Nâng cao chất lượng của công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân
Đăng ngày 21-10-2020 17:44, Lượt xem: 6538

Chiều 21-10, tại Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến có bài tham luận Giải pháp nâng cao chất lượng của công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Sau đây là toàn văn bài tham luận.

Phân tích thực trạng của ngành y tế trong thời điểm hiện nay

 Những điểm mạnh

 - Được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc đầu tư phát triển mạng lưới y tế trên địa bàn TP. Đà Nẵng, đặc biệt mạng lưới y tế cơ sở đang từng bước được đầu tư nâng cấp và xây mới để đáp ứng nhu cầu chăm sóc toàn diện cho người dân. Thành phố có những chính sách ưu tiên  trong thu hút, đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng.

- Một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố đã từng bước tạo được uy tín cho người dân của thành phố và kể cả trong khu vực miền Trung - Tây nguyên (Bệnh viện Đà Nẵng, Phụ sản Nhi, Ung bướu, Mắt, Da Liễu).

 - Nhiều kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu đã được các bệnh viện triển khai thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao (cấy ghép tế bào gốc, ghép thận, thực hiện kỹ thuật solitaire (lấy huyết khối) trong điều trị nhồi máu não cấp tính; ứng dụng Kỹ thuật ECMO, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu, thụ tinh trong ống nghiệm, Chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm da kề da, kỹ thuật nhu châm, hỏa long cứu…).

- Các chỉ số y tế của thành phố đạt ở mức cao so với cả nước như: Số giường bệnh và bác sỹ trên vạn dân đạt tỷ lệ cao so với toàn quốc. (76GB/vạn dân và 18BS/vạn dân cao hơn nhiều so với cả nước 26,5GB/vạn dân, 8,6BS/vạn dân)…; hoàn thành các mục tiêu y tế trước thời hạn như 100% xã, phường đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã phường.

- Hệ thống y tế dự phòng càng ngày được hoàn thiện hơn và thực hiện nhiều kỹ thuật mới như triển khai nhiều kỹ thuật xét nghiệm mới trong chẩn đoán nhanh các bệnh truyền nhiễm như: Xét nghiệm định type Sốt xuất huyết; xét nghiệm Tay chân miệng bằng kỹ thuật PCR; xét nghiệm Sởi bằng kỹ thuật ELISA…

- Công tác quản lý nhà nước về y tế được tăng cường thông qua hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được xây dựng, triển khai theo hướng đồng bộ, toàn diện hơn, đẩy mạnh phân cấp quản lý; tổ chức bộ máy ngành y tế được kiện toàn, đảm bảo chỉ đạo chuyên môn xuyên suốt từ tuyến thành phố đến xã phường và quản lý toàn diện trên các lĩnh vực bộ máy, con người, chuyên môn, tài chính; công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, đặc biệt khâu hậu kiểm.

 - Ngành y tế và BHXH thành phố đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân theo đúng lộ trình.

Những điểm yếu

- Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mới ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp và ngành y tế đã có những lúc “bị động” khi các dịch bệnh này phát sinh (điển hình như đại dịch COVID-19 hiện nay). Trong khi đó, sự phức tạp của tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong nhưng năm gần đây, tình trạng tái xuất hiện các bệnh truyền nhiễm thông thường có thể kiểm soát được bằng tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, sởi… Công tác quản lý các các bệnh không lây nhiễm còn lúng túng.

- Các dịch vụ y tế công lập của hệ thống y tế cơ sở còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, nhiều người bệnh chọn các tuyến trên gây ra tình trạng quá tải không đáng có.-

- Đội ngũ cán bộ nhân viên y tế của hệ thống y tế cơ sở còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Các nhiệm vụ của hệ thống y tế cơ sở ngày càng nhiều và đa dạng, dẫn đến công tác hành chính, giấy tờ của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã, rất nặng nề, chiếm khá nhiều thời gian làm việc chuyên môn của nhân viên y tế.

- Tỷ lệ giường bệnh của hệ thống y tế tư nhân so với hệ thống y tế công lập còn rất thấp (hiện nay chỉ đạt 14%).

- Lợi thế của y, dược cổ truyền, dược liệu dân tộc chưa được phát huy tốt tại địa phương.

- Đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý trong các cơ sở y tế công lập còn lúng túng. Đào tạo, sử dụng, cơ cấu, chế độ đãi ngộ cán bộ y tế còn nhiều bất cập. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động chuyên môn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển ngành.

- Y tế Đà Nẵng phát triển chưa tương xứng với tầm phát triển của Thành phố Đà Nẵng, chưa thât sự triển khai một mô hình y tế thông minh nào trên địa bàn thành phố.

Những cơ hội

- Kinh tế - xã hội có xu hướng ngày càng phát triển, người dân đã có những nhận thức mới về công tác chăm lo sức khỏe cá nhân và người thân nhiều hơn.

- Xu hướng “cá thể hóa” trong y học (Y học chính xác: chăm sóc y tế phù hợp với các đặc điểm cá nhân, nhu cầu và sở thích của mỗi bệnh nhân trong tất cả các khâu phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và theo dõi).

- Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

- Nhiều chính sách và mô hình mới liên quan đến y tế đã và đang được áp dụng triển khai góp phần giúp cơ chế hoạt động của ngành y tế được hiệu quả hơn.

- Các địa bàn lân cận đến và sử dụng dịch vụ y tế tại Đà Nẵng ngày càng tăng cao

- Hệ thống y tế dự phòng đang dần được đầu tư cân bằng với hệ thống điều trị với tỷ trọng kinh phí sự nghiệp phân bổ cho tuyến dự phòng trong các năm gần đây đạt được 40% kinh phí sự nghiệp chung của toàn ngành.

Những thách thức, rủi ro

- Đang đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe mang tính chất tác động lâu dài đến cộng đồng cùng lúc: Các bệnh truyền nhiễm mới; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; bệnh không lây nhiễm; môi trường dễ tổn thương; đề kháng kháng sinh; “Do dự vắc-xin”… Sự thay đổi mô hình bệnh tật với xu hướng gia tăng các bệnh không lây nhiễm, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ do già hoá dân số. Nhiều chính sách mới còn đang áp dụng ở giai đoạn thí điểm, chưa có hướng dẫn cụ thể do đó gây không ít lúng túng cho ngành y tế địa phương. Cạnh tranh công tư, chảy máu chất xám diễn ra khốc liệt hơn khi tăng cường xã hội hóa các dịch vụ y tế. Cơ chế quản lý, tài chính, BHYT còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với mô hình mở rộng tự chủ trong hoạt động của các cơ sở y tế.

Nội dung giải pháp thực hiện trong tình hình mới

Mục tiêu chung: Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển y tế trở thành lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao.

Các giải pháp thực hiện: Trong giai đoạn đến sẽ tập trung các nội dung đảm bảo tiếp tục phát huy những điểm mạnh đạt được, cải thiện điểm yếu, tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro, thách thức, cụ thể như sau:

- Phát triển, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế; Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình y tế theo quy hoạch mạng lưới của ngành. Đến năm 2030, ngành y tế sẽ đưa vào hoạt động các công trình y tế quan trọng: Bệnh viện Đà Nẵng 2 tại phường Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn với quy mô 04 khu nhà gồm Trung tâm huyết học và truyền máu, Trung tâm Y học nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa quốc tế, Trung tâm Lão khoa; Đầu tư Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Công nghệ cao tại Bệnh viện Đà Nẵng; Dự án mở rộng Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng xây dựng Khu điều trị nội trú mới quy mô 400GB…; phấn đấu phát triển 100% đơn vị y tế xếp từ hạng 2 trở lên.

- Đổi mới hệ thống cung cấp dịch vụ y tế và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực y tế; trong đó:

+ Đổi mới toàn diện cơ chế quản lý, điều hành tại các bệnh viện, trung tâm y tế chuyên ngành để phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở trong việc huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; hướng đến việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của các đơn vị sự nghiệp công gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; từng bước áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như quản trị doanh nghiệp; khuyến khích các cơ sở y tế đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài. Tăng cường triển khai thêm đơn vị khám chữa bệnh du lịch, đơn vị y tế quốc tế như tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Răng hàm mặt và Bệnh viện đa khoa quốc tế tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Y học cổ truyền.

+ Tiếp cận các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế để nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân, phát triển các lĩnh vực y tế chuyên sâu như phẫu thuật, chẩn đoán và điều trị đột quỵ, khám và điều trị ung thư tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu.

+ Hoàn thiện hệ thống quản lý sức khỏe công dân, áp dụng các mô hình bệnh viện thông minh, bệnh viện điện tử.

+ Đổi mới và chuyển đổi mô hình cung ứng dịch vụ (chuyển dịch giảm dần từ tuyến xã, phường đến thành phố, trung ương), thực hiện nghiêm ngặt về phân tuyến danh mục kỹ thuật cho từng tuyến, đối với các bệnh viện tuyến thành phố chỉ tập trung triển khai các kỹ thuật y tế chuyên sâu, góp phần giảm tình trạng quá tải tại tuyến trên.

- Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ y tế đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu theo chức danh nghề nghiệp, theo lĩnh vực, ngành nghề; ưu tiên đào tạo cán bộ có trình độ kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu phát triển y tế chuyên sâu và năng lực hội nhập. Đồng thời, thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế; đặc biệt là cán bộ y tế về công tác tại tuyến y tế cơ sở, trong các lĩnh vực đặc thù, khó khăn và kêu gọi thu hút các chuyên gia.

- Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế đi đôi với đa dạng hoá các nguồn lực, các hình thức hợp tác công - tư để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

- Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện và hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế dân số, công tác dự phòng và y tế cơ sở.

- Chủ động trong chuẩn bị các kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các thảm họa y tế; Chuyển trạng thái mới cho toàn bộ hệ thống y tế của địa phương, không để xảy ra tình trạng “bị động, bất ngờ” với các diễn biến phức tạp của một số bệnh dịch truyền nhiễm mới; ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, phát hiện, truy vết dịch tễ học và đặc biệt là tăng cường năng lực hệ thống xét nghiệm cho hệ dự phòng. Ngoài ra, trên cơ sở xây dựng Trung tâm Y học nhiệt đới thuộc Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2 (tại Hòa Qúy) đã được UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở sớm thành lập Bệnh viện Y học nhiệt đới làm đầu mối chỉ đạo tuyến về các bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh của toàn thành phố, góp phần nâng cao năng lực cách ly người có dấu hiệu phơi nhiễm dịch bệnh.

Kiến nghị đối với thành phố

- Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình y tế trọng điểm và từng bước tăng cường trang thiết bị theo hướng đầu tư toàn diện cho y tế tuyến cơ sở và tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên môn sâu phục vụ yêu cầu phát triển trung tâm y tế vùng của thành phố.

- Thực hiện các chính sách thu hút, đào tạo mang tính đặc thù của ngành y tế.

- Có cơ chế đảm bảo đủ biên chế, số lượng người làm việc để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước theo lĩnh vực.

- Tiếp tục tăng cường tỷ trọng ngân sách đầu tư cho y tế dự phòng, y tế công cộng để y tế cơ sở thực sự là nền tảng của hệ thống y tế nhà nước, thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và tăng cường năng lực giám sát các bệnh truyền nhiễm cộng đồng.

Cổng Thông tin điện tử thành phố

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác