Khẩn trương triển khai các phương án phòng chống cơn bão số 8
Đăng ngày 23-10-2020 07:46, Lượt xem: 711

Sáng 23-10, tại buổi làm việc với các đơn vị về phương án phòng chống cơn bão số 8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã yêu cầu các sở ban ngành, UBND các quận huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, chỉ đạo các địa phương thông báo các bản tin thiên tai cho nhân dân biết để chủ động ứng phó và thực hiện triển khai phương án phòng chống bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh yêu cầu các đơn vị sở ngành, các quận huyện khẩn trương triển khai công tác ứng phó đối với cơn bão số 8

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Trung Trung Bộ, hồi 4h ngày 23-10, vị trí tâm bão số 8 ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 8 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5- 10km. Đến 4 giờ ngày 24.10, vị trí tâm bão số 8 ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 100km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 - 115km/giờ), giật cấp 13. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6 - 8m; biển động dữ dội.

Theo dự báo, bão số 8 có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền và gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ trong những ngày tới. Ngoài ra, hiện nay, các thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia đang vận hành để hạ mực nước trong các hồ về mực nước cao nhất trước lũ. Tuy nhiên, mực nước các thủy điện vẫn đang ở mức cao, khi có mưa lớn thì lưu lượng dòng chảy lũ về các thủy điện sẽ tăng cao và các thủy điện sẽ xả lũ với lưu lượng lớn, rất lớn và kéo dài. Nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, đặc biệt lưu ý các khu vực ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê, Quá Giáng, Vĩnh Điện (các xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Nhơn, Hòa Bắc, Hòa Liên, phường Hòa Hiệp Bắc) và lũ, ngập úng vùng trũng thấp, ven sông và đô thị trên các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Để chủ động ứng phó, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh yêu cầu các sở ban ngành, UBND các quận huyện rà soát, triển khai công tác sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt. Tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè khi thiên tai, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản. Thường xuyên kiểm tra, kiên quyết ngăn chặn, không cho người dân, các phương tiện đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng ngập, ngầm, tràn... Kịp thời triển khai công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, trong đó tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.

Phó Chủ tịch yêu cầu các địa phương thực hiện các phương án phòng chống bão, đặc biệt các khu vực ghe thuyền, lồng bè... cần được neo cố định, đưa lên bờ an toàn

Tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân, lưu ý những hộ dân ở vùng ngập sâu, chia cắt dài ngày. Thông báo cho UBND các xã phường tuyên truyền hướng dẫn người dân không được chủ quan khi dọn lụt sau khi lũ rút. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phâm, nước uống dài ngày và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện và trang thiết bị cứu hộ cứu nạn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố tiếp tục thông báo kịp thời cho tất cả các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Tiếp tục nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Chủ trì, phối hợp với các Cảng vụ Đà Nẵng, Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải khu vực II và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Bộ Chi huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Công an thành phố, Chủ tịch UBND các quận huyện rà soát, bổ sung, hoàn thiện các hiệp đồng tác chiến, kịch bản phương án xử lý tình huống khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Rà soát các khu dân cư, nơi đóng quân của các đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước, đặc biệt chú ý các khu vực có nguy cơ cao như ven sông Cu Đê, Túy Loan, tuyến đường ĐT 601, ADB5 Bắc Thủy Tú - Phò Nam, QL 14G, khu vực bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, Bà Nà - Núi Chúa...

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước, đạp dâng do Công ty quản lý, vận hành, thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn không cho người dân và phương tiện đi lại trong hồ và tràn xả lũ.

THÙY LINH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác