Báo cáo đề dẫn của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh tại Hội nghị "Đối thoại doanh nghiệp"
Đăng ngày 24-09-2021 08:50, Lượt xem: 1527

Cổng Thông tin điện tử thành phố trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo đề dẫn của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh tại Hội nghị "Đối thoại doanh nghiệp".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh báo cáo đề dẫn tại Hội nghị

Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên BCH TW  Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng; 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý doanh nghiệp, doanh nhân;

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thay mặt UBND thành phố Đà Nẵng, tôi xin trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua và dự thảo Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội của thành phố trong trạng thái bình thường mới.

Về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19:

1.   Tình hình Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến ngày 22/9/2021, cả nước đã ghi nhận 718.963 ca nhiễm,  số mắc trên 01 triệu dân của Việt Nam đứng thứ 155/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.306 ca nhiễm); Tổng số ca được điều trị khỏi là 487.262; Tổng số ca tử vong là 17.781 ca. 

2.   Tình hình thành phố Đà Nẵng

-  Về tình hình dịch bệnh: 

Năm 2021, thành phố bắt đầu ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 03/5/2021. Từ ngày 28/7/2021, dịch COVID-19 tại thành phố có xu hướng tăng nhanh và xuất hiện nhiều ổ dịch. Tính đến ngày 22/9/2021, thành phố đã ghi nhận 4.884 ca mắc.  

 - Về kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh: Bắt đầu từ 28/7/2021, thành phố thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, trong đó, cao điểm từ ngày 16/8-16/9 đã áp dụng các biện pháp mạnh hơn, cao hơn so với Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ.

 Từ số ca mắc ghi nhận trung bình 120-140 ca/ngày (tháng 8/2021) giảm xuống còn trung bình 20-30 ca/ngày (tháng 9/2021), đặc biệt tuần 37/2021 ghi nhận trung bình 2-5 ca/ngày. Hiện nay thành phố Đà Nẵng ghi nhận 39 xã, phường không có ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tục.

Đánh giá mức độ nguy cơ, thành phố vẫn đang ở mức độ nguy cơ cao (4 quận ở mức nguy cơ: Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu; 3 quận, huyện ở mức bình thường mới: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang). Về tiêu chí kiểm soát dịch thì hiện thành phố đạt 6/7 tiêu chí (Tiêu chí “Không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 07 ngày”: Chưa đạt).

Về điều trị: 655 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, 3.953 người đã khỏi bệnh và 65 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong là 1,2%. 

Về tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19: Dân số trên 18 tuổi trên địa bàn thành phố khoảng 826.933 người. Hiện nay, thành phố đã tiếp nhận là 684.356 liều vắc xin. Tính đến ngày 22/9/2021, thành phố đã tổ chức tiêm 637.015 liều; trong đó 558.963 người đã tiêm 01 mũi (67,6%); 78.052 người đã tiêm 02 mũi (9,4%).

Có thể thấy, về cơ bản, thành phố đã kiểm soát được tình hình và đã bước đầu khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định về việc thực hiện giãn cách xã hội và một số biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19 nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, nhất là trong giai đoạn tháng 8 đã làm cho giá trị sản xuất một số ngành kinh tế chủ lực của thành phố giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019, đồng thời đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Cụ thể:

- Dịch vụ du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố đã phải chịu nhiều tác động trực tiếp từ dịch COVID-19. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.074 tỷ đồng, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2020.

- Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng lớn, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,16% so với cùng kỳ 2020.

- Tống vốn đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao đạt 1.827 tỷ đồng, giảm mạnh 88,58% so với cùng kỳ 2020.

- Giảm 13,4% về số doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giảm 18,2% về số vốn điều lệ đăng ký so với cùng kỳ 2020. Hoàn tất thủ tục giải thể cho 542 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và  có 2.297 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động.

- Ước 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán năm 2021 đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch Trung ương giao và 36,7% HĐND thành phố giao.

- Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 15.049,8 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán HĐND thành phố giao.

- Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án của các cấp thẩm quyền liên quan đến các vụ việc trước đây đã phát sinh nhiều vướng mắc, nhất là trong thủ tục đất đai đối với các dự án bất động sản, ảnh hưởng nhiều đến việc khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển của thành phố.

Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể thấy, nhiều chỉ số ghi nhận tín hiệu tăng trưởng tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2020 như:  

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 43.066 tỷ đồng, tăng 5,6%.

- Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.306 triệu USD, tăng 14,9%.

- Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 10.444 tỷ đồng, tăng 6,3%.

- Kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 65,5 triệu USD, tăng 8,6%.

- Tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) 09 tháng đầu năm đạt 149,135 triệu USD, tăng 27,4 triệu USD.

- Đặc biệt, đầu năm 2021, UBND thành phố đã thành lập 02 tổ công tác để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, bao gồm: Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng (Tổ công tác 509) và Tổ công tác liên ngành tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề liên quan khác đối với dự án, khu đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Tổ Công tác 602). Trong 9 tháng, thành phố đã tiếp nhận và xử lý 170 kiến nghị liên quan đến các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thành phố cũng nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ cho người lao động cũng như các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, cụ thể:

Tính đến ngày 14/9/2021, tổng số kinh phí đã hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND thành phố là 76,7 tỷ đồng.

Về hỗ trợ tín dụng: tính đến ngày 31/8/2021, tổng dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 trên địa bàn thành phố là 63.352,29 tỷ đồng, chiếm 33,6% tỷ trọng dư nợ. 

Ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế tại cuối kỳ báo cáo (bao gồm gốc, lãi) là 7.030 tỷ đồng với 3.734 khách hàng; lũy kế tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (bao gồm gốc, lãi) là 12.368 tỷ đồng với 6.344 khách hàng

Dư nợ được miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ tại cuối kỳ báo cáo là 3.236 tỷ đồng với 434 khách hàng; lũy kế tổng giá trị nợ đã được miễn giảm lãi là 6.080 tỷ đồng, với số lãi 20,11 tỷ đồng với 772 khách hàng. 

Giảm lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch covid 19 từ 0,5-1,5% so với mức lãi suất cho vay hiện hành.

Về kết quả hỗ trợ các chính sách thuế:

- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác, ước giảm 77,2 tỷ đồng;

- Giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, ước giảm 25 tỷ đồng.

- Giảm một số khoản thu phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đối tượng chịu thuế, ước giảm 50 tỷ đồng.

- Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất trong năm 2021 với số tiền ước giảm 1.088,4 tỷ đồng (trong đó tiền thuê đất là 128 tỷ đồng).

Về  hỗ trợ chuyên gia nước ngoài nhập cảnh: Từ ngày 01/01/2021 đến thời điểm 15/9/2021, UBND thành phố chấp thuận cho 223 lượt người là chuyên gia người nước ngoài và người thân vào làm việc tại 56 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Về hỗ trợ tiêm vaccine cho doanh nghiệp: Trong thời gian vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã tiến hành tổ chức tiêm cho các doanh nghiệp thuộc khu công nghệ cao và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố; Cụm công nghiệp Thanh Vinh (số lượng đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt gần 85%). Ngoài ra, đã tổ chức tiêm cho các công ty, doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn (trên 2.000 người) và các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cung cấp hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vận tải, hàng không, dược, vật tư, trang thiết bị y tế…

Từ đầu năm đến nay, trước tình hình diễn biến dịch bệnh COVID 19 phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp đã đồng lòng chung tay cùng chính quyền thành phố trong công tác phòng chống dịch, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người nghèo, cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân thành phố, hỗ trợ bộ test nhanh kháng nguyên COVID 19, sinh phẩm test COVID, trang thiết bị y tế để chữa bệnh cho các bệnh nhân nhiễm covid 19... Tổng số tiền mà cộng đồng doanh nghiệp tài trợ ước tính khoảng 150 tỷ đồng (riêng tiền mặt khoảng 57 tỷ đồng).

Kính thưa quý vị đại biểu,

Nhằm mục đích xây dựng các giải pháp thích ứng với an toàn dịch bệnh, trên cơ sở đó từng bước ổn định, khôi phục và thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội sau khi kiểm soát được dịch bệnh, UBND thành phố Đà Nẵng đã dự thảo Kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới với các nội dung cụ thể như sau:

1.   Quan điểm phòng chống dịch

- Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. 

- Triển khai thần tốc, quyết liệt các biện pháp điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, điều trị, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào thành phố để kiểm soát, phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong trên nguyên tắc “khoanh vùng, cách ly diện hẹp, xét nghiệm, sàng lọc diện rộng”.

- Thực hiện mục tiêu kép, tập trung phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội gắn với phòng, chống dịch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

- Quán triệt phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân ủng hộ quan điểm, chủ trương của thành phố, nỗ lực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch mà thành phố đang áp dụng.

2. Dự kiến lộ trình mở lại các hoạt động kinh tế, xã hội 

Trên cơ sở dự thảo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 về thích ứng an toàn với dịch Covid-19 thì hiện nay thành phố đã đáp ứng được các chỉ số phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 1 (bình thường mới). 

Thành phố dự kiến áp dụng biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 2 (theo Chỉ thị 19) từ 01/10/2021 đến 15/10/2021 (để đảm bảo đủ thời gian tạo kháng thể đối với người dân đã tiêm mũi 1), sau đó sẽ chuyển sang áp dụng cấp độ 1 khi hướng dẫn được ban hành chính thức.

Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn so với dự kiến của ngành Y tế, tùy vào đánh giá mức độ nguy cơ, thành phố sẽ chuyển sang áp dụng trạng thái phòng chống dịch ở cấp độ cao hơn, theo từng khu vực và phù hợp với thực tiễn.

3. Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu

3.1.     Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2021

- Phấn đấu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2021 (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 1,59% so với năm 2020; các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,86%, 1,74% và 0,98%.

- Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2021 ước đạt 89,8% so dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao.

3.2. Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2022

Thành phố xây dựng 03 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022 ở 03 cấp độ Thấp, Trung bình và Cao, trong đó: khu vực Công nghiệp - Xây dựng có tốc độ phục hồi và tăng nhanh hơn khu vực Dịch vụ; khu vực Nông, Lâm, Thủy sản cơ bản duy trì như những năm trước. Cụ thể:

- Kịch bản Thấp: tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 4,47% so với năm 2021, trong đó các khu vực Nông, Lâm, Thủy sản; Công nghiệp - Xây dựng; Dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,85%, 5,4% và 3,87%.

- Kịch bản Trung bình: tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 5,75% so với năm 2021, trong đó các khu vực Nông, Lâm, Thủy sản; Công nghiệp - Xây dựng; Dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,5%; 6,8% và 5,4%. 

- Kịch bản Cao: tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021, trong đó các khu vực Nông, Lâm, Thủy sản; Công nghiệp - Xây dựng; Dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,01%, 8,40% và 6,63%.

Dự kiến tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 đạt trên 95% vào cuối tháng 9/2021, 100% mũi 1 và 22,1% mũi 2 vào cuối tháng 10/2021; khả năng kiểm soát dịch bệnh ở cấp độ 1 (trạng thái bình thường mới) thì khả năng thành phố sẽ đạt được các chỉ tiêu năm 2022 theo kịch bản Trung bình. Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế quốc tế sớm phục hồi trở lại thì các ngành kinh tế cấp 1 chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của thành phố như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng; Vận tải kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống… sẽ được phục hồi nhanh, trở lại mức tương đương hoặc cao hơn năm 2019 thì khả năng thành phố sẽ đạt được tăng trưởng ở mức kịch bản Cao.

Kính thưa Hội nghị, 

Nhằm phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới và đạt được những mục tiêu nêu trên, thành phố xác định một số giải pháp trọng tâm sau: 

1.   Tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách đã được ban hành:

- Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccin, dự kiến:

+ Cuối tháng 9/2021 đạt 95% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin mũi 1.

+ Cuối tháng 10/2021 đạt 100% tiêm vắc xin mũi 1 và 22,1% tiêm vắc xin mũi 2.

+ Đến cuối năm 2021 đạt 100 % người trên 18 tuổi tiêm đủ 02 mũi vắc xin.

- Xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội thành phố trong trạng thái bình thường mới.

- Hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố trong thời hạn 06 tháng.

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo Nghị quyết 149 của Hội đồng nhân dân thành phố.

- Hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cụ thể: Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương: 3.710.000 đồng/người; Lao động bị ngừng việc: 1.000.000 đồng/người; người Lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp: 3.710.000 đồng/người.

- Hỗ trợ Hợp tác xã, Hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ đơn vị.

- Tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trả lương cho lao động ngừng việc, vay khôi phục sản xuất kinh doanh của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

2. Nghiên cứu triển khai các nhóm giải pháp mới trong thời gian tới

 - Hỗ trợ phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung.

 - Hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistic, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Hỗ trợ chi phí xét nghiệm người lao động cho doanh nghiệp (mức độ xét nghiệm căn cứ theo Kế hoạch phòng chống dịch và khôi phục kinh tế của thành phố).

- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ đầu tư Phát triển thành phố để khôi phục sản xuất kinh doanh.

- Hỗ trợ tiêm vaccin ngừa COVID 19 cho người lao động mới tại các doanh nghiệp.

- Triển khai Chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân.

- Miễn phí kinh phí đào tạo nghề cho người lao động (từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả).

- Hỗ trợ điều chỉnh giảm hệ số đối với các thửa đất có vị trí đặc biệt; điều chỉnh bổ sung hệ số phân vệt khu đất theo chiều sâu thửa đất (gồm đất ở, đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh).

- Hỗ trợ cho phép gia hạn thuê đất đối với đối với thuê đất theo hiện trạng sử dụng.

- Cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh giãn tiến độ triển khai dự án đầu tư do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Ngoài ra, thành phố sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành trung ương xem xét đối với các quy định vượt quá thẩm quyền cho phép của UBND thành phố. Cụ thể như sau:

1. Về vaccine: 

- Đề nghị Bộ Y tế tiếp tục ưu tiên bố trí vắc xin phòng Covid-19 cho thành phố Đà Nẵng; đồng thời, thành phố chủ động đăng ký mua nhằm đảm bảo 90% người dân trong độ tuổi quy định được tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng Covid-19 (kể cả trẻ em từ 12-18 tuổi)... 

2. Về cơ cấu nợ và giãn, giảm lãi suất: 

- Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách tín dụng trong thời gian tới; điều chỉnh Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 quy định cơ cấu nợ tối đa 12 tháng, đề nghị kéo dài thành 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại để doanh nghiệp có đủ thời gian khôi phục.  

- Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn để các NHTM có nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để cho vay đối với nhu cầu cấp bách, trọng điểm nhằm vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát; hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để Ngân hàng đảm bảo nguồn vốn phục vụ kinh doanh.

3. Về thuế và tiền thuê đất:

Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đề xuất Chính phủ gia hạn và giảm thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ, cụ thể:

- Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của các doanh nghiệp trong năm 2021.

- Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế. 

- Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01/9/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, bao gồm: Vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); Dịch vụ lưu trú; Dịch vụ ăn uống; Hoạt động xuất bản; Hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; Hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí, theo đó:

+ Doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh quy định tại khoản này thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng. 

+ Doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh quy định tại khoản này thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng.

4. Về bảo hiểm xã hội:

- Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Chính phủ có chính sách miễn, giảm lãi chậm đóng tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

- Đề xuất sửa đổi điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo hướng: Tính số lao động giảm (15%) bao gồm cả số lao động ngừng việc, nhằm tạo điều kiện mở rộng đối tượng được tiếp cận chính sách này. 

- Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất, phối hợp Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các cơ quan thẩm quyền có giải pháp đơn giản hóa thủ tục xác nhận Danh sách người lao động.

- Cần có Chính sách duy trì mở thẻ bảo hiểm y tế từ tháng 4/2021 đến hết tháng 12/2021 để người lao động đi khám thai, nghỉ thai sản và khám chữa bệnh, vì trong bối bối cảnh dịch bệnh COVID 19, doanh nghiệp phải thực hiện 03 tại chổ hoặc chỉ hoạt động không quá 50% số lao động thì số ngày công trong tháng sẽ ít hơn 14 ngày (không thể đóng bảo hiểm xã hội), nếu kéo dài thời gian này thì người lao động không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản và thẻ bảo hiểm xã hội hết hiệu lực.

5. Về giá điện: 

- Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nghiên cứu bổ sung đối tượng “cơ sở lưu trú du lịch” áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất.

Trên đây là báo cáo tóm tắt về tình hình phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua và dự thảo Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới của thành phố Đà Nẵng.

Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã lắng nghe./.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.