Đà Nẵng trên hành trình trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Đăng ngày 01-12-2022 11:31, Lượt xem: 732

Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị xác định “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Để đạt được mục tiêu đặt ra, trong những năm qua, Đà Nẵng đã có những bước tiến mới trong quá trình xây dựng, phát triển triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Xây nền tảng vững chắc

Trong vòng 1 thập niên, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Các chương trình, chính sách của thành phố đã tạo điều kiện, góp phần quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển. Tuy nhiên, để tạo nên một sức bật mới, mang tính bước ngoặt trong phát triển cộng đồng doanh nghiệp ở giai đoạn tiếp theo, Đà Nẵng cần phải có hướng đi mới, một tầm nhìn dài hạn hơn.

Một trong những hướng đi mới đó là tạo dựng được một văn hóa khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Những câu chuyện thành công trong hỗ trợ khởi nghiệp của các quốc gia như Mỹ, Israel, Singapore... tiếp thêm cho Đà Nẵng động lực và những kinh nghiệm trên con đường sáng tạo, tìm tòi hướng đi mới.  

Sự ra đời của Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố, Vườn ươm doanh nghiệp thành phố vào năm 2016 đã mở đầu cho bước đi mới của thành phố.

Bắt đầu từ đó đến nay, quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng cơ bản trải qua 3 giai đoạn chính.

Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn truyền cảm hứng, khát vọng (2014 - 2015), đây là giai đoạn kích hoạt của hệ sinh thái với Chương trình “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” và Chương trình “Phát triển khởi nghiệp Đà Nẵng 2016”, qua đó đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp với sự ra đời của Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng. Đó cũng chính nền tảng cơ bản, bước đi đầu tiên khởi đầu cho việc hình thành nên một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng với vai trò là "bà đỡ" của chính quyền thành phố, cùng sự tham gia đầy nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.



Lãnh đạo Bộ Khoa học & Công nghệ và lãnh đạo thành phố nghe các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo  - SURF 2022

Từ nền tảng ban đầu, với vai trò thúc đẩy của chính quyền thành phố, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành và hoạt động tích cực như Vườn ươm doanh nghiệp thành phố, Câu lạc bộ Kiến tạo khởi nghiệp (9Start Lab), Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ Đà Nẵng (Hiệp hội Khoa học và Công nghệ) và các Câu lạc bộ trong các trường đại học như Câu lạc bộ Khởi nghiệp Bách Khoa (Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng) và Câu lạc bộ khởi nghiệp Duy Tân (Đại học Duy Tân).

Trong giai đoạn này, trên địa bàn thành phố đã hình thành một vài không gian làm việc chung như Fablab Da Nang, The Hub, Enouvo Space. Một số quỹ có các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng như: PVNi, Lotus Fund, IPP (Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan), Innofund của Dự án BIPP (dự án song phương được Vương quốc Bỉ tài trợ cho Việt Nam từ nguồn vốn ODA không hoàn lại thông qua Cơ quan Phát triển Bỉ ), Quỹ khuyến khích đổi mới công nghệ Hồ Nghinh.

Một số chương trình ươm tạo doanh nghiệp đầu tiên được triển khai như: Chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng” của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DNNVV Đà Nẵng (DATADC), Chương trình “Ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ thông tin” của trường Cao đẳng CNTT Đà Nẵng, Chương trình ươm tạo của Vườn ươm Sáng tạo (Trung tâm Sáng tạo Microsoft Đại học Duy Tân).

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn định hình phát triển (2016 - 2019), để tiếp nối những thành tựu đạt được cũng như khắc phục những hạn chế của giai đoạn đầu, trong giai đoạn này, theo định hướng của Đề án 844, Đà Nẵng ban hành 4 Đề án thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để định hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng, gồm: Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" giai đoạn 2017-2018 trên địa bàn Đà Nẵng; Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn thành phố năm 2019; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn thành phố năm 2020.


Các đại biểu tham quan Hệ thống quản lý rác thải sinh hoạt ENVICAN của nhóm sinh viên Đại học Kinh tế và Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đoạt Giải Ba tại Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Đại Đà Nẵng tổ chức

Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng trong giai đoạn này tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận  thức về tầm quan trọng của vấn đề khởi sự doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, qua đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm tăng cường khả năng hiện thực hóa dự án khởi nghiệp; đáp ứng nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp của các tổ chức, cá nhân thông qua các hình thức như tập huấn, đào tạo kỹ năng; hỗ trợ tài chính, mặt bằng sản xuất - kinh doanh, nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư, thương mại;  phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua việc kết nối có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp; thúc đẩy hội nhập quốc tế của doanh nghiệp, có các sản phẩm, thương hiệu ra khu vực và thế giới để đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn hội tụ nguồn lực nền tảng (2020 - 2022), trong giai đoạn này, các nguồn lực nền tảng bắt đầu được hội tụ và kết nối là tiền đề cho giai đoạn sau (tăng tốc) với sự ban hành hàng loạt các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp như: Chương trình và kế hoạch thực hiện Chương trình 36-CTr/TU Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo – khoa học – công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao; Đề án Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Quy định về nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố đến năm 2025; Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”…

Có thể nói, trải qua 3 giai đoạn chính với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền thành phố, sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, đồng hành và hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đã hình thành nền tảng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng startups và các bạn trẻ, sinh viên thay đổi nhận thức và tư duy khởi nghiệp, kích thích tinh thần khởi nghiệp, tích lũy, nâng cao các kiến thức, kỹ năng để có thể hiện thức hóa đam mê và ý tưởng khởi nghiệp.

Cơ hội và thách thức

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, tại Đà Nẵng, trong các trường Đại học, lĩnh vực đổi mới sáng tạo vẫn còn một khoảng trống lớn, còn ít start-up xuất phát ngay trong nhà trường trên cả bình diện thành phố hay quốc gia. Các ý tưởng từ sinh viên phải đối mặt với rất nhiều thách thức cần phải vượt qua. Ngoài ra, nhận thức của sinh viên ở các trường còn chưa thực sự đồng đều. Nhiều bạn trẻ chưa thực sự quan tâm đến khởi nghiệp, chưa phân biệt (hiểu rõ) được tính mới và tính sáng tạo trong ý tưởng (ý tưởng mới đối với bản thân mình nhưng đã có trên thị trường, hoặc có tính mới không dựa trên cơ sở khoa học nào cả…).

Việc phải tạo ra sản phẩm mới, mô hình mới, có tính vượt trội và khác biệt, cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức. Điều này, rất cần sự vào cuộc tích cực của nhà trường về chính sách, đầu tư, sự hợp tác, hỗ trợ từ các nhà khoa học, các chuyên gia. Bằng mọi cách để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường Đại học một cách thực chất nhất, toàn diện, gắn liền với khai thác tối đa nguồn lực của địa phương, với liên kết nguồn lực từ bên ngoài.

Tại Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo vận hành thành công các Trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh và các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.


Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đã hình thành nền tảng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng startups và các bạn trẻ, sinh viên

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Lê Đức Viên cho biết, từ những tiền đề về xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng trong thời gian qua; cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ giao cho thành phố về xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, được xem một nhiệm vụ hết sức vinh dự, tự hào nhưng cũng hết sức thách thức và nặng nề. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, đòi hỏi sự nỗ lực và chung tay của toàn thể cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung và quốc gia.

Theo ông Viên, để Việt Nam đạt được mục tiêu tại Quyết định số 188/QĐ-TTg thì hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các địa phương phải mạnh, trong đó thành phố Đà Nẵng phải thể hiện vai trò là một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định ba khâu đột phá là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; trong đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ông Viên nhấn mạnh, từ nhận thức mới về 3 đột phá của Đại hội XIII và diễn biến của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, một trong những đột phá mà chúng ta cần quan tâm đó là khâu đột phá về thể chế; bởi hiện nay, các mô hình kinh doanh - công nghệ mới ra đời trong bối cảnh pháp luật không điều chỉnh kịp, trong khi đó các quốc gia trên thế giới đang triển khai các thể chế mới như khung thử nghiệm pháp lý (sandbox), khu đổi mới sáng tạo (innovation zone), đổi mới sáng tạo mở (open innovation) để thu hút đầu tư và khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…


Trải nghiệm công nghệ Thực tế ảo - VR tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo  - SURF 2022

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Lê Đức Viên cho biết, tính đến nay, Đà Nẵng đã ban hành được 19 chính sách liên quan hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành mạng lưới 6 vườn ươm, 4 quỹ đầu tư, 2 không gian sáng tạo, 10 không gian làm việc chung, 10 câu lạc bộ khởi nghiệp, 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho 17 dự án, chương trình ươm tạo với kinh phí 2,7 tỷ đồng…Một số startup của Đà Nẵng đã giành được các giải cao tại các cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài nước, gọi vốn thành công hàng triệu USD, tạo thêm nhiều việc làm mới, đóng thuế cho thành phố. Trong năm 2020, thành phố Đà Nẵng nhận được giải thưởng Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).

Trong thời gian qua, thành phố cũng đã và đang phối hợp với phía Bộ Khoa học và Công nghệ cũng triển khai các hoạt động liên quan khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như tổ chức Techfest 2018, xúc tiến hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Đà Nẵng; áp dụng cơ chế đặc thù phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát động Techfest miền Trung – Tây Nguyên năm 2022; hợp tác với Đại học Đà Nẵng, Thành đoàn Đà Nẵng, Tập đoàn Vicoland, VNPT Đà Nẵng để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… 


Đà Nẵng vinh dự nhận được Đà Nẵng nhận được giải thưởng yhành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2020

Năm 2020 và 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ trực tiếp cho 18 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 2 vườn ươm triển khai các chương trình ươm tạo với kinh phí gần 5 tỷ đồng. Các nhiệm vụ hỗ trợ tập trung vào hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử sản phẩm để phát triển các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, áp dụng các công nghệ cuộc cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ.

Các hoạt động kết nối mạng lưới về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế được đẩy mạnh triển khai thông qua việc tham dự và tổ chức các sự kiện, cuộc thi, diễn đàn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai hoạt động phát triển mạng lưới khởi nghiệp trên Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng, đến nay có 94 đơn vị, cá nhân tham gia mạng lưới, ngoài ra đã có cơ sở dữ liệu về các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn sâu về các lĩnh vực khác nhau để kết nối hỗ trợ, tư vấn về tài chính, thị trường, công nghệ cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Viên nhận định, hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, Đà Nẵng đã chú trọng hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển sản phẩm, hỗ trợ kết nối chuyên gia thông qua các sự kiện, triển lãm. Tuy nhiên để các doanh nghiệp kết nối được các nguồn lực tài chính mạnh cũng như sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các chuyên gia tài chính, công nghệ chuyên sâu và phát triển mạnh mẽ, bền vững, vươn tầm quốc gia, quốc tế, thì cần có sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn công nghệ, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần, các chuyên gia có kinh nghiệm.

THANH HẢI- HỘI AN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác