Đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện chuyển đổi số, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công
Đăng ngày 25-06-2021 01:23, Lượt xem: 479

Ngày 24-6, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS). Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng có Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng và đại diện các đơn vị, địa phương.

 Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, Chỉ số cải cách hành chính là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Qua đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho cải cách hành chính Nhà nước. Phương pháp đánh giá Chỉ số  cải cách hành chính năm 2020 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS) tương tự với các năm trước, bao gồm tự đánh giá của các bộ, các tỉnh với đánh giá thông qua điều tra xã hội học và kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính.

Năm 2020, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của UBND 63 tỉnh, thành phố đã khảo sát ý kiến của 35.268 người dân và tổ chức từ 3.000 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 600 đơn vị hành chính cấp huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả khảo sát Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS) cho thấy, người dân và các tổ chức ngày càng hài lòng hơn trong việc tiếp cận dịch vụ công, liên tục tăng từ gần 80% năm 2017 lên trên 85% năm 2020. Khoảng cách chênh lệch giữa tỉnh có Chỉ số hài lòng cao nhất và tỉnh có chỉ Chỉ số hài lòng thấp nhất được thu hẹp dần, từ 28,05% xuống 20,08%. Chỉ số SIPAS 2020 cung cấp một bộ các chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá mức độ hài lòng và nhu cầu của người dân, tổ chức đối với 16 nhóm dịch vụ công thuộc 8 nhóm lĩnh vực được cung ứng tại 3 cấp hành chính ở địa phương. 

Tại hội nghị, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính  của Chính phủ Phạm Minh Hùng đã công bố kết quả Chỉ số SIPAS năm 2020. Đứng đầu là tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Các tỉnh xếp cuối bảng là Bình Thuận (63/63), Đắk Lắk (62/63), Cao Bằng (61/63), Quảng Bình (60/63), Quảng Ngãi (59/63).

Đối với Chỉ số PAR Index năm 2020, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu đối với cấp tỉnh. Tiếp đó là Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Đồng Tháp. 5 tỉnh đứng cuối bảng là Quảng Ngãi (63/63), Phú Yên (62/63), Kiên Giang (61/63), Ninh Thuận (60/63) và Bắc Kạn (59/63). Thành phố Đà Nẵng đứng vị trí thứ 6 khối tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với 86.56 điểm. Trong đó, điểm thẩm định: 58.01 (đứng vị trí thứ 2); điểm đánh giá của tác động cải cách hành chính, gồm: chỉ số SIPAS: 8.2; Khảo sát lãnh đạo quản lý: 18.31; tác động đến phát triển kinh tế xã hội: 2.00.

Về Chỉ số PAR Index của các bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp là ba đơn vị đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 (PAR Index) trên 90%. Bộ Giáo dục và Đào tạo có kết quả thấp nhất với 83,24%.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ ghi nhận những nỗ lực của các bộ ngảnh, địa phương trong công tác cải cách hành chính; đồng thời nhấn mạnh hội nghị trực tuyến được tổ chức trong bối cảnh cả nước tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021. Hơn lúc nào hết, công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, chuyển đổi số quốc gia... cần thực hiện nhanh chóng, bảo đảm phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, đơn giản hoá các quy định, tinh gọn bộ máy nhà nước. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử. Nhấn mạnh cải cách hành chính thay đổi phương thức làm việc giữa cơ quan nhà nước với người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục bổ sung phương pháp, nội dung đánh giá Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS phù hợp với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, bảo đảm đánh giá toàn diện, công bằng và khách quan. 

THÙY LINH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác