Phấn đấu đến năm 2030, mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính an toàn, phù hợp
Đăng ngày 21-09-2020 16:26, Lượt xem: 269

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 6032/KH-UBND ngày 10-9-2020 về việc thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, với mục đích mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu và chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

Kế hoạch đặc biệt chú trọng đến nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phầm, dịch vụ tài chính như người sống ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh.

Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2025, ít nhất 80% người trưởng thành trên địa bàn thành phố có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành trên địa bàn có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030. Phấn đấu đạt tỷ lệ ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành trên địa bàn; ít nhất 100% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính như chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý ngân hàng, ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 25% - 30% người trưởng thành trên địa bàn thành phố gừi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% - 25% hàng năm; ít nhất 15.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7%; ít nhất 70% người trưởng thành trên địa bàn thành phố có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính do các tổ chức được cấp phép cung ứng để nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng của những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dân cư nông thôn vùng khó khăn, người có thu nhập thấp, người yếu thế.

Thành phố cũng đặt mục tiêu xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính; hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính phù hợp, tạo thuận lợi và an toàn cho các giao dịch, đảm bảo thông tin thông suốt giữa tất cả các bên tham gia thị trường. Phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững

Bên cạnh đó, nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ tài chính để đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin và đối xử công bằng.

UBND thành phố giao các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch hành động. Định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Đà Nẵng trước ngày 15-12 để tổng hợp báo cáo UBND thành phố và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, tổ chức triển khai quán triệt nội dung Kế hoạch hành động này đến cán bộ công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố biết, thực hiện.

Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện có trách nhiệm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, người dân phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ công và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện.

UBND thành phố giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Đà Nẵng là cơ quan đầu mối, phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai Kế hoạch và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch định kỳ hàng năm; tham mưu UBND thành phố tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện trên địa bàn.

Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp thường xuyên với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan bố trí vốn chi thường xuyên hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan để triển khai Chiến lược; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tính chất cho vay. Hằng năm tổng hợp, báo cáo UBND thành phố về tình hình hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố; tham mưu, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các quỹ trong quá trình hoạt động; xem xét tham mưu dừng hoặc giải thể một số quỹ hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn theo quy định tại các Luật, đảm bảo việc sử dụng nguồn lực của quỹ hiệu quả.

Bên cạnh đó, phối hợp các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước và có nguồn gốc ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ; phối hợp các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong việc thanh toán các khoản phí, lệ phí hành chính công, thu nộp phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là qua các cổng thanh toán điện tử. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý, xác thực thông tin và chi trả cho khách hàng, đặc biệt là đối tượng thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội.

UBND thành phố cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Đà Nẵng và các cơ quan báo chí trên địa bàn, Cổng thông tin điện tử thành phố, hệ thống thông tin cơ sở nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn về vai trò và ý nghĩa của tài chính toàn diện, tình hình thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện của thành phố. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Tài chính đẩy mạnh các chương trình truyền thông giáo dục, phổ biến kiến thức tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.