Chia sẻ giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Đăng ngày 19-01-2021 14:19, Lượt xem: 910

Trong hai ngày 18,19-1, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Aston (Vương quốc Anh) phối hợp tổ chức tập huấn với chủ đề “Đổi mới Sáng tạo trong Kinh tế tuần hoàn” và hội nghị về “Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp và các giảng viên, sinh viên trên địa bàn.

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (Đại học Đà Nẵng), Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn

Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Trung tâm tri thức về Kinh tế Tuần hoàn: Thúc đẩy Nghiên cứu Đa ngành, Nâng cao Năng lực và Lãnh đạo” của chương trình Kết nối xây dựng Môi trường Nghiên cứu, do quỹ Newton Fund tài trợ.  Đây là dự án nhằm tạo ra các cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững thông qua việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu được thực hiện ở hai quốc gia Việt Nam và Anh Quốc với mục tiêu tìm ra các điều kiện cần thiết để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, cũng như tác động xã hội và sức khỏe đối với cộng đồng.

Đi kèm với những thành quả tăng trưởng và phát triển, mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống theo chu trình khai thác, sản xuất và phát thải đã gây ra những vấn đề môi trường không nhỏ. Vì vậy, việc chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, hạn chế phát thải ra môi trường là yêu cầu cấp bách, vừa nhằm giải quyết vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí nguyên, nhiên liệu sản xuất của doanh nghiệp.

Mô hình kinh tế tuần hoàn gồm các hoạt động tạo ra các sản phẩm xanh, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng về sau; sản xuất sạch hơn, giảm phát thải và thực hiện tuần hoàn vật liệu ngay trong khâu sản xuất; người tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường sinh thái và thông minh; biến chất thải trở lại thành tài nguyên với các hoạt động tái chế chất thải, tái sử dụng tài nguyên…

Kinh tế tuần hoàn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội

Từ phân tích chuỗi giá trị của nhà sản xuất và tiêu thụ nhựa, đánh giá và so sánh vòng đời của túi nilon và các vật liệu thay thế; cơ hội và tiềm năng khi áp dụng nền kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp khởi nghiệp... các chuyên gia cho rằng kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại 4,5 nghìn tỷ USD cho toàn cầu vào năm 2030, tạo ra tác động trực tiếp tới hơn 10 trong tổng số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Tại chương trình, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng và áp dụng kinh tế tuần hoàn từ góc nhìn của doanh nghiệp; cơ hội và tiềm năng khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp và khởi nghiệp; phân tích các chuỗi giá trị giữa nhà sản xuất và tiêu thụ trong một lĩnh vực điển hình; so sánh và đánh giá vòng đời của các vật liệu dưới áp dụng của mô hình Kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, chia sẻ ứng dụng của mô hình kinh tế tuần hoàn với kinh nghiệm của Công ty TNHH MTV CNSH Minh Hồng và những kinh nghiệm quốc tế trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, từ đó cùng trao đổi về tính tất yếu và những điều kiện chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

THÙY LINH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác