Thực hiện Chương trình An sinh xã hội đến năm 2025
Đăng ngày 21-10-2021 23:48, Lượt xem: 972

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 1-10-2021 Thực hiện Chương trình An sinh xã hội đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình An sinh xã hội, triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 980/QĐ-UBND ngày 26-3-2021 của UBND thành phố ban hành Đề án thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trên lĩnh vực Lao động, Người có công và Xã hội, kế hoạch đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo của thành phố; nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình chính sách, đảm bảo không có hộ người có công thuộc hộ nghèo; đầu tư xây dựng từ 1 -2 Trung tâm dưỡng lão dành cho người cao tuổi; đảm bảo 100% các đối tượng yếu thế được trợ giúp với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Trên lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, phấn đấu mở rộng diện bao phủ người tham gia BHXH, BHYT và tăng nhanh nhóm người tham gia BHXH tự nguyện, hướng đến mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân; mở rộng quyền lợi, nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết đầy đủ, kịp thời, chính xác chế độ BHXH, BHYT cho người tham gia. Đến năm 2025, có ít nhất 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm ít nhất 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; ít nhất 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); độ bao phủ BHYT toàn dân đạt 99%; có ít nhất 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90% trở lên.

Lĩnh vực Y tế đặt mục tiêu duy trì 100% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 99%;         chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra; phát triển, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng dân số.

Lĩnh vực Giáo dục đặt mục tiêu triển khai Đề án xây dựng, nâng cấp mở rộng trường học; triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 (2020-2025). Xây dựng và triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Trên lĩnh vực xây dựng, phấn đấu mở rộng mạng lưới cấp nước đảm bảo duy trì tỷ lệ số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%. Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh đạt 100%; đến năm 2025, có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Lĩnh vực môi trường đặt mục tiêu phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; tập trung phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời ô nhiễm môi trường phát sinh, không để trở thành, điểm nóng môi trường. Cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm gồm môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất, chất thải rắn, chất thải nguy hại. Các điểm nóng ô nhiễm môi trường được cải tạo; không có cơ sở gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng; 100% các phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường của người dân được giải quyết kịp thời. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh đạt 100%; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đạt 90%.

Lĩnh vực Văn hóa - Thể thao đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, truyền thông đảm bảo 100% xã, phường có nhà văn hóa, đài truyền thanh cơ sở; hoàn thiện thiết chế văn hóa thông tin cơ sở và nâng cao hiệu quả sử dụng, hiệu quả hoạt động để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và luyện tập thể dục, thể thao của nhân dân Phấn đấu đến năm 2025, 80% xã, phường có thiết chế Trung tâm văn hóa thể thao hoàn thiện, 20% các phường còn lại có Nhà văn hóa; trong đó được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.

Đồng thời, 100% các Trung tâm văn hóa thể thao quận, huyện được đầu tư và hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch gắn với chức năng phục vụ văn hóa của người lao động, công đoàn. Quy hoạch và xây dựng Trung tâm Văn hóa thành phố đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đầu tư hoàn thiện cơ sơ vật chất, trang thiết bị cho Nhà Văn hóa thiếu nhi; đầu tư cải tạo nâng cấp Nhà Văn hóa Lao động; 100% khu công nghiệp được bố trí quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Trong đó, tối thiểu 30% Khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động xây dựng được Trung tâm văn hóa thể thao. Có 0,8 bản sách/người dân (kể cả bản sách điện tử); có 50% người dân được sử dụng thư viện công cộng; có 50% phường, xã có phòng đọc sách. Có 38,5% người dân và 31,7 % số hộ gia đình tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.

Trên lĩnh vực thông tin truyền thông, phấn đấu 100% xã có đài truyền thanh cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đài truyền thanh cơ sở và đài phát lại tại các xã thuộc huyện Hòa Vang; bảo đảm tất cả mọi nơi trên địa bàn thành phố có thể thu tín hiệu phát thanh và truyền hình; 100% các thôn khu vực miền núi có Internet. Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới: phát triển hệ thống dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; tăng cường tần suất, thời lượng, chất lượng nội dung tuyên truyền các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, cơ quan trực thuộc UBND thành phố và các cơ quan liên quan căn cứ Kế hoạch tổ chức thực hiện kịp thời và có hiệu quả, đảm bảo yêu cầu những nội dung của Kế hoạch, báo cáo về UBND thành phố, đồng thời gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, tổng hợp.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch. Tổng hợp báo cáo kết quả, tham mưu UBND thành phố tổ chức sơ kết, tổng kết.

UBND thành phố cũng giao các sở, ngành, các địa phuơng và các đơn vị liên quan căn cứ các nhiệm vụ của UBND thành phố giao tại Kế hoạch, các định mức chi tiêu và nội dung chi theo quy định hiện hành, lập dự toán chi tiết, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước. Trên cơ sở dự toán được UBND thành phố giao, các sờ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan chủ động cân đối triển khai thực hiện và quyết toán nguồn kinh phí nêu trên theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung, nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch, các sở, ban, ngành chủ động báo cáo Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác