Thảo luận sôi nổi tại các tổ đại biểu HĐND thành phố
Chiều 8-7, kỳ họp HĐND thành phố khóa VIII tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại 3 tổ, gồm: Tổ 1 có đại biểu quận Hải Châu, Cẩm Lệ; tổ 2 có đại biểu quận Thanh Khê, Liên Chiểu và tổ 3 có đại biểu Sơn Trà, Hòa Vang. Tại các tổ, hầu hết các đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao về báo cáo kinh tế - xã hội của UBND thành phố trong 6 tháng đầu năm; tổng sản phẩm xã hội GDP ước đạt 20.193 tỷ đồng, tăng 9,13% so với cùng kỳ 2013.

 Đại biểu Võ Thành Nhân (tổ 1) đánh giá “đây là kết quả rất ấn tượng, cao hơn các địa phương khác, thể hiện sự nỗ lực lớn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố”. Tuy nhiên, các đại biểu cũng còn nhiều băn khoăn về công tác triển khai chủ đề “Năm doanh nghiệp 2014”. Các đại biểu cho rằng “Cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi khi ĐN chọn năm 2014 làm năm doanh nghiệp. Sáu tháng đầu năm thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố có nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau với các ngành nghề khác nhau. Mỗi đơn vị lại có những khó khăn khác nhau như về vốn, thị trường, lao động lành nghề… Để các chính sách đáp ứng với từng doanh nghiệp thì thành phố phải giao các ngành, đơn vị nắm cụ thể các doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố cần có những dự báo, hoặc công bố những thông tin về tình hình, định hướng phát triển kinh tế, xã hội, các dự án… để các doanh nghiệp có phương án kinh doanh, đảm bảo công bằng, tránh đầu tư nóng, cạnh tranh không lành mạnh. Liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế thành phố, đại biểu Trương Phước Ánh (tổ 2) cho rằng “Thành phố đầu tư cho lĩnh vực du lịch nhiều nhưng nguồn thu còn thấp, chưa tương xứng. Đề nghị UBND thành phố đưa ra những chính sách cụ thể, thiết thực và tạo sức bật phát triển lớn hơn”.
 
 Về các vấn đề xã hội, các đại biểu thành phố cho rằng, Đà Nẵng đã thực hiện rất tốt nhiều việc, tạo được thiện cảm của rất nhiều người khi đến với thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý lao động nước ngoài… vẫn đang là những vấn đề được cử tri rất quan tâm. Việc xử lý các biển quảng cáo nước ngoài đã được triển khai, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều nơi chưa được xử lý triệt để. Ngoài ra, nhiều khu chung cư, nhà tập thể xuống cấp trên địa bàn quận Hải Châu vẫn chưa được xử lý, cử tri rất mong thành phố sớm đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân.
 
 Về việc quản lý trật tự đô thị, đại biểu Nguyễn Thị Phượng (tổ 1) phản ánh “hiện nay nhu cầu sử dụng ô tô cá nhân rất nhiều, do vậy cần phải có biện pháp căn cơ để giải quyết tình trạng tắc được, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để đậu đỗ xe. Việc sử dụng vỉa hè buôn bán một phần giải quyết việc làm cho người nghèo, các địa phương cần phải có thống kê, điều tra chính xác để bảo đảm đúng đối tượng mới cho phép sử dụng vỉa hè. Cũng trên địa bàn quận Hải Châu, đại biểu Lê Thị Như Hồng đề nghị quận Hải Châu cần quan tâm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, và xử phạt nặng hành vi sai phạm trong vấn đề quản lý trật tự vỉa hè nhằm đảm bảo tính răn đe.
 
 Tại địa bàn huyện Hoà Vang cũng có nhiều vấn đề được các đại biểu phản ánh. Đại biểu Lê Văn Toàn (tổ 3) cho biết, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được thiết kế cao 7-8m, trở thành một con đê. Vùng thượng lưu Hoà Vang sẽ rất nguy hiểm khi mùa mưa đến vì con đường này ngăn nước từ thượng nguồn các con sông, hệ thống cống không thể thoát nước kịp. Bên cạnh đó rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ các hồ Hoà Trung, Đồng Nghệ… bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều tổ chức, cá nhân lén lút khai thác khoáng sản; tình trạng cháy rừng diễn biến phức tạp khiến các hồ này có nguy co thiếu nước trong thời gian đến. Do vậy, người dân đề nghị thành phố có biện pháp bảo vệ rừng các khu vực này nghiêm ngặt hơn nữa.
 
 Về tình hình biển Đông và hỗ trợ ngư dân, đại biểu Nguyễn Thị Phượng (tổ 1) bày tỏ niềm vui khi biết HĐND TP sẽ thông qua Nghị quyết về biển Đông. Điều này đáp ứng lòng mong muốn của nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Về vấn đề hỗ trợ ngư dân, đại biểu Trần Văn Lĩnh (tổ 2) đề nghị cân nhắc việc đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân, tính bền vững và hiệu quả kinh tế trong quy hoạch nghề cá; đồng thời, cần đầu tư xây dựng bến neo đậu tàu thuyền…
 
 Cũng liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Đình Quỳnh cho biết, “ngoài hỗ trợ của Trung ương, thành phố hỗ trợ đóng tàu thuyền của ngư dân tới gần 1/3 giá trị con tàu. Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ bảo hiểm thân tàu cho ngư dân trước tình hình phức tạp biển Đông; thực hiện tốt việc hỗ trợ xăng dầu cho bà con đi đánh bắt xa bờ. Các đại biểu cũng đề nghị đưa vào Nghị quyết việc thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân vừa để tạo cơ sở pháp lý vừa để huy động nhân dân thành phố đóng góp.

NGHI THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác