Rộng cửa thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc
Đăng ngày 18-03-2023 15:08, Lượt xem: 420

Sáng 18-3, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Đầu tư vào Đà Nẵng” với sự tham dự của hơn 120 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, KOTRA Đà Nẵng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Daejeon - Sejong - Chungnam.

Hội thảo được tổ chức nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của thành phố Đà Nẵng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư. Tạo điều kiện kết nối các kết nối doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng; xây dựng tiền đề phát triển quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư trong thời gian đến.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng luôn xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu trong hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch. Đà Nẵng luôn đánh giá cao và ghi nhận sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đối với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần vào xây đắp cho mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai quốc gia.


Quang cảnh Hội thảo

Trong năm 2022, Đà Nẵng đã đón hơn 385.000 lượt du khách Hàn Quốc, chiếm hơn 45% tổng số lượt du khách quốc tế đến thành phố và 50% tổng lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam. Điều này cho thấy Đà Nẵng đã thật sự trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách, doanh nhân Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường xuất nhập khẩu lớn của Đà Nẵng tại khu vực châu Á.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 50 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 78 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Về đầu tư, tính đến cuối năm 2022, Hàn Quốc là một trong năm quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng dự án và vốn đầu tư cao nhất vào thành phố.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào 256 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 358 triệu USD, chiếm 8,9% và xếp thứ 5 xét về tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn thành phố. Một số dự án nổi bật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc có thể kể đến như: Nhà máy Sản xuất Thiết bị y tế ICT Vina của Công ty Dentium tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Trung tâm nghiên cứu giải pháp phát triển linh kiện xe hơi của Tập đoàn LG, Trung tâm Thương mại Lotte Đà Nẵng…

Bà Shin Kyeonglyun, Phó Giám đốc KOTRA Đà Nẵng nhận định, Đà Nẵng có vị trí thuận lợi và có nhiều ưu thế phát triển trong nhiều lĩnh vực du lịch dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Hiện, Đà Nẵng đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh và đẩy mạnh thu hút đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, KOTRA sẽ tăng cường kết nối thông tin, hỗ trợ đưa các đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc tới khảo sát đầu tư tại thành phố cũng như khu vực miền Trung.


Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Daejeon - Sejong - Chungnam

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng có bài trình bày giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh và các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của thành phố.

Đồng thời, đại diện Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng trình bày về dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (giai đoạn 1) và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại đây. Theo đó, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng có vị trí thuận lợi, nhiều dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp cùng chính sách ưu đãi thuế phí thông thoáng, cơ sở hạ tầng tiện ích đồng bộ.

Tọa đàm còn có phiên trao đổi, thảo luận, tập trung giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc trong các vấn đề liên quan đến thủ tục, quy trình đầu tư, nguồn nhân lực, môi trường sinh sống và làm việc cho các nhà đầu tư trên địa bàn thành phố…

Bà Jung Seon Jung, đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Daeseong Paldomat Kimchi mong muốn xây dựng nhà máy sản xuất kim chi tại các khu công nghiệp Đà Nẵng. Đây là thực phẩm nổi tiếng, phù hợp với thị trường tiềm năng tại Đà Nẵng.

Theo Phó Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Trần Văn Tỵ, thành phố hiện có 6 Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ thông tin tập trung và Khu Công nghệ cao. Trong đó, Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang và Khu công nghiệp Hòa Khánh là 2 khu công nghiệp tiếp nhận các nhà đầu tư sản xuất ngành hàng thực phẩm. Đối với nhà máy sản xuất kim chi, ban quản lý rất hoan nghênh khi doanh nghiệp đầu tư tại Đà Nẵng.

Song song đó, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng băn khoăn về khả năng đáp ứng nguồn nhân lực tại Đà Nẵng khi dân số thành phố hiện tại chỉ 1,2 triệu dân. Giải đáp vấn đề này, bà Huỳnh Liên Phương cho biết, trên địa bàn thành phố có hơn 20 trường Đại học, Cao đẳng đào tạo đa dạng ngành nghề, lĩnh vực. Thành phố thường xuyên tổ chức các hội thảo kết nối giữa các trường với các doanh nghiệp; từ đó, tạo cơ hội để các trường có hướng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng mực tiêu nhân sự của doanh nghiệp.

Dịp này, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Daejeon - Sejong - Chungnam.

THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác