Nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em trên phương tiện giao thông công cộng
Đăng ngày 06-12-2022 16:09, Lượt xem: 212

Sáng 6-12, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em trên các phương tiện giao thông công cộng. Tham dự lớp tập huấn có Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lương Thị Đạo.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lương Thị Đạo phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lương Thị Đạo cho biết, vấn đề an toàn đối với người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em gái luôn là vấn đề được xã hội quan tâm. Phụ nữ và trẻ em gái là các đối tượng lệ thuộc nhiều vào các phương tiện giao thông, nhưng dường như họ chưa có nhiều kỹ năng để tự bảo vệ mình trong các tình huống không hay xảy ra. Các tổ chức xã hội cũng chưa có giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, giải quyết vấn nạn này. 

“Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nạn quấy rối, xâm hại phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng. Ví dụ, ở Ấn Độ, tham gia phương tiện giao thông công cộng là một nỗi sợ với phụ nữ. Không ít người bị quấy rối, thậm chí bị các băng nhóm tội phạm hãm hiếp tập thể, giết chết khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng. 

Ở Columbia, Mexico hay Malaysia, chính phủ đau đầu vì nạn sàm sỡ, quấy rối phụ nữ và trẻ em gái trên xe buýt hay tàu điện ngầm. Nhiều nước đã đưa ra giải pháp, thành lập những toa tàu riêng dành cho phụ nữ.

Tại Việt Nam, phương tiện giao thông công cộng mà phụ nữ dễ bị quấy rối chủ yếu vẫn là xe chở khách, xe buýt, xe taxi, xe ôm. Nhiều vụ việc xâm hại khác mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin thời gian qua đã gióng lên một hồi chuông về vấn đề an toàn đối với người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em gái," Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lương Thị Đạo nói.

Báo cáo viên trao đổi kỹ năng nghiệp vụ trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em

Trong thời gian qua, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thành phố trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng. Đặc biệt, tháng 8-2022, Hội LHPN đã tổ chức được 02 lớp cho 150 tài xế xe buýt, taxi trên địa bàn.

Năm 2017, nhân Tháng Hành động Vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Hội LHPN thành phố đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thành phố tổ chức Lễ phát động với hoạt động diễu hành xe buýt gắn 300 nhãn đề can, logo truyền thông về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái diễu hành qua một số tuyến đường trung tâm của thành phố. Ngoài ra, Hội LHPN thành phố sử dụng 4 clip tuyên truyền để trình chiếu trên màn hình tivi của các xe buýt, với thời lượng dao động từ 2 đến 8 phút/ clip.

Để triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2035”, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thành phố tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền trên hệ thống xe buýt của thành phố, như: dán thông điệp, chiếu clip truyền thông, công khai số điện thoại đường dây nóng, thiết kế các paner về các nội dung đảm bảo an toàn- không bạo lực với phụ nữ và trẻ em tại các nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố; Trang bị hệ thống camera giám sát trên các phương tiện giao thông công cộng; thực hiện thí điểm mô hình “Trạm dừng chân xe buýt an toàn, thân thiện”...

Tập huấn cho đội ngũ tài xế xe buýt, taxi kỹ năng nhận diện, can thiệp và giảm thiểu những hậu quả do bạo lực gây ra cho phụ nữ và trẻ em gái

Tham gia lớp tập huấn, đội ngũ tài xế xe taxi, xe buýt được nghe báo cáo viên chia sẻ về vấn đề bình đẳng giới, bạo lực giới và quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng; cách nhận diện các hình thức bạo lực trên cơ sở giới; quy trình phối hợp xử lý các vụ việc bạo lực; hướng dẫn cách tư vấn cho người có hành vi bạo lực. Đồng thời, cung cấp một số nội dung cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của địa chỉ tin cậy; kỹ năng trợ giúp nạn nhân khi bị bạo lực nhằm có thêm kiến thức, áp dụng vào công việc.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác