Nội dung bồi dưỡng cán bộ trẻ cần ngắn gọn, chuyên sâu, tập trung nâng cao kỹ năng phù hợp với tình hình thực tế
Đăng ngày 19-01-2021 16:19, Lượt xem: 435

Sáng 19-1, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Đề án 500 Trí thức trẻ (Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020) và Đề án 567 (Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014-2020). Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ trướng Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Võ Ngọc Đồng chủ trì điểm cầu tại Đà Nẵng.

Theo báo cáo, Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng” với lực lượng thanh niên khoảng 23.684.000 người, chiếm khoảng 24,3% tổng dân số cả nước. Trong đó, tỉ lệ nam thanh niên là 51,5% và nữ thanh niên là 48,5%.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Chiến lược), các chính sách, cơ chế phát triển thanh niên đã có nhiều chuyển biến tích cực; các cấp, ngành đã triển khai đầy đủ và toàn diện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo chức năng, nhiệm vụ. Dấu ấn lớn nhất của giai đoạn này là việc Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Thanh niên. Đây chính là nền tảng, là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên.

Đến nay, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã đi vào nề nếp, dần khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với tổ chức Đoàn Thanh niên hoặc “khoán trắng” cho tổ chức Đoàn Thanh niên so với giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược.


Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. ẢNH: VGP

Với sự chăm lo của toàn xã hội, thanh niên ngày càng nhận thức sâu sắc, rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, bản thân; nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập và lao động; nhiều thanh niên trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh trẻ, giỏi; tỉ lệ trí thức trẻ chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học, công nghệ ngày càng gia tăng; sự tham gia của thanh niên vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ngày càng được tăng cường.

Trong giai đoạn 2021-2030, Bộ Nội vụ tiếp tục xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các hệ thống chính sách, pháp luật nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát triển toàn diện thanh niên; chú trọng nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong quá trình thực hiện Chiến lược; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên; vận động, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên.


Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Võ Ngọc Đồng chủ trì điểm cầu tại Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, với vai trò là đô thị loại I trực thuộc Trung ương với 1.134.310 người, trong đó thanh niên từ 16-30 tuổi hiện có 317.000 người, chiếm khoảng 28% dân số. Đây là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Trong những năm qua, tình hình thực hiện pháp luật, chính sách đối với thanh niên và công tác thanh niên của thành phố có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả khá toàn diện. Trong giai đoạn 2021-2030, thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược, kế hoạch phát triển thanh niên phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong cùng thời kỳ; bố trí đủ cán bộ, công chức làm công tác thanh niên; lồng ghép các vấn đề phát triển thanh niên trong công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Về kết quả thực hiện Đề án 500 Trí thức trẻ (Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020), tính đến tháng 7-2015, Bộ Nội vụ đã hoàn thành tuyển chọn và bố trí 500 trí thức trẻ tình nguyện về xã công tác, vượt tiến độ 6 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2020, khi Đề án kết thúc, các trí thức trẻ đã hoàn thành nhiệm vụ 5 năm công tác tại xã.

Để triển khai thực hiện Đề án 567, từ năm 2015-2020, Bộ Nội vụ đã tổ chức bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã, 42 tỉnh trong phạm vi Đề án, đạt 98% mục tiêu đề ra. Trong quá trình tổ chức các lớp bồi dưỡng, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ các tỉnh và các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức lớp triển khai các công tác đảm bảo các lớp bồi dưỡng được thực hiện đúng kế hoạch và quy định hiện hành. Công tác kiểm tra, đôn đốc được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ.


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. ẢNH: VGP

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và các Đề án. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị để có các giải pháp khắc phục các hạn chế, xây dựng chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục tham mưu Chính phủ xem xét cho chủ trương xây dựng và triển khai thực hiện Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, các nội dung bồi dưỡng cần bảo đảm ngắn gọn, chuyên sâu, tập trung vào nâng cao kỹ năng cho cán bộ, công chức trẻ phù hợp với từng vùng miền, nhất là nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin. Các ngành, địa phương nghiên cứu quan tâm thu hút đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi, lưu ý cách làm mới, huy động nhiều nguồn lực tạo đột phá để Đề án triển khai đạt hiệu quả. Bộ Nội vụ đôn đốc các địa phương bố trí sử dụng, đào tạo, xét tuyển phù hợp, đúng quy định pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện.

Dịp này, các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và các Đề án được nhận bằng khen của  Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác