Tín dụng chính sách đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội
Đăng ngày 16-08-2019 11:21, Lượt xem: 213

Ngày 15-8, Thường trực Thành ủy tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí và Phó Chủ tịch UBND Trần Văn Miên, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung.

Hoạt động tín dụng chính sách ngày càng ổn định, phát triển

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trần Văn Miên cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và hội đoàn thể nhận ủy thác đã thay đổi một cách sâu sắc, quan tâm đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Nhờ vậy, hoạt động tín dụng chính sách xã hội không ngừng phát triển và ngày càng ổn định; nguồn vốn phục vụ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn, góp phần đóng góp trong việc hoàn thành mục tiêu an sinh xã hội tại địa phương.

Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Đến ngày 30-6-2019, tổng nguồn vốn đạt 2.161 tỷ đồng, tăng 941 tỷ đồng (77%) so với trước khi có Chỉ thị; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 822 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38%, tăng 731 tỷ đồng (807%) so với trước khi có Chỉ thị. Toàn thành phố có 73.733 khách hàng còn dư nợ, tổng dư nợ đạt 2.155 tỷ đồng, tăng 938 tỷ đồng (77%) so với trước khi có Chỉ thị; trong đó dư nợ từ nguồn vốn địa phương đạt 775 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36%/tổng dư nợ, tăng 687 tỷ đồng (782%) so với trước khi có Chỉ thị.

Cùng với đó, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. Tổng nợ xấu toàn thành phố còn 4.898 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,23% tổng dư nợ, giảm 3.269 triệu đồng so với trước khi có Chỉ thị; trong đó, nợ quá hạn 4.682 triệu đồng, tỷ lệ 0,22%/tổng dư nợ, nợ khoanh 216 triệu đồng, tỷ lệ 0,01%/tổng dư nợ.

Đà Nẵng là một trong những thành phố ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia, vì vậy thành phố đã bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng này. Giai đoạn từ năm 2014 đến ngày 30-6-2019, thành phố đã bố trí 169,3 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chuẩn thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Trần Văn Miên, chính sách tín dụng ưu đãi đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, giúp đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội.

Thực sự đi vào cuộc sống

Báo cáo tham luận tại hội nghị, bà Lê Thị Kim Loan cho biết, năm 2015, gia đình bà mở cơ sở sản xuất và buôn bán đá mỹ nghệ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn kinh doanh, nhân công ít, hàng hóa đưa ra thị trường tiêu thụ rất chậm. Được sự quan tâm, hướng dẫn của chính quyền địa phương, và đặc biệt là Tổ tiết kiệm và vay vốn địa phương, gia đình bà Loan đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy rì và mở rộng việc làm để mua thêm nguyên vật liệu sản xuất đá mỹ nghệ. Với quyết tâm dám nghĩ dám làm, gia đình bà Loan đã từng bước khắc phục khó khăn, đưa cơ sở đi vào hoạt động ổn định, phát triển, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường với sự đang dạng về loại hình và mẫu mã, các sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được các khách hàng nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.

Ghi nhận thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND thành phố tặng Bằng khen cho 13 tập thể, 7 cá nhân

Tháng 12-2018, gia đình bà Lê Thị Kim Loan đã trả hết khoản vay vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Tháng 4-2019 năm 2019, nhận thấy cần đầu tư thêm máy móc, thiết bị để sản xuất đá mỹ nghệ, gia đình tiếp tục xin vay vốn và đã được các cấp chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội quận quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn số tiền 50 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với thời hạn 48 tháng. Hiện tại, cơ sở đá mỹ nghệ của gia đình bà Lê Thị Kim Loan có diện tích trên 100m2, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động, trong đó có 3 lao động thường xuyên. Mức lương trung bình mỗi thợ đạt 7 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Anh, trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, cho biết, những năm trước đây, kinh tế gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn, một mình nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Hàng tháng bà Anh đi phụ giúp việc nhà theo giờ cho các gia đình có nhu cầu, thu nhập hết sức bấp bênh, bình quân chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống, hai con có nguy cơ phải bỏ học.

Được sự động viên, hướng dẫn, định hướng của Đảng ủy, UBND, Hội Phụ nữ phường Thọ Quang, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố và tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tháng 5-2017, bà Nguyễn Thị Anh mạnh dạn vay vốn tại Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội quận Sơn Trà, chương trình cho vay hộ nghèo với lãi suất ưu đãi, số tiền 50 triệu đồng, thời gian 3 năm. Với số vốn đó, bà Anh bắt đầu mua cá, tôm, hải sản đi bỏ mối cho một số nhà hàng buôn bán hải sản tại địa phương; sau khoảng 5 tháng, bà Anh đã dần tạo được mối làm ăn ổn định và ngày càng phát triển. Thực hiện nộp lãi tháng và tham gia tiết kiệm theo quy định, bà Nguyễn Thị Anh đã dần trả nợ được số tiền đã vay, đến nay chỉ còn nợ 17 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Anh, nhờ nguồn vốn vay từ chương trình cho vay hộ nghèo, bà đã có vốn để làm ăn, buôn bán, vươn lên thoát nghèo, cho 2 con đi học ổn định; đời sống gia đình, kinh tế phát triển lên rõ rệt, nhà cửa khanh trang hơn.

Đảm bảo 100% người nghèo được tiếp cận và sử dụng tín dụng chính sách xã hội

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Võ Công Trí nhận định, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo của Đảng, Nhà nước nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội. Tại thành phố Đà Nẵng, với sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là của ngành Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các đoàn thể nhận ủy thác, 5 năm qua, Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả nổi bật và toàn diện.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như công tác chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, chưa có các biện pháp tích cực để cải thiện chất lượng tín dụng dẫn đến chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều tại một số địa phương.

Đồng thời, Phó Bí thư Võ Công Trí cho rằng, công tác phối hợp giữa các đoàn thể với NHCSXH tại một số xã, phường chưa chặt chẽ, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác, chưa thường xuyên kiểm tra hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng như kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay; công tác củng cố kiện toàn hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa kịp thời; chưa chủ động đôn đốc hộ vay trả nợ khi đến hạn, nhất là nợ đến hạn theo phân kỳ...

Ngoài ra, chưa có giải pháp hiệu quả trong huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách quận, huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn thấp, như quận Cẩm Lệ chỉ ủy thác sang NHCSXH 2,1 tỷ đồng, quận Liên Chiểu 3,2 tỷ đồng, huyện Hòa Vang 4 tỷ đồng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu chỉ đạo hội nghị

Nhấn mạnh công tác đảm bảo an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng được thành phố quan tâm thực hiện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành thành phố tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư. Trong đó lưu ý, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai sâu rộng và hiệu quả Chỉ thị 40 với phương châm “cấp ủy đảng lãnh đạo, các cấp chính quyền quản lý, NHCSXH tham mưu, Mặt trận giám sát, hội đoàn thể phối hợp, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội”. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng, lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Phó Bí thư Võ Công Trí, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác và người dân trong việc thực hiện Chỉ thị 40, nhất là trách nhiệm của chủ tịch UBND phường, xã là thành viên ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH quận, huyện; tăng cường vai trò Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phối hợp việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nguồn lực ủy thác qua NHCSXH mang tính ổn định và lâu dài, căn cứ theo khảo sát nhu cầu của các đối tượng chính sách hàng năm để cho vay các đối tượng chính sách có nhu cầu; có giải pháp tăng cường huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

“Cần tập trung thực hiện tốt công tác cho vay, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, không để thất thoát, vi phạm hồ sơ, thủ tục, đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận và sử dụng tín dụng chính sách xã hội”, Phó Bí thư Võ Công Trí nhấn mạnh.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.