiện sức bền. 

Nói về bí quyết để bơi nhanh, Huy bộc bạch: “Đứng trước một cuộc thi, yếu tố bình tĩnh là quan trọng nhất, với một người không chuyên thì phải luôn giữ tinh thần quyết tâm cao. Ngoài ra, phải thường xuyên tập thể lực, có sức khỏe dẻo dai mới có thể đạt thành tích cao”. Bí quyết này đã giúp Huy xuất sắc ẵm trọn 4 Huy chương Vàng ở nội dung cá nhân và đồng đội tại giải Thể thao bơi ứng dụng và chạy vũ trang - việt dã năm 2019 của Công an thành phố.

Rất nhiều sản phẩm cây cảnh được chế tác từ dây đồng do Huy tự tay làm

Huy còn là một Phó Bí thư Chi đoàn Đội chữa cháy và CNCH - Công an quận Liên Chiểu tích cực, gương mẫu. Trong công tác Đoàn, Huy luôn chủ động lên kế hoạch, tham mưu cho Chi đoàn, tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn Thanh niên Công an thành phố và Thành đoàn tổ chức. 

Năm 2018, Huy đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và giải thưởng Thanh niên Công an thành phố Đà Nẵng xuất sắc, tiêu biểu. Bên cạnh đó, Huy còn tham gia nhiều cuộc thi đạt thành tích cao do Cảnh sát PCCC thành phố và Bộ Công an tổ chức như: Cuộc thi lái xe giỏi do Cảnh sát PCCC thành phố tổ chức, Hội thi chung kết thể thao nghiệp vụ Cứu nạn cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, đạt Huy chương Đồng tại Hội thao TDTT lực lượng CAND năm 2018 do Bộ Công an tổ chức. 

Sau giờ tan ca trở về bên gia đình, Huy lại vào giúp đỡ mẹ làm vườn, luôn có thái độ sống tích cực, gần gũi với mọi người xung quanh. Huy còn là người đàn ông rất khéo tay. Vào những thời gian rảnh rỗi của mình, Huy còn có một sở thích đặc biệt đối với đồ thủ công (handmade) do mình tự làm ra. Từ các vật liệu bỏ đi như dây đồng, viên đá rẻo, chậu cũ…, Huy đã khéo léo đan, ghép thành những vật trang trí nhỏ nhắn, xinh xắn. 

Những câu chuyện về chàng “kình ngư” đã khắc họa thêm cho chúng tôi về hình ảnh của người chiến sỹ Công an thành phố Đà Nẵng đang ngày đêm phục vụ, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Còn Huy - chàng “kình ngư” của lực lượng công an thành phố sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và giữ mãi phong độ trên những chặng “đua” tiếp theo.

Liên Lê

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác