Phát triển du lịch hướng đến phân khúc chất lượng cao
Đăng ngày 06-12-2019 11:10, Lượt xem: 6303

"Trong những năm qua, ngành du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội thành phố, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tỷ trọng đóng góp không nhỏ vào ngân sách thành phố." - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030” do Sở Du lịch tổ chức ngày 5-12.

Phát triển mạnh mẽ 

Theo báo cáo của Sở Du lịch, giai đoạn 2015-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân khách tham quan du lịch Đà Nẵng ước đạt 17,88%. Năm 2019, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 8,69 triệu lượt, tăng 85,7% so với năm 2015; tổng thu du lịch ước đạt 30.973 tỷ đồng, tăng 141,6% so với năm 2015.

Từ năm 2015 đến nay, thành phố được vinh danh với nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín. Cùng với các lợi thế về cảng biển, sân bay quốc tế, cửa ngõ di sản thế giới ở miền Trung, các bãi tắm đẹp và hệ thống nhà hàng, khách sạn, resort sang trọng, Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến an toàn và thân thiện, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì buổi hội thảo

Tính đến tháng 11-2019, trên địa bàn thành phố có 943 cơ sở lưu trú du lịch với 40.074 phòng, 376 đơn vị kinh doanh lữ hành, 4.646 hướng dẫn viên. Về hệ thống cơ sở vật chất, hiện thành phố có 85 dự án du lịch đã và đang triển khai đầu tư với 7,2 tỷ USD với nhiều dự án ven biển đẳng cấp quốc tế. Thành phố được kết nối ngày càng nhiều với các tỉnh, thành trong và ngoài nước thông qua việc xúc tiến đường bay hiệu quả, với 31 đường bay quốc tế, tần suất 480 chuyến/tuần và 9 đường bay nội địa tần suất 670 chuyến/tuần.

Cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á…thành phố đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, chấn chỉnh hoạt động du lịch lữ hành, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, Bộ quy tắc đạo đức nghề và ứng xử trong hoạt động kinh doanh du lịch; quản lý khai thác du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại các khu, tuyến điểm du lịch... 

Dự báo đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng khách lưu trú tăng khoảng 12-1,5%/năm. Tổng khách lưu trú dự báo khoảng 10,5-12 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế ước khoảng 5,5-6,5 triệu lượt.  Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng khách lưu trú dự báo tăng 10-12%/năm. Tổng khách lưu trú dự báo đạt 18-19,5 triệu lượt; trong đó khách quốc tế khoảng 9-10,5 triệu lượt.

Tuy nhiên, hiện thành phố đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong việc phát triển lĩnh vực du lịch như sân bay đang có dấu hiệu quá tải, chưa có cảng biển chuyên phục vụ du lịch, hiện tượng ùn tắc giao thông, môi trường biển có nguy cơ ô nhiễm.… Hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, trong khi quy mô của doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng còn nhỏ, năng lực cạnh tranh vẫn còn nhiều hạn chế.

Cần những bước đột phá mới

Có thể thấy, sự phát triển quá nhanh về số lượng cơ sở lưu trú du lịch trong thời gian qua đã gây ra tình trạng cạnh tranh về giá phòng, chia sẻ lượng khách, cung nhiều hơn cầu. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố nhận định, Đà Nẵng có hơn 50.000 buồng phòng khách sạn nhưng lượng khách chỉ đạt khoảng 8 triệu khách. Vào mùa thấp điểm như hiện nay, các cơ sở chỉ khai thác tối đa 15-30% công suất buồng phòng. 

Chia sẻ với nhận định của ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng về lâu dài cần có giải pháp tính toán trong việc đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú du lịch để giải quyết vấn đề tái cơ cấu nguồn khách, trong bối cảnh cung đang vượt cầu. Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch cần đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo hướng đến sự sự phát triển bền vững của ngành cũng như thương hiệu điểm đến của Đà Nẵng.

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam phát biểu

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, việc chạy theo gia tăng số lượng khách chỉ gây áp lực đến hạ tầng giao thông và môi trường. Hoạt động du lịch chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thành phố dẫn đến quá tải, tạo áp lực lên môi trường, cảnh quan và sinh hoạt dân cư. Về các mô hình du lịch vui chơi giải trí về đêm, thành phố cần phải chọn các khu điểm phù hợp, không ảnh hưởng đến khu vực dân cư sinh sống.

PGS.TS Phạm Trung Lương đề nghị Đà Nẵng cần phải tăng liên kết các vùng, địa phương phụ cận; liên kết các ngành để bảo đảm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đóng góp vào ngân sách thành phố. Ông cho rằng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế là những điểm đến du lịch nhưng Đà Nẵng mới chính là vị trí cửa ngõ của miền Trung với những lợi thế về hạ tầng, sân bay, cảng biển.

"Doanh thu ngành du lịch phải đến từ phân khúc thị trường cao cấp" - Ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố chia sẻ

Trao đổi về vấn đề sản phẩm du lịch, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành đánh giá, hiện du lịch Đà Nẵng vẫn chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư do thiếu các sản phẩm du lịch chuyên biệt, các dịch vụ mua sắm chất lượng cao, các sản phẩm giải trí hấp dẫn. Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty CP du lịch Việt Nam Vitours, cần phải triển khai một số bến du thuyền hạng sang đáp ứng nhu cầu phục vụ cho hoạt động du lịch đường thủy, vừa góp phần giảm tải áp lực giao thông trên một số tuyến đường. Đồng thời, đầu tư du lịch ẩm thực, du lịch sự kiện, tăng giá trị thương mại cho các sản phẩm đặc sản miền Trung.

Theo TS.Trương Sỹ Quý, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, thành phố cần thay đổi cơ cấu khách thu nhập thấp sang nguồn khách thu nhập cao để giảm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch. Đồng quan điểm này, ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Ban Kinh tế Ngân sách, Hội đồng nhân dân thành phố cho rằng đã đến lúc ngành du lịch phải tính về chất lượng, doanh thu phải đến từ phân khúc thị trường khách cao cấp. 

Còn bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đề nghị cùng với thu hút đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch đẳng cấp, chuyên nghiệp thì ngành Du lịch phải xác định những sản phẩm thế mạnh đặc trưng của thành phố như: du lịch sức khỏe, du lịch công vụ (MICE)... nhằm cung cấp các dịch vụ cao cấp và tăng khả năng chi tiêu của khách khi đến Đà Nẵng.

Tại buổi hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị Sở Du lịch tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng Đề án tổng thể về phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, tập trung vào thu hút chi tiêu, xây dựng sản phẩm dịch vụ cao cấp; tăng chất lượng dịch vụ, tránh gây áp lực giao thông và hệ sinh thái môi trường; đồng thời giải quyết các vấn đề quy hoạch hạ tầng, quản lý ngành, phát triển nguồn nhân lực...

Sở Du lịch chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai các giải pháp phát huy tiềm năng du lịch địa phương và tạo việc làm cho người dân. Việc phát triển sản phẩm sẽ ưu tiên theo các nhóm sản phẩm chính gồm: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi, giải trí, hội nghị, hội thảo MICE; du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử, sinh thái, làng nghề; du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực; du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, làng quê, làng nghề.... với định hướng phát triển du lịch thành phố đến năm 2030 sẽ tập trung tăng số lượng khách phân khúc chất lượng cao, có khả năng chi trả cao, đa dạng hóa các thị trường quốc tế.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.