Tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2023
Đăng ngày 21-09-2023 09:18, Lượt xem: 39

Ngày 21-9, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2023. Tham dự có đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại 7 phường; Trưởng Ban thanh tra nhân dân 7 phường và Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư 7 phường trên địa bàn quận Sơn Trà.

Toàn cảnh hội nghị tập huấn công tác Mặt trận

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi về các nội dung: Triển khai thực hiện Luật Dân chủ ở cơ sở 2022; Nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; Triển khai tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường năm 2023; các vấn đề về tôn giáo và công tác tôn giáo của Mặt trận cơ sở.

Theo đó, ngày 10/11/2022, Quốc hội thông qua Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật gồm 06 Chương, 91 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, trong đó quy định về phạm vi điều chỉnh, phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng của Nhân dân, các biện pháp bảo đảm, các hành vi nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bên cạnh việc kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật quy định cụ thể, rõ ràng hơn quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật quy định 06 nguyên tắc cơ bản trong đó nhấn mạnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.

Để bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật có những quy định riêng về các biện pháp bảo đảm thực hiện, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng phát huy sự chủ động, tích cực, thực hiện linh hoạt của cơ sở và bảo đảm việc thực hiện các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, hội nghị cũng tập trung trao đổi các nội dung về nhiệm vụ của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Cụ thể, giám sát sự phù hợp của chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư với quy hoạch, kế hoạch đầu tư trên địa bàn cấp xã; việc chủ đầu tư chấp hành các quy định về chỉ giới đất đai và sử dụng đất, quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư, kế hoạch đầu tư. Cùng với đó là tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, việc thực hiện công khai thông tin trong quá trình đầu tư đối với các chương trình, dự án đầu tư công, dự án đầu tư trên địa bàn.

Đồng thời, phát hiện những việc làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư và vận hành dự án; những việc gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc các chương trình, dự án đầu tư. Tiếp nhận các thông tin do công dân phản ánh để gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc tiến hành kiểm tra, giám sát theo phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Ban; tiếp nhận và thông tin cho công dân biết ý kiến trả lời của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về kiến nghị của công dân.

Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hóa, xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng hoặc chủ đầu tư không thực hiện công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật... Ban Giám sát của cộng đồng phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và kiến nghị biện pháp xử lý; trường hợp cần thiết thì kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án.

THÙY LINH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác