Bệnh viện 199 được phép xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp Realtime - PCR
Đăng ngày 05-08-2020 20:00, Lượt xem: 1444

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hy vọng hệ thống xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp Realtime - PCR tại Bệnh viện 199 (Bộ Công an) sẽ tiếp tục phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2, kịp thời đáp ứng nhu cầu thực hiện xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố.

Bệnh viện 199 đủ năng lực xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp Realtime - PCR

Sáng 5-8, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Bệnh viện 199 (Bộ Công an) để nắm tình hình điều trị, theo dõi cách ly, sàng lọc bệnh nhân, đánh giá năng lực xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã chia làm 4 tổ để kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống của bệnh viện. Qua kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao sự chuẩn bị từ Ban giám đốc và nhân viên phòng xét nghiệm Bệnh viện 199. Đặc biệt, Bệnh viện 199 đã tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ, giúp việc vận hành hệ thống xét nghiệm diễn ra thuận lợi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn quyết định công nhận Bệnh viện 199 đủ năng lực xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Bệnh viện 199

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cử đội chuyên gia mang theo máy móc, trang thiết bị ra hỗ trợ Bệnh viện 199 là rất cần thiết, đem lại hiệu quả bước đầu,

"Tôi hy vọng hệ thống xét nghiệm này sẽ tiếp tục phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2, kịp thời đáp ứng nhu cầu thực hiện xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố" Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận, với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay thì số ca mắc mới chắc chắn sẽ tăng lên. Vì vậy, bệnh viện luôn phải trong tâm thế xác định khi bệnh nhân vào viện có thể đã dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó bắt buộc các quy trình phân luồng, cách ly tại bệnh viện cần hết sức chú trọng. 

Theo báo cáo, hiện Bệnh viện 199 có 409 bệnh nhân và 167 người nhà thuộc diện (F1). Tổng số bệnh nhân đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là 367 trường hợp, phát hiện 12 ca dương tính với COVID-19, trong đó có 7 bệnh nhân và 5 người nhà; còn lại 42 bệnh nhân, 92 người nhà chưa làm xét nghiệm.

Bệnh viện 199 đang triển khai hai nhiệm vụ là giảm tải bệnh nhân từ các bệnh viện trên địa bàn và thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Trong đó, bệnh viện đã tiếp nhận 398 bệnh nhân từ các bệnh viện bị phong tỏa chuyển vào, đặc biệt có 34 bệnh nhân chạy thận.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống của Bệnh viện 199

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Viện Pastuer thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện đã triển khai phòng xét nghiệm Real-Time PCR. Bệnh viện cũng nhận được sự hỗ trợ bổ sung lực lượng y bác sĩ từ các bệnh viện khác, và nhiều tình nguyện  viên, các trang thiết bị của bệnh viện đã được tập trung và tiếp tục bổ sung.

Xét nghiệm kháng thể là phương pháp ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng

Trao đổi với Phóng viên bên lề buổi kiểm tra, làm việc với Bệnh viện 199, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc sử dụng những công cụ truy xét các bệnh nhân, người tiếp cận gần (F1) để cách ly thì xét nghiệm là một trong những biện pháp chủ đạo để có thể phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện ngành y tế đang thực hiện 2 loại xét nghiệm gồm: Xét nghiệm Realtime-PCR tìm ra virus và xét nghiệm tìm kháng thể trong máu. Đối với Đà Nẵng thì cả 2 loại xét nghiệm trên vô cùng cần thiết.

Theo PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, mục tiêu truy vết F0 đầu tiên tại Đà Nẵng hiện không còn là mục tiêu chủ yếu nữa.


Bệnh viện 199 đủ năng lực xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR

"Mục tiêu của chúng ta bây giờ là sử dụng xét nghiệm kháng thể để phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng. Những trường hợp dương tính kháng thể có nghĩa là đã nhiễm lâu rồi. Vì vậy, chúng ta sẽ phải truy vết xung quanh các trường hợp đó bằng xét nghiệm Realtime-PCR, qua đó kịp thời phát hiện những trường hợp nào bị lây nhiễm trong thời gian gần đây” Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin.

Hiện, thành phố Đà Nẵng đã nâng công suất xét nghiệm lên mức 8.000-10.000 mẫu bệnh phẩm/ngày. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn nhiều nhu cầu về mặt xét nghiệm và ngành Y tế Đà Nẵng còn có thể tăng năng lực xét nghiệm. Chính vì thế, ngoài việc sử dụng nguồn nhân lực của Đà Nẵng, rất cần có sự chi viện từ Trung ương, từ các bệnh viện địa phương tham gia hỗ trợ điều trị.

"Ngoài những nỗ lực lớn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng trong công tác truy vết cộng đồng, Bộ Y tế đã cử một đội từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng các chuyên gia đến để hỗ trợ thành phố trong công tác xây dựng kế hoạch, phân khu cách ly tại khu dân cư, truy vết những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trên địa bàn" PGS-TS Nguyễn Trường Sơn thông tin.


Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra khu xét nghiệm COVID-19

Liên quan đến việc làm "sạch" các bệnh viện sau khi hết cách ly để tiếp nhận và đón bệnh nhân trở lại, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị phải đảm bảo đây là nơi an toàn cho người bệnh đến khám và điều trị.

"Bệnh viện phải được đánh giá bằng bộ tiêu chí an toàn trong dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành, xây dựng quy trình phân luồng bệnh nhân, kiểm soát chặt chẽ tất cả những bệnh nhân có triệu chứng hô hấp, không để dịch lây nhiễm trong cộng đồng" PGS-TS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết thêm, nếu đáp ứng yêu cầu thì thời gian dự kiến mở cửa trở lại của Bệnh viện C Đà Nẵng (nơi đang bị phong toả) là ngày 7-8. Riêng đối với Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng thì thời gian mở cửa do UBND thành phố quyết định.

THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.