Sẽ ban hành chính sách mới nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển
Đăng ngày 21-02-2020 19:44, Lượt xem: 1403

Sáng 21-2, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết: Trong 10 năm qua, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của cả nước đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển sản xuất  nông nghiệp và ổn định kinh tế- xã hội của đất nước.

Một số ngành hàng chủ lực của nông nghiệp nước ta gồm: Lúa gạo, rau quả, cà phê, cao su, điều, gỗ, thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Đặc biệt, công nghệ chế biến nông sản đạt mức độ trung bình của thế giới. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8 - 10%/năm,  năm 2019 đạt mức 41,3 tỷ USD. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 186 nước và vùng lãnh thổ, kể cả thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản,..

Bên cạnh đó, cơ giới hóa trong nông nghiệp có những bước phát triển đáng kể. Trang thiết bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

“Năm 2019 so với năm 2011, số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%; máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%. Đối với công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp, đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực, chiếm trên 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15%. Hiện cả nước có 7.803 doanh nghiệp cơ khí và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; đồng thời đề ra 8 nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp của nước ta.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu. Về tầm nhìn phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, phấn đấu đến 2030, cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại ở các ngành hàng chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Để đạt mục tiêu trên, tham luận của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đều tập trung đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp, đặc biệt là việc thu hút các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp tại các vùng, địa phương trọng điểm phát triển nông nghiệp.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu của ngành nông nghiệp đạt được trong những năm qua, đồng thời chỉ rõ các khó khăn, tồn tại, hạn chế và định hướng thời gian đến. Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là một hội nghị quan trọng vì liên quan đến khoảng 65% dân số sống ở nông thôn và góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép hiện nay là vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố bên cạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương cần lắng nghe tiếp thu, vận dụng phù hợp và đặc biệt phải chủ động xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến; tìm hướng đi riêng cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà, hướng đến mục tiêu chung là đưa nền nông nghiệp Việt Nam thành nền nông nghiệp sạch; tập trung tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị và sẽ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu có chính sách mới nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển; chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; khuyến khích nông dân, doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến.

Tại Đà Nẵng, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản gắn với việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và sự phát triển khoa học - công nghệ; đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Bênh cạnh đó, Đà Nẵng ưu tiên gắn việc phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản với việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và thực hiện Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, là cơ sở để thực hiện có hiệu quả Đề án "4 an" của thành phố.

Về giải pháp đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố thời gian đến, Đà Nẵng sẽ thực hiện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ quản lý hợp tác xã; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và thành phố như chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản,...

 

THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác