Kiểm soát và giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em
Đăng ngày 21-10-2021 23:48, Lượt xem: 339

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 30-9-2021 thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, với mục tiêu kiểm soát và giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của trẻ em, hạnh phúc của gia đình và sự phát triển bền vững của thành phố.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2030, thành phố phấn đấu giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 500/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 400/100.000 vào năm 2030; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích xuống dưới 12/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 10/100.000 vào năm 2030; hằng năm giảm 15% số trẻ em tử vong và 10% số trẻ em bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. Giảm 25% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 40% vào năm 2030.

Đồng thời, phấn đấu 80% các hộ gia đình có trẻ em được hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xây dựng ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; 100% trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; lựa chọn, xây dựng xã, phường đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phấn đấu 90% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vào năm 2025 và 95% vào năm 2030; 90% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ năm 2025 và 95% vào năm 2030; 100% trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học biết bơi an toàn và biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và duy trì đến năm 2030. 75% trẻ em THCS học biết bơi an toàn và biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 85% vào năm 2030. 100% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

Kế hoạch đặt mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp thành phố, quận, huyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; 95% cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em năm 2025 và 100% vào năm 2030.

Phấn đấu 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2025 và duy trì đến năm 2030; 100% quận, huyện, xã, phường triển khai thu thập thông tin, đữ liệu về tai nạn, thương tích trẻ em. Triển khai chương trình hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, dạy bơi an toàn cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; truyền thông, giáo dục vận động nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Bên cạnh đó, thí điểm và nhân rộng các mô hình về tư vấn, giáo dục kiến thức, thực hiện kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ; nâng cao nâng lực về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em của các cấp, các ngành và đoàn thể. Xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em, phòng ngừa tai nạn giao thông trẻ em, phòng ngừa ngã, cháy, bỏng, động vật cắn, phòng ngừa trẻ em tự tử.

UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các sở, ngành, hội, đoàn thể, UBND các quận, huyện, các cơ quan, tổ chức có liên quan để triển khai thực hiện Kế hoạch. Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, cha mẹ, trẻ em và vận động sự tham gia của xã hội đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông; xây dựng, nhân bản và cung cấp tài liệu liên quan đến công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đến các đơn vị liên quan để tuyên truyền, phổ biến; tổ chức nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công tác viên làm công tác trẻ em.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình tư vấn, giáo dục kiến thức, thực hiện kỹ năng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; mô hình xây dựng xã, phường đạt tiêu chí Cộng đồng an toàn và xây dựng ngôi nhà an toàn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; tham mưu hỗ trợ kịp thời các trường hợp trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên toàn thành phố; định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND thành phố.

UBND thành phố cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, hội đoàn thể và các địa phương triển khai hiệu quả Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 26-7-2021 của UBND thành phố về thực hiện mục tiêu Chương trình “Không có học sinh bị xâm hại, bạo hành trong nhà trường; học sinh bỏ học, bị đuối nước giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong trường học trên địa bàn thành phố; nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho giáo viên, nhân viên, bảo mẫu ở các nhỏm trẻ độc lập tư thục; phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong nhà trường, chú trọng kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước, tai nạn giao thông.

Đồng thời, phát huy các phong trào dạy - học bơi hiệu quả cho trẻ em trong trường học; tiếp tục triển khai phổ cập bơi cho học sinh tiểu học làm tiền đề phổ cập bơi cho học sinh trung học cơ sở. Tăng cường vận động xã hội hóa, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đầu tư cơ sở, bể bơi trong các trường học và phối hợp tổ chức dạy bơi, kỹ năng sống cho học sinh trong các chương trình ngoại khóa theo đúng quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm duy trì và nâng cao chất lượng mô hình trường học an toàn, thân thiện với trẻ em, trong đó chú trọng xây dựng trường học “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”; hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện quy trình đưa đón, bàn giao học sinh từ nhà đến trường và ngược lại khi hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học; phát động phong trào xây dựng mô hình Cổng trường an toàn giao thông.

Sở Y tế chỉ đạo, huớng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc sơ cứu, cấp cứu, điều trị, vận chuyển cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ em bị tai nạn thương tích; củng cố, phát triển mạng lưới và năng lực sơ cấp cứu tai nạn thương tích tại cộng đồng trước khi đến bệnh viện; đầu tư trang thiết bị sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích tại cộng đồng. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành y tế về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phối hợp với Sở Giáo dục va Đào tạo tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế tại các trường mẩm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố; lồng ghép công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong xây dựng Cộng đồng an toàn của ngành y tế. Thu thập, tổng hợp số liệu về tai nạn, thương tích trẻ em trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong các hoạt động và thiết chế của ngành văn hóa, thể thao; lồng ghép nội dung phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong công tác gia đình. Tổ chức tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Bơi, Lặn, các đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất các trường, cán bộ văn hóa, thể thao các cấp và các đơn vị kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước; kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước, thể thao mạo hiểm đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động.

Hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm tham mưu UBND thành phố tổ chức Lễ phát động toàn dân tạp luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trên địa bàn thành phố và tăng cường tổ chức giải Bơi, Lặn cho đối tượng thanh thiếu nhi cấp thành pho và quốc gia. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại các cơ sở dịch vụ và hoạt động luyện tập thể dục, thể thao trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện căn cứ tình hình của địa phương, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn quản lý. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội và trẻ em về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tổ chức rà soát, lắp đặt các hệ thống biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm, khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em trên địa bàn theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình có trẻ em bị tai nạn thương tích đặc biệt nghiêm trọng, trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích; lập dự toán, bố trí ngân sách theo quy định; huy động, vận động các nguồn lực và bố trí nhân lực của địa phương thực hiện kế hoạch; tổ chức kiểm tra, giám sát; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố việc thực hiện kế hoạch tại địa phương.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.